image banner
Độc đáo Tết mừng cơm mới của người Xá Phó

VHO -  Người Xá Phó ở Lào Cai thuộc nhóm dân tộc Phù Lá, cư trú chủ yếu tại các huyện Sa Pa, Văn Bàn và thành phố Lào Cai. Trải qua lịch sử phát triển, người Xá Phó đã hình thành nên nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, đậm nét bản sắc riêng biệt, trong đó có Tết mừng cơm mới.

anh tin bai

Tết mừng cơm mới nét văn hóa mang tính nhân văn sâu sắc được người Xá Phó coi trọng và gìn giữ

Tết mừng cơm mới của người Xá Phó được tổ chức vào tháng 9 âm lịch hằng năm với nhiều nghi thức độc đáo. Khi những bông lúa ngoài ruộng hoặc trên nương trĩu bông, người Xá Phó náo nức tổ chức nghi lễ rước hồn mẹ lúa về kho để nghỉ ngơi, chuẩn bị cho một năm canh tác mới. Đồng thời, dâng cơm mới mời tổ tiên, mừng cho mùa màng bội thu.

Tết mừng cơm mới là hoạt động cuối cùng của quá trình canh tác, là thời điểm các gia đình dân tộc Xá Phó thu hoạch thành quả của mình. Khi các cánh đồng lúa đã ngả màu, chuẩn bị cho một mùa thu hoạch mới, các gia đình trong làng chọn lấy một ngày tốt, ngày đẹp để mừng thu hoạch, tổng kết một năm sản xuất, dâng thành quả lao động tốt đẹp nhất lên các vị thần thánh cùng gia tiên, cầu mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt, mùa màng tươi tốt, con cháu mạnh khỏe và bày tỏ sự tôn kính lên ông bà tổ tiên đã khuất.

Bên cạnh đó, Tết mừng cơm mới còn là dịp để đồng bào Xa Phó cùng nhau vui chơi, chào mừng một mùa vụ bội thu với các trò chơi dân gian sôi động như đánh yến, tó má lẹ, đánh quay, tung còn, kéo co, đi cà kheo, múa xoè và những tiết mục văn hóa văn nghệ đặc trưng của người Xa Phó mừng cho mùa màng bội thu, cầu cho con người cũng như vật nuôi được sinh sôi phát triển, thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc, chia sẻ giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

anh tin bai

Múa cầu mùa là một nghi lễ đặc sắc trong lễ mừng cơm mới của người Xá Phó

Trong Tết mừng cơm mới  của dân tộc Xá Phó thì nghi lễ đón "hồn lúa mới" hay rước "hồn lúa mới" về nhà là quan trọng nhất. Xuất phát từ quan niệm vạn vật hữu linh và sự trân trọng giá trị của cây lúa trong đời sống sản xuất và sinh hoạt, các dân tộc thiểu số ở đây đã “thiêng hóa” hình ảnh cây lúa trong tâm thức tín ngưỡng tộc người, họ đều cho rằng cây lúa cũng có linh hồn. Do đó, mỗi khi tổ chức Tết mừng cơm mới mỗi gia đình phải đi rước “hồn lúa mới” từ cánh đồng, nương rẫy về nhà. Hình tượng cây lúa và “hồn lúa” trong tâm thức của người dân mang đậm tính nhân văn, bản sắc văn hóa tộc người.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển của xã hội, nhiều nét bản sắc văn hóa truyền thống của người Xá Phó đang có xu hướng mai một và biến đổi trong đời sống cộng đồng. Để bảo vệ và phát huy giá trị di sản Tết mừng cơm mới của người Xá Phó, ngày 3.12, Sở Văn hóa và Thể thao Lào Cai đã phối hợp với Phòng Văn hoá và Thông tin thành phố Lào Cai tổ chức phục dựng và bảo tồn Tết cơm mới của người Xá Phó ở xã Thống Nhất, thành phố Lào Cai với mục tiêu từng bước tạo thành điểm nhấn trong du lịch trải nghiệm trên địa bàn Lào Cai.

anh tin bai

Múa mừng cơm mới của người Xá Phó thể hiện mong ước về một cuộc sống tốt đẹp

Theo Ban tổ chức, hiện nay du khách đến với Lào Cai có xu hướng khám phá, trải nghiệm những nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc, việc bảo tồn, phát huy Tết cơm mới của dân tộc Xá Phó với phương châm vừa bảo tồn văn hóa vừa tạo sản phẩm du lịch độc đáo mang đậm bản sắc phục vụ phát triển du lịch địa phương. 

Do đó, để phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của nhà nước, xã hội và cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy di sản Tết mừng cơm mới của người Xá Phó, trong quá trình nghiên cứu tổ chức phục dựng cần khai thác và phục dựng những chi tiết độc đáo nhất, ý nghĩa nhất đối với đời sống tinh thần và tín ngưỡng của người Xá Phó hướng đến mục tiêu “bảo tồn sống” tức là các giá trị di sản phải sống động, trở thành những nghi lễ diễn ra thường xuyên trong cộng đồng. Đồng thời, khơi dậy niềm tự hào về các giá trị di sản văn hóa, tạo chuyển biến về nhận thức cho người dân - chủ thể văn hóa nâng cao ý thức bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Xá Phó.

anh tin bai

Tết cơm mới gắn với nhiều trò chơi dân gian tạo không khí sôi động thu hút sự tham gia của cộng đồng

Việc phục dựng, bảo tồn Tết mừng cơm mới của người Xa Phó không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong hệ thống các nghi lễ nông nghiệp mà còn thể hiện một giá trị văn hóa độc đáo, thể hiện sự tôn vinh cây lúa trong đời sống sản xuất và văn hóa của đồng bào các dân tộc Việt Nam nói chung, các dân tộc thiểu số ở Lào Cai nói riêng.

Đây cũng là một nội dung quan trọng nhằm triển khai có hiệu quả Dự án 6 về "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 trên địa bàn Lào Cai.

QUỲNH VY; ảnh T.THANH



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1