image banner
Thành công từ chăn nuôi lợn rừng

Trong phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua của thành phố Lào Cai, các cấp Hội Nông dân đã đóng góp 2.769 tấm gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

emoticon

Luôn trăn trở tìm giải pháp phát triển kinh tế gia đình, năng động, sáng tạo cùng với sự say mê tìm tòi học hỏi và áp dụng cái mới. Anh Lê Văn Hinh, thôn Tòng Mòn, xã Đồng Tuyển đã thành công với mô hình chăn nuôi, trồng cây ăn quả từng bước phát triển kinh tế, cho thu nhập gần một tỷ đồng mỗi năm.

Sau 5 năm gây dựng, trên khuôn viên gần 3ha của gia đình anh Lê Văn Hinh ở thôn Tòng Mòn, xã Đồng Tuyển giờ đây đã là một cơ ngơi khang trang. Mới đầu, anh rồng 10 ha nghệ và 2.000 gốc chuối tiêu hồng. Do không có thị trường tiêu thụ, giá thành thấp nên cả nghệ và chuối đều không mang lại thu nhập. Cuối năm 2012, đàn gà hơn 500 con của gia đình anh bị dịch bệnh, phải đem đi tiêu hủy. Khó khăn chồng chất khó khăn, đã không ít lần anh muốn bỏ cuộc.

Qua mỗi lần thất bại, anh đã phân tích từng nguyên nhân, rút kinh nghiệm và học hỏi, tìm tòi để chuyển hướng làm kinh tế mới cho gia đình. Anh dành thời gian đi thăm các trang trại, nghiên cứu đặc tính, khả năng thích nghi của con giống, đến năm 2013 anh Hinh quyết định chuyển sang nuôi lợn rừng. Anh đã chọn lọc trên 10 con lợn rừng bố mẹ có nguồn gen gốc thuần chủng để nhân giống. Theo anh Hinh, đối với chăn nuôi, chất lượng thịt là điều kiện quyết định đến hiệu quả sản xuất, chứ không nằm ở sản lượng thịt. Lợn rừng có nhiều ưu điểm như có sức đề kháng tốt, tỷ lệ nạc cao, chi phí đầu tư vào trang trại, thức ăn, công chăm sóc lại ít tốn kém hơn so với đầu tư nuôi lợn công nghiệp. Trong khi đó, bán được giá cao, nhu cầu của thị trường lớn. Đặc biệt trong chăn nuôi anh đã áp dụng Công nghệ vi sinh – Đệm lót sinh học đảm bảo vệ sinh môi trường.

Từ những ngày đầu với nhiều khó khăn, đến giờ gia đình anh đã xây dựng được thương hiệu riêng, tạo dựng thị trường tiêu thụ ổn định. Hiện tại, trang trại của anh có trên 100 con lợn rừng. Với giá bán trung bình 200 nghìn đồng/1kg. Không chỉ nuôi lợn rừng trong trang trại anh còn bố trí thêm dãy chuồng nuôi 500 con gà ác. Đến nay mô hình kinh tế trang trại của anh Hinh đang dần phát triển và mở rộng. Trong khuôn viên trang trại là các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, mỗi năm tổng doanh thu của gia đình anh đạt gần một tỷ đồng.

Chia sẻ về những thành công trong việc phát triển kinh tế, anh Lê Văn Hinh cho rằng, quan trọng nhất là phải biết tìm tòi, học hỏi, không ngại khó ngại khổ, phải nắm chắc và áp dụng khoa học những kiến thức liên quan đến cách trồng, chăm sóc loại cây, con của mình để có thể chủ động phòng tránh dịch bệnh, bón phân hợp lý thì cây trồng mới có năng suất cao. Thành công của anh chính là sự năng động, sáng tạo cùng với sự say mê tìm tòi học hỏi và áp dụng cái mới.

Với ý trí dám nghĩ, dám làm, mô hình kinh tế của anh Lê Văn Hinh ở thôn Tòng Mòn không những vừa tận dụng được lợi thế đất đai mà đang mở ra hướng đi mới trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình, mang lại thu nhập cao, góp phần xây dựng xã vùng biên Đồng Tuyển, xây dựng thành phố Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới.



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1