image banner
Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng dưa vân lưới công nghệ cao
Sau gần 3 tháng trồng và chăm sóc, đến nay, mô hình trồng dưa vân lưới ứng dụng công nghệ cao của Hợp tác xã Trọng Tín, tại thôn 3, xã Đồng Tuyển đã và đang cho thu hoạch sản phẩm để bán ra thị trường. Những kết quả bước đầu của mô hình này đang mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp bằng ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng.

Sau gần 3 tháng trồng và chăm sóc, đến nay, mô hình trồng dưa vân lưới ứng dụng công nghệ cao của Hợp tác xã Trọng Tín, tại thôn 3, xã Đồng Tuyển đã và đang cho thu hoạch sản phẩm để bán ra thị trường. Những kết quả bước đầu của mô hình này đang mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp bằng ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng.

Mô hình trồng dưa vân lưới trong nhà màng của HTX Trọng Tín được hình thành tháng 10/2017, với diện tích hơn 4.400m2. Trong đó, tại thôn 3, xã Đồng Tuyển 1.200m2, tổ 10 phường Nam Cường 3.200m2. Tổng kinh phí để đầu tư xây dựng mô hình gần 1 tỷ đồng. Anh Quang chia sẻ: Khác với phương pháp canh tác tự nhiên, việc trồng dưa ứng dụng công nghệ cao phải đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt từ khâu làm đất, kỹ thuật bón phân, nước tưới... Đặc biệt, do cây được trồng trong nhà màng có những ưu điểm, như giảm tối đa các loại sâu, bệnh gây hại nên việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gần như không có, năng suất cao, sản phẩm bảo đảm chất lượng tiêu chuẩn VietGap. Để dưa có mẫu mã đẹp, thơm, ngọt và an toàn, anh đã áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất của Israel như dựng nhà màng, hệ thống tưới nước, bón phân tự động… “Cùng sự giúp đỡ của các thành viên trong HTX, Quang tự mầy mò học hỏi trên mạng internet, đọc qua sách, báo, để có thêm kiến thức áp dụng vào thực tế. Sau những lần trồng thử nghiệm, cả thành công lẫn thật bại anh rút ra được những kinh nghiệm quý để cây dưa sinh trưởng và phát triển tốt”.

 

Được đánh giá là giống cây mới, kén đất trồng, thế nhưng loại dưa vân lưới được HTX Trọng tín trồng thành công và bước đầu cho hiệu quả khi trồng bằng phương pháp này. Chỉ trong một thời gian ngắn, cây sinh trưởng tốt, tỷ lệ đậu quả cao, tổng sản lượng 1 vụ ước đạt từ 4 - 4,5 tấn/1.000m2 đất. Trồng trong nhà màng, có hệ thống tưới tiêu tự động nên khi thu hoạch xong, sử dụng cây mới trồng thay tế cho cây cũ. Vì vậy, có thể canh tác quanh năm trong mọi điều kiện thời tiết, thường mỗi năm có thể sản xuất được từ 3 đến 4 vụ dưa.

Theo anh Quang, Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ dưa vân lưới trên thị trường khá lớn, khi dưa chín được thu hoạch, các chủ cửa hàng đến tận vườn để đặt vấn đề thu mua. Sản phẩm làm ra không đủ cung cấp thị trường thành phố Lào Cai. Chất lượng quả khả quan, độ ngọt bêxit tương đối được người tiêu dùng tin tưởng, đánh giá cao. Trên mỗi quả dưa đều có dán tem mác truy xuất nguồn ngốc đầy đủ, rõ ràng. Giá dưa lưới hiện ở mức từ 35.000 đến 40.000 đồng/kg, với hơn 4.000 m2 trồng dưa vân lưới, cho doanh thu khoảng 700 đến 800 triệu đồng. Đây là vụ thu hoạch thứ 2 trong năm, sau khi thu hoạch xong vụ này, anh tiếp tục xuống giống trồng phục vụ hàng dịp Tết nguyên đán 2019. Hiện nay, không chỉ trồng dưa vân lưới, anh còn đang trồng thêm 6.000m2 cây măng tây tại xã Tả Phời, chăn nuôi bò và tìm hiểu, nghiên cứu để trồng thêm một số loại cây, quả áp dụng công nghệ cao. Theo kế hoạch phát triển sản xuất của HTX, Quang sẽ tiếp tục mở rộng thêm khoảng 4000m2 nhà màng tại xã Đồng Tuyển để trồng 2 giống dưa vân lưới Hoàng Ngọc và dưa lưới Đế đặc mật của Đài Loan, đồng thời sẽ kết hợp thêm một số dịch vụ nhằm hướng đến khai thác theo hình thức du lịch sinh thái.

Hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng dưa vân lưới trong nhà màng của HTX Trọng Tín sẽ mở ra triển vọng mới cho việc áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thành phố, làm cơ sở để phát triển nhân rộng mô hình. Từ đó tạo ra những sản phẩm sạch, chất lượng, an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường./.

Lệ Thủy



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1