image banner
Gương nông dân sản xuất giỏi
Đến thăm mô hình làm kinh tế của hộ gia đình anh Phạm Văn Bằng và chị Nguyễn Thị Sen, thôn 8, xã Đồng Tuyển, chào đón chúng tôi là đôi vợ chồng trẻ với nụ cười rạng rỡ. Hai anh, chị đang chăm sóc đàn lợn trên 100 con, trong đó có 23 con lợn nái, còn lại là lợn thương phẩm và đàn lợn con sắp tách mẹ. Đây là một trong những tấm gương tiêu biểu của xã Đồng Tuyển trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững và trở thành hộ khá giàu của địa phương.
 emoticon
 Chị Sen (áo vàng) đang chăm sóc đàn lợn thịt
Với quy mô chuồng trại khoảng 300m2, anh Bằng đã đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại khá kiên cố, đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường, thoáng mát, sạch sẽ. Nói chuyện với chúng tôi, chị Sen chia sẻ: Trước đậy kinh tế gia đình rất khó khăn, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất, cái vòng luẩn quẩn đói nghèo cứ đeo bám gia đình chị. Từ khi Hội nông dân của xã cho đi tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật phát triển chăn nuôi kết hợp trồng trọt, anh chị đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư giống, xây dựng chuồng trại để nuôi lợn nái và lợn thương phẩm. Hàng năm, gia đình xuất chuồng trên 250 con lợn con và trên 6 tấn lợn thịt, thu nhập bình quân trên 200 triệu đồng.

Khi hỏi về những khó khăn và kinh nghiệm sản xuất, chị Sen tâm sự: Lúc đầu chưa có kinh nghiệm, đàn lợn con chưa tách mẹ thì lợn mẹ đã bị bại liệt, nguy cơ hỏng cả lợn mẹ và lợn con. Trăn trở với kỹ thuật chăm sóc đàn lợn, anh chị đã tìm tòi học hỏi qua sách báo, kinh nghiệm thực tế từ các hộ chăn nuôi khác và cán bộ thú y của địa phương. Sau một vài lần thất bại, với ý chí quyết tâm, kiên trì, không chịu khuất phục trước khó khăn, anh chị đã từng bước đầu tư và dần dần mở rộng quy mô chăn nuôi lên đến trên 100 con lợn. Để có được thành công như ngày hôm nay, khâu chọn giống, kỹ thuật chăm sóc và vệ sinh phòng dịch là yếu tố quyết định. Ngoài việc chọn giống lợn địa phương có khả năng thích ứng cao, anh chị đã đầu tư nguồn thức ăn đảm bảo chất lượng. Mỗi ngày, anh chị dọn vệ sinh chuồng trại từ 4 đến 5 lần, chuồng trại luôn sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, đủ ánh sáng, hệ thống thoát thải ngầm, có bể chứa không gây ô nhiễm. Công tác tiêm phòng dịch cho đàn lợn được tuân thủ nghiêm ngặt theo đúng hướng dẫn của cán bộ thú y. Với cách làm trên, nhiều năm liền, đàn lợn của gia đình anh chị phát triển tốt, không bị dịch bệnh. Lợn giống không đủ cung cấp cho thị trường. Cùng với chăn nuôi lợn nái và lợn thương phẩm, anh chị còn tích cực trồng rừng với diện tích trên 3 ha, đầu tư nuôi cá khoảng gần 1 ha. Từ hộ khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu, anh chị đã giúp đỡ nhiều hộ trong thôn bằng cách cho mua chịu con giống, hướng dẫn, tư vấn kỹ thuật chăn nuôi. Chưa bằng lòng với kết quả đạt được, thời gian tới anh chị dự định sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi, lắp đặt hệ thống Biogas để đảm bảo vệ sinh môi trường, tiếp tục đầu tư nuôi gà thả vườn để cung cấp gà thịt có chất lượng ra thị trường.

Ông Nguyễn Xuân Thành – Trưởng thôn cho biết, gia đình anh Bằng, chị Sen là một trong những hộ tiêu biểu xuất sắc của thôn, luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào, sống đoàn kết, chia sẻ, giúp đỡ hộ khó khăn. Hiện tại trong thôn không còn hộ nghèo, số hộ có quy mô chăn nuôi tương đương với gia đình chị đã lên gần 10 hộ. Gia đình anh Bằng, chị Sen luôn được bà con nhân dân trong thôn yêu mến và cảm phục về tinh thần vượt khó đi lên. Mô hình thoát nghèo bền vững như hộ anh Bằng thật đáng biểu dương để nhân rộng./.



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1