image banner
Tấm gương sáng của vị lãnh đạo về học tập và làm theo “Tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ chí Minh”
Trong mỗi chúng ta ai cũng biết, trên mảnh đất hình chữ S tự hào, có biết bao nghĩa trang liệt sĩ, nơi yên nghỉ của hàng vạn chiến sĩ đã hy trong các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và bảo vệ vững chắc biên cương tổ quốc. Bên cạnh những ngôi mộ liệt sỹ đã được ghi danh vẫn còn biết bao ngôi mộ được đặt với cái tên “ Liệt sĩ chưa biết tên” nhìn tấm bia đó ai cũng hiểu đó là những người đã hy sinh cả tuổi thanh xuân cho đất nước để rồi thịt xương các anh đã hòa vào đất mẹ, máu đào của các anh đã tô thắm thêm ngọn cờ dân tộc. Thế nhưng có ngôi mộ không mang danh “liệt sĩ” đó là điều đặc biệt, đó là ngôi mộ của Đ/C nguyên Bí thư - Chủ tịch Ủy ban hành chính đầu tiên của thị xã Cam Đường tỉnh Lào Cai .

Nghĩa trang liệt sĩ xã Đông La thuộc Huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội, là nơi yên nghỉ của các anh hùng liệt sỹ - những người con của quê hương Đông La. Trong nghĩa trang ấy, có một ngôi mộ được đặt ở vị trí trung tâm ngay sát tượng đài liệt sĩ, trên mộ có tấm bia không có hai chữ “Liệt sỹ”, trên bia mộ chỉ có dòng chữ: “Đồng chí Nguyễn Bình Minh - Quê quán thôn Đông Lao, xã Đông La huyện Hoài Đức- Hà Nội. Sinh năm 1917, mất năm 1984”. Nhiều người đến đây đã tự đặt câu hỏi người đó công trạng thế nào, tại sao mộ đặt trong nghĩa trang lại không mang danh “ Liệt sĩ”? quả thật là điều khó lý giải.

Tôi đã may mắn có thời gian công tác và giữ cương vị chủ chốt của một phường vinh dự được mang tên ông - phường Bình Minh, mảnh đất địa danh năm xưa nơi mà ông đã sống trong những tháng này cuối cùng trong cuộc đời công tác, vì vậy có điều kiện để tìm hiểu rõ hơn về cuộc đời thân thế sự nghiệp của ông .

Ông sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo tại thôn Đông Lao xã Đông La huyện Hoài Đức thành phố Hà Nội. Với truyền thống quê hương các mạng, ông đã sớm được giác ngộ cách mạng. Năm 1939 ông tham gia làm thư ký Công hội đỏ trong Hội ái hữu Hà Nôi; được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1940. Năm 1942 ông bị đế quốc Pháp bắt và lần lượt bị giam cầm tại các nhà tù: Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo. Kẻ thù đã dùng mọi thủ đoạn tra tấn hết sức dã man hòng khuất phục ông. Những cuộc tra tấn đã làm ông chết đi sống lại nhiều lần ở nhà tù Hỏa Lò - Hà Nội; nhà tù Sơn La, cuối cùng bị đày ở nhà tù Côn Đảo. Mặc cho kẻ thù tra tấn, làm nát mười đầu ngón chân và hỏng cả bộ phận sinh dục của ông, những đòn tra tấn dã man của kẻ thù không khuất phục được người chiến sĩ mang trong mình dòng máu cộng sản.

Tháng 8/1945 ông được trả tự do và tiếp tục tham gia làm Bí thư chi bộ huyện đảo Phú Quốc. Từ năm 1946 đến năm 1959 ông được rút về đất liền tham gia các đơn vị thuộc Tổng cục Chính trị trong Quân đội Nhân dân Việt Nam và sau đó tham gia đảm nhận nhiều cương vị công tác khác nhau. Tại Đại hội Đảng bộ thị xã Cam Đường lần thứ Nhất ngày 20/5/1966, ông được bầu làm Bí thư Thị ủy, kiêm Chủ tịch Ủy ban hành chính thị xã Cam Đường, đến năm 1971 ông được cử làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị xã Cam Đường, năm 1979 ông chế độ và chuyển về quê sinh sống. Năm 1884, ông đã trút hơi thở cuối cùng tại quê nhà thuộc thôn Đông Lao, xã Đông La, Huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.

Cả cuộc đời của ông không ham muốn tiền tài danh vọng, ông đã dâng hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng, kẻ thù đã cướp đi cái mà quyền được làm cha của ông, vì vậy ông không xây dựng gia đình và để dành chọn thời gian tâm trí cho công việc. Trước khi chuyển về quê sinh sống, ông đã hiến tặng cho nhà trẻ Liên cơ (nay là trường Mầm non Bình Minh thuộc phường Bình Minh) toàn bộ đất đai và một ngôi nhà gỗ 3 gian cùng toàn bộ vật dụng mà hàng ngày ông vẫn dùng. Cả cuốn sổ tiết kiệm mà ông dành dụm từ đồng lương ít ỏi cũng dành lại cho các cháu nhỏ nơi được coi là quê hương thứ hai của ông, để rồi ông về quê sống nương nhờ vào các cháu họ và bà con lối xóm, về với tuổi thơ bên những người bạn chăn trâu cắt cỏ, sống cuộc đời đạm bạc, thanh cao.

 
Đ/c Mai Đình Định - Bí thư Thành ủy Lao Cai trao bằng công nhận cán bộ lão thanh trước 1 tháng 1 năm 1945 cho thân nhân dòng họ Nguyễn Văn

 

Dù có nhiều công lao đóng góp rất to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước sau hòa bình lập lại nhưng ông không đòi hỏi bất cứ chế độ gì. Ông ra đi với 2 bàn tay trắng. Thứ tài sản quý giá nhất ông đem theo là tình cảm yêu mến, kính trọng, sự tiếc nuối của người thân và những người đã cùng sống và công tác với ông. Để bày tỏ lòng tri ân, đạo lý uống nước nhớ nguồn, năm 2016, Thành uỷ Lào Cai đã quyết định thành lập tổ công tác đặc biệt do đồng chí Lê Quốc Huy - Ủy viên BTV, trưởng Ban tổ chức Thành ủy làm trưởng đoàn. Tổ công tác có nhiệm vụ tìm lại các hồ sơ liên quan đến cuộc đời công tác của ông để đề nghị nhà nước truy tặng phần thưởng xứng đáng với sự hy sinh của ông. Việc làm này hết sức khó khăn, bởi thời gian công tác chiến đấu của ông đã lâu và luân chuyển qua nhiều đơn vị, bối cảnh lúc bấy giờ các địa danh lại chia tách và sát nhập tỉnh. Thời điểm khi tiến hành làm hồ sơ, ông cũng đã mất được hơn 30 năm, vì vậy, nhiều hồ sơ bị thất lạc. Hơn nữa, ông không kết hôn nên không thể khai thác thông tin qua lời khai của vợ hoặc con. Manh mối duy nhất được những đồng nghiệp của ông kể lại đó là đồng chí lãnh đạo cùng công tác với ông từ đó lần theo các dấu tích để thu thập các tài liệu chứng cứ. Sau gần một năm với sự tận tâm và trách nhiệm của các đồng chí trong tổ công tác, cùng với sự giúp đỡ của các cơ quan bộ ngành và các địa phương; đến tháng 12/2016 ông đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai Quyết định công nhận là cán bộ tham gia hoạt động cách mạng trước cách mạng tháng 8 năm 1945. Thành ủy Lào Cai lại tiếp tục củng cố hồ sơ cho ông, năm 2018, ông đã được Chủ tịch nước truy tặng Huân chương kháng chiến Hạng Nhất. Phần thưởng cao quý đó không những phần nào giúp cho linh hồn ông nơi suối vàng được thăng hoa mà còn là phần thưởng cao quý dành tặng cho Đảng bộ thành phố Lào Cai và tô điểm rạng rỡ cho truyền thống quê hương ông.

Khi đến đây, được kính cẩn nghiêng mình trước vong lình đồng chí đang nằm yên nghỉ bên những người đồng đội, dẫu chưa được khắc hai từ “Liệt sỹ” nhưng đồng chí cũng giống như những biết bao liệt sỹ đã ngã xuống cho non sông đất nước để rồi được ngủ yên trong lòng đất mẹ. Tôi bỗng nhớ đến mấy lời thơ ai đó đã từng viết: 

Dẫu vô danh nhưng tên anh vẫn là tên Chiến sỹ

Là tên đất nước đặt cho đứa con mình trân quý

Như một giọt máu hồng, trong hàng triệu trái tim yêu...

Nguyễn Trung Bẩy - Trưởng Ban dân vận Thành ủy Lào Cai


 Tác giả: Nguyễn Trung Bẩy Trưởng Ban Dân vận- Chủ tịch UBMTTQ VN thành phố Lào Cai
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1