image banner
Đảm bảo an ninh, an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường
Sáng ngày 17/4/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 điểm cầu thuộc các tỉnh, thành phố và 603 điểm cầu cấp huyện trong cả nước, với trên 20.000 người tham gia về đảm bảo an ninh, an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường. Giáo sư - Tiến sỹ Phùng Xuân Nhạ - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì Hội nghị.

 

Quang cảnh tại điểm cầu Thành phố Lào Cai 

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực học đường ở một số địa phương với tính chất và mức độ ngày càng phức tạp. Cá biệt có một số vụ việc nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến thể chất, tinh thần học sinh, giáo viên, môi trường giáo dục, gây lo lắng, bức xúc trong xã hội. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều thông tư, văn bản, chỉ thị yêu cầu toàn ngành giáo dục triển khai, phối hợp với các lực lượng nhằm tăng cường các giải pháp phòng, chống và xử lý kịp thời bạo lực học đường, bảo đảm an ninh, an toàn trường học.

Tại hội nghị, các điểm cầu được nghe đồng chí Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên báo cáo tình hình triển khai hiện nay và kế hoạch đảm bảo an toàn trường học, phòng, chống bạo lực học đường trong thời gian tới và một số mô hình phòng, chống bạo lực học đường kinh nghiệm từ nghiên cứu quốc tế. Hội nghị đã được nghe 18 bài tham luận từ các điểm cầu cùng các ý kiến của các đại biểu đã phân tích những nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng bạo lực học đường, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; đồng thời cũng chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm mới trong công tác quản lý giáo dục và đào tạo.

 

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: phòng chống bạo lực học đường là trách nhiệm không chỉ của bộ, của các địa phương, ban giám hiệu các nhà trường, mà là trách nhiệm của từng thầy cô giáo, từng cán bộ, học sinh, phụ huynh và của toàn xã hội. Đội ngũ nhà giáo có vai trò rất quan trọng trong việc đẩy lùi bạo lực học đường, nhất là thầy cô giáo chủ nhiệm, thầy cô giáo phụ trách đoàn, hội, đội phải nêu gương. Để làm tốt vấn đề nay, theo Bộ trưởng là phải chú trọng ngay từ khâu đào tạo giáo viên, thầy cô phải có năng khiếu sư phạm, yêu nghề mến trẻ; chương trình đào tạo cho giáo viên cũng phải thay đổi.

Đồng thời, thống nhất triển khai, thực thi các Nghị định, Chỉ thị của Chính phủ, kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo; các sở Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường phải cụ thể hóa thành các nội dung của nhà trường, cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, các cơ quan hữu quan và chỉ đạo triển khai thực hiện. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát, căn cứ mức độ vi phạm để xử lý, không bao che, dung túng, từng bước xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, không còn bạo lực học đường./.


 Tác giả: Ánh Hồng



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1