Gương sáng nông dân sản xuất kinh doanh giỏi người dân tộc Dáy ở thành phố Lào Cai
Dẫn chúng tôi theo con đường
bê tông liên thôn nằm giữa những ao cá vuông vắn san sát nhau. Bà Lê Thị Thu,
Chủ Tịch Hội Nông dân xã Cốc San nói với chúng tôi với một niềm tự hào: “ Thôn
Luổng Đơ chủ yếu là người dân tộc Dáy sinh sống, các hộ gia đình ở đây đã mạnh
dạn phát triển kinh tế theo mô hình đào thả cá mang lại hiệu quả cao, nhiều
ngôi nhà khang trang, sạch đẹp được xây dựng, nông thôn khởi sắc.
Thành quả này có được đều do người
dân biết đã nắm bắt thị trường, nhạy bén trong chuyển đổi. Tiêu biểu là mô hình
nuôi cá chép của hộ gia đình bà Hoàng Thị Chắp, ông Hoàng Xuân Phú, thôn Luổng đơ
xã Cốc San, huyện Bát Xát trước đây và nay là Thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai.
Thăm quan mô hình cá chép
giống
Chỉ vào một khu ao cá rộng lớn, Bà
Thu giới thiệu với chúng tôi diện tích sản xuất cá giống của gia đình bà Chắp,
ông Phú với diện tích khoảng 17ha ( diện tích này được nhận
thầu lại khu ruộng khoán do kém hiệu quả nên gia đình bà Chắp xin phép địa phương cải tạo thành ao nuôi cá). Với niềm say
mê và quyết tâm làm giàu, ban đầu bà Chắp xin vay nguồn vốn 5 triệu tại ngân hàng huyện Bát Xát, ngoài ra
vay thêm bạn bè, người thân để đào đắp ao, mua con giống. Thời gian đầu đi khắp các tỉnh Nam Định, Hải
Phòng, Hà Nội để nhập cá về bán lại cho người dân trong tỉnh và đặc biệt được
sự giúp đỡ của “Ty Thủy sản Yên Bái đã hướng dẫn thêm về kỹ thuật, cách chăn
nuôi con cá giống.... thấy nhà bà nuôi cá thành công dần dần nhiều hộ dân trong
thôn cải tạo ruộng trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang đào ao nuôi cá. Ngoài vốn kiến thức, kinh nghiệm nuôi cá có
được từ việc học các chủ chăn nuôi lớn ở các tỉnh bạn, các thành viên trong gia
đình thường xuyên tham gia các lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi; tích
cực tham quan, học tập và chia sẻ kinh nghiệm với chủ các mô hình nuôi cá giống
có hiệu quả để phục vụ cho công việc nuôi cá. Hiện nguồn cá giống của gia đình sản
xuất ra đến đâu là hết đến đó. Theo bà Chắp “Cá giống là loại cá nhỏ, dễ chết nên quá
trình nuôi ương, thâm canh, vận chuyển khi mang đi tiêu thụ đều phải có kỹ
thuật. Để đảm bảo chất lượng con giống và năng suất, cần phải cải tạo ao,
thường xuyên thay nước, vệ sinh ao nuôi theo định kỳ, cho cá ăn đúng giờ, bảo
đảm lượng thức ăn. Sau mỗi lứa thu hoạch cá giống cần tháo hết nước trong ao
rồi rắc vôi bột khử trùng, hoặc xử lý ao nuôi trước khi thả cá bằng các chế
phẩm sinh học. Bờ ao phải được gia cố chắc chắn, tránh để rò rỉ, cá thoát ra
ngoài. Cá giống phải khỏe mạnh, không xây xát, không bị dịch bệnh, bảo đảm tỷ
lệ sống cao mới có thể xuất bán được, người mua thấy cá bị chết nhiều thì lần
sau mình bán rẻ cũng không ai tới tìm mua”.
Từ một khó
khăn, nhưng với sự quyết tâm, ý chí, nghị lực, sự năng động, nhạy bén trong
phát triển sản xuất và mô hình thành công. Bà chắp phấn khởi cho biết: “Để trở
thành hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, gia đình tôi đã không ngừng phát
huy tinh thần tự lực tự cường, dám nghĩ, dám làm để vượt khó vươn lên làm giàu
chính đáng. Bên cạnh đó, muốn sản xuất hiệu quả thì bản thân phải có phương án
sản xuất kinh doanh thích hợp với mô hình mình đã lựa chọn, phải sản xuất theo
quy hoạch, đồng thời phải nắm bắt thông tin, tiếp cận với thị trường và tăng cường
áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất”. Với việc tuân thủ phương án
sản xuất này mà tổng thu nhập hằng năm của gia đình không ngừng tăng”. Với mức
thu nhập qua các năm: Năm 2014: Đạt 8 trăm
triệu đồng. Năm 2020 vừa qua,
Doanh thu của gia đình đạt trên 2 tỷ đồng, trừ chi phí cũng đem lại thu nhập
cho gia đình từ 400-500 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho từ 6 đến 7 lao
động địa phương với mức thu nhập 5-6 triệu đồng/người/tháng.

Mô hình nuôi cá thành công của
Bà Hoàng Thị Chắp, xã Cốc San, TP Lào Cai
Không chỉ sản xuất
kinh doanh giỏi, hộ gia đình Bà Hoàng Thị Chắp còn tích cực tham gia ủng hộ các hoạt động từ thiện,
nhân đạo, quỹ đề ơn đáp nghĩa, Quỹ vì người nghèo do Ủy ban mặt trận tổ quốc, Hội
Chữ thập đỏ kêu gọi. Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân chung sức xây dựng nông
thôn mới” gia đình bà đã hiến 2.000 m đất làm đường giao thông nông thôn, ủng hộ
tiền mặt 50 triệu đồng và nhiều ngày công lao động. Bên cạnh đóng góp tiền, của cho chương trình xây
dựng nông thôn mới, Bà Chắp cũng thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ, hỗ
trợ những hộ dân trong
thôn, trong xã có hoàn cảnh khó khăn về vốn, con giống, kỹ thuật, thức ăn chăn
nuôi để tạo điều kiện cho họ phát triển sản xuất, có nguồn thu nhập ổn định,
vươn lên thoát nghèo.
Với những việc làm đầy ý nghĩa và hiệu quả trong
phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi và chung sức xây dựng nông thôn mới,
gia đình bà Hoàng Thị
Chắp đạt hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp trong nhiều năm liền. Năm 2016 được Thủ tướng chính phủ Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam tặng Bằng khen vì ”Đã có thành tích trong lao động
sản xuất, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Hội Nông dân
Việt Nam vinh danh danh
hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020...Bà Hoàng Thị Chắp
là tấm gương tiêu biểu đã tạo thêm động lực, khích lệ bà con người Dáy nơi đây
cùng nhau xây dựng kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương.