image banner
Nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên khi sử dụng mạng xã hội

Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị xác định rõ: “Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng là một nội dung cơ bản, sống còn của công tác xây dựng Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó cán bộ tuyên giáo các cấp là nòng cốt; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị và của từng cán bộ, đảng viên”, xem đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò của cán bộ, đảng viên trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một trong những nội dung cốt lõi của công tác xây dựng Đảng, mang yếu tố quyết định đến thành bại của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, vai trò của cán bộ, đảng viên càng được khẳng định hơn nữa trong mặt trận đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái, thù địch trên môi trường internet, mạng xã hội.

Có thể thấy rằng, trong thời gian vừa qua, đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn giữ vững và phát huy được phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị khi tham gia hành động, phát ngôn trên môi trường mạng xã hội, tận dụng ưu thế của môi trường internet, mạng xã hội để tích cực tuyên truyền quan điểm, tư tưởng, đường lối của Đảng; chủ trương, chính sách của Nhà nước. Bám sát tình hình, nắm bắt tư tưởng, dư luận trong xã hội để kịp thời cung cấp thông tin chính thống, hình ảnh tích cực, truyền đi thông điệp nhân văn, lan tỏa gương người tốt, việc tốt theo phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”. Đồng thời, rất nhiều cán bộ, đảng viên chủ động đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch bằng cách chia sẻ, giải thích cho Nhân dân hiểu đúng bản chất của vấn đề, nhận thức được những chiêu trò, âm mưu, thủ đoạn của chúng, góp phần tích cực vào công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, ngăn chặn và đẩy lùi những thông tin xấu độc, kiến tạo môi trường văn hóa lành mạnh, trong sạch trên không gian mạng. Bằng chính những việc làm, hành động cụ thể của cán bộ, đảng viên nêu trên đã góp phần trực tiếp vào công cuộc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, trong sạch, văn minh trên không gian mạng và kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi, loại bỏ những thông tin xấu độc, sai trái, thù địch.

Với vai trò là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 35 Thành uỷ, Ban Tuyên giáo Thành uỷ Lào Cai trong thời gian vừa qua dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 35 Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Thành ủy và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng với các cơ quan liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt, hướng dẫn cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến việc sử dụng Internet, mạng xã hội như: Luật An ninh mạng; Quy định số 85-QĐ/TW ngày 07/10/2022 của Ban Bí thư về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên internet, mạng xã hội; Quyết định số 874/QĐ-BTTTT, ngày 17/6/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông về ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình, chỉ đạo xử lý hoặc phối hợp cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các trang thông tin giả mạo, xấu, độc, xuyên tạc. Khi phát hiện cán bộ, đảng viên thuộc quyền quản lý vi phạm thì tùy theo mức độ mà cấp ủy, tổ chức đảng kịp thời xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trên cơ sở Quy định của Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã tham mưu cho Thành ủy Lào Cai ban hành Chỉ thị số 19-CT/TU, ngày 26/8/2022 về “Nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc sử dụng internet, mạng xã hội và đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái thù địch trong tình hình mới”...đồng thời chỉ đạo các cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên internet, mạng xã hội với nhiệm vụ và nội dung chính, quan trọng đó là tăng cường công tác quản lý đảng viên, nhất là về chính trị tư tưởng, về việc lập và sử dụng các trang thông tin trên internet, mạng xã hội. Quán triệt đến từng cấp ủy, tổ chức đảng về việc hướng dẫn cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên internet, mạng xã hội; chấn chỉnh nhắc nhở việc cán bộ, đảng viên sử dụng mạng xã hội trong giờ làm việc, đăng tải, chia sẻ, bình luận nội dung không phù hợp trên internet, mạng xã hội…

Hiện nay, trên địa bàn thành phố cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động tham gia mạng xã hội khá phổ biến, nhất là Facebook, Youtube, Zalo... Đa số cán bộ, đảng viên đã xây dựng được ý thức trách nhiệm, nhận rõ tính hai mặt của mạng xã hội, nhất là mặt tiêu cực, qua thống kê, rà soát trên địa bàn thành phố có 14.103 tài khoản mạng xã hội (6.340 tài khoản Facebook; 7.564 tài khoản Zalo; 02 tài khoản Viber; 55 tài khoản Youtube; 125 tài khoản Tiktok; 15 tài khoản Web, blog) của cán bộ, đảng viên trên địa bàn thành phố; việc sử dụng mạng xã hội chủ yếu là để nắm bắt, tra cứu thông tin phục vụ công tác, kết nối bạn bè, đăng tải, chia sẻ, lan toả thông tin tích cực, tuyên truyền nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có ý thức cảnh giác, chủ động tìm hiểu, nhận diện các âm mưu, thủ đoạn tán phát thông tin sai trái, phản động, các đối tượng, cá nhân, tổ chức chống phá Đảng, Nhà nước; biết cách lựa chọn và tiếp nhận thông tin phù hợp; tích cực thông tin, chia sẻ những gương người tốt, việc tốt, những hoạt động tích cực; các tin, bài, hình ảnh, video clip vạch trần âm mưu, thủ đoạn, các luận điệu xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch, phản động; việc quản lý, theo dõi các tài quản sử dụng mạng xã hội thực hiện theo đúng quy định về bảo vệ bí mật nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh phần lớn cán bộ, đảng viên gương mẫu, xây dựng và củng cố niềm tin dư luận trên không gian mạng thì thời gian qua, một bộ phận cán bộ, đảng viên vì nhiều lý do khách quan hoặc chủ quan, đã cố ý hay vô tình tiếp tay cho các thế lực thù địch, phản động khi tham gia môi trường mạng xã hội. Những việc làm đó đã thách thức trực tiếp đến nhiệm vụ, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình hiện nay, một số hành vi cụ thể phải kể đến đó là: Một số cán bộ, đảng viên đưa ý kiến, chia sẻ những bài viết chưa được kiểm chứng, hoặc sai lệch. Thực tế chỉ ra rằng, nhóm người sử dụng mạng xã hội lớn tuổi và ít có kiến thức về công nghệ thông tin, sự cả tin và chịu sự tác động của các tin giả, tin xấu lại nhiều hơn nhóm người trẻ tuổi. Và trong trường hợp này, không loại trừ cán bộ, đảng viên lớn tuổi nhưng ít có kinh nghiệm sử dụng mạng xã hội có thể trở thành những người bị lợi dụng, bị tác động tiêu cực nhiều nhất bên cạnh những cán bộ, đảng viên trẻ tuổi có kỹ năng sử dụng mạng xã hội tốt nhưng lại có hạn chế về kiến thức, nhận thức và bản lĩnh chính trị của mình. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch phản động luôn tăng cường lợi dụng internet và mạng xã hội để lôi kéo, tuyên truyền, dày công xây dựng các tài liệu, dẫn chứng khai thác các vấn đề “nhức nhối” trong xã hội, các hoạt động chính trị lớn, quan trọng của đất nước. Khi tham gia mạng xã hội nếu cán bộ, đảng viên tiếp nhận các thông tin trên, chỉ vì một phút hoài nghi, dao động, nghi ngờ, mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng thì họ có thể bình luận, chia sẻ, đăng tải những thông tin đó. Việc những thông tin, hình ảnh xấu độc được đăng tải trên tài khoản cá nhân của cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ, đảng viên đang giữ các chức vụ quan trọng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, dù vô tình hay hữu ý đều gây hậu quả và hệ lụy xã hội vô cùng lớn. Bởi tiếng nói của những cá nhân này thường thu hút sự chú ý, quan tâm, theo dõi của người dùng mạng xã hội, gây tác động không nhỏ đến nhận thức của họ.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong việc sử dụng mạng xã hội; tạo cho mọi người có sức đề kháng, tỉnh táo, sáng suốt làm tốt nhiệm vụ đấu tranh chống lại các luận điệu sai trái, các quan điểm xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực phản động, thù địch, mỗi cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, người đứng đầu cấp uỷ, cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng; chiến lược An ninh mạng quốc gia; tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới từ đó nâng cao nhận thức về vị trí, vao trò và tầm quan trọng, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong việc sử dụng mạng xã hội.

Thứ hai, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước về bảo đảm thông tin trên mạng xã hội; đấu tranh ngăn chặn thông tin xấu, độc trên mạng xã hội; sớm ban hành quy tắc tham gia mạng xã hội, quy định rõ trách nhiệm và cơ chế khen thưởng, xứ lý kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên…

Thứ ba, phát huy dân chủ, giữ vững kỉ luật, kỉ cương, vai trò "nêu gương" của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao trách nhiệm, tinh thần ''thượng tôn pháp luật'' và trách nhiệm của người dân khi sử dụng internet, mạng xã hội; nâng cao sức đề kháng, khả năng "miễn nhiễm" trước các thông tin xấu độc; xây dựng "thế trận toàn dân" trong tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Thứ năm, định hướng tình hình tư tưởng, thái độ, quan điểm của cán bộ, đảng viên, quần chúng khi chia sẻ, bình luận, đăng tải thông tin trên mạng xã hội; đẩy mạnh việc chủ động cung cấp thông tin, tình hình phục vụ công tác tuyên truyền, phản bác, đấu tranh; thông tin kịp thời các vấn đề nhạy cảm, nóng, gây bức xúc trong dư luận địa phương cũng như kết quả giải quyết của các ngành chức năng, cơ quan có thẩm quyền tạo thuận lợi triển khai công tác tuyên truyền, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả công tác dự báo, nắm bắt tình hình tư tưởng và định hướng tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân; tổ chức tốt hoạt động tuyên truyền, đấu tranh phản bác, gỡ bỏ thông tin xấu độc, quan điểm sai trái trên Internet, mạng xã hội.

Thứ sáu, thường xuyên kiểm tra, giám sát, định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá, động viên, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích trong tổ chức thực hiện.

Thứ bảy, mỗi cán bộ, đảng viên luôn tích cực tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng; giữ vững bản lĩnh chính trị, tính tiên phong, gương mẫu; nêu cao ý thức tuyên truyền, xây dựng tinh thần dũng cảm, dám đương đầu, dám đấu tranh với các thủ đoạn, âm mưu thâm độc của kẻ thù; thường xuyên chia sẻ, viết bài, bình luận những thông tin chính thống để định hướng dư luận xã hội, đồng thời tuyên truyền kết quả về xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, những mô hình, điển hình trên mọi lĩnh vực để lấy cái đẹp, dẹp cái xấu

Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, luôn sáng suốt chọn lọc thông tin để tiếp nhận cũng như tuyên truyền thông tin chính xác, đúng định hướng, tránh chia sẻ thông tin sai sự thật, chưa được kiểm chứng gây tổn hại đến cá nhân, tổ chức, không những vậy, việc chia sẻ, viết bài, bình luận thông tin sai thực thật, cá nhân còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Thực hiện tốt điều đó góp phần quan trọng giữ vững sự ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo tiền đề vững chắc cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

Đỗ Quang Thành - Ban Tuyên giáo Thành ủy
Tin khác



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1