image banner
Kỳ cuối: Phát huy truyền thống cách mạng, khai thác hiệu quả lợi thế, xây dựng Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của vùng trung du, miền núi phía Bắc
LCĐT - Qua 75 năm được tôi luyện trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, Đảng bộ tỉnh Lào Cai đã không ngừng lớn mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; làm tốt vai trò lãnh đạo Nhân dân các dân tộc trong tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của vùng trung du, miền núi phía Bắc

Nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày tái lập tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.

1. Những kinh nghiệm quý của Đảng bộ tỉnh Lào Cai qua 75 năm xây dựng và trưởng thành

Trải qua 75 năm xây dựng và trưởng thành, với 16 kỳ đại hội, Đảng bộ tỉnh Lào Cai đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh, dẫn dắt Nhân dân các dân tộc Lào Cai đấu tranh giải phóng quê hương, bảo vệ và xây dựng tỉnh Lào Cai phát triển. Để làm tròn sứ mệnh vẻ vang đó, Đảng bộ đã không ngừng tự đổi mới và hoàn thiện Đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của Đảng. Trong từng thời kỳ lịch sử, Đảng bộ đã kịp thời đề ra những phương hướng, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và những giải pháp phù hợp đưa Nhân dân các dân tộc Lào Cai đi tới thắng lợi. Những phương hướng, đường lối đó được thể hiện rất sâu sắc trong 16 kỳ đại hội của Đảng bộ. Trong quá trình lãnh đạo trên chặng đường 75 năm qua, Đảng bộ tỉnh rút ra một số kinh nghiệm lớn như sau:

Một là, quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối  của Đảng và tình hình thực tế của địa phương. Tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nhất là trong việc ban hành các chỉ thị, nghị quyết chỉ đạo thực hiện.

Hai là, trong lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội cần tích cực huy động nội lực, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; chọn đúng hướng đi và khâu đột phá để phát triển bền vững.

Ba là, thường xuyên quan tâm, xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt chú trọng, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.

Bốn là, kết hợp chặt chẽ 2 nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với củng cố an ninh, quốc phòng. Tăng cường quan hệ đối ngoại, hợp tác kinh tế để phát triển ổn định.

Năm là, coi trọng và đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, trong đó trọng tâm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với nhận thức của Nhân dân, luôn luôn tạo ra sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội.

Sáu là, quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về công tác dân vận - dân tộc, đổi mới mạnh mẽ công tác vận động quần chúng, tăng cường tập hợp quần chúng vào các tổ chức và các phong trào hành động cách mạng để thực hiện nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ.

2. Một số định hướng phát triển tỉnh Lào Cai đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030

Trên chặng đường phát triển mới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh tự hào về chặng đường đã đi qua. Với khát vọng vươn lên mạnh mẽ vì một Lào Cai phát triển nhanh và bền vững, Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định những mục tiêu lớn, không chỉ cụ thể cho 5 năm, mà cho cả tầm nhìn dài hạn để đến năm 2030 Lào Cai trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước và phấn đấu đến năm 2045 Lào Cai sẽ trở thành tỉnh phát triển của cả nước. Để hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã cụ thể hóa các mục tiêu, định hướng bằng 18 đề án trọng tâm, cùng với 24 mục tiêu, 7 nhiệm vụ trọng tâm, 9 nhóm giải pháp và các lĩnh vực đột phá để thực hiện đến năm 2025, cụ thể:

Thứ nhất, xây dựng và triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách để tập trung vào các lĩnh vực có lợi thế; thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các dự án quy mô thu hút sử dụng nhiều lao động, ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đối với những lĩnh vực then chốt gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, góp phần đưa tỉnh Lào Cai thực sự là trung tâm, là động lực phát triển của vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Thứ hai, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gắn với quyền lợi và trách nhiệm của các địa phương, đơn vị; phát huy vai trò sáng tạo, chủ động, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm và dám đương đầu với khó khăn, thử thách vì lợi ích chung.

Thứ ba, xây dựng quy hoạch và thực hiện thật tốt quy hoạch, gắn kết chặt chẽ, khoa học, đồng bộ giữa quy hoạch chung, vùng, liên vùng, quy hoạch ngành, lĩnh vực. Đây chính là nguồn lực rất lớn phục vụ cho đầu tư phát triển.

Thứ tư, phát triển du lịch - dịch vụ là mũi nhọn để đột phá; trong đó, tập trung xây dựng thị xã Sa Pa trở thành khu du lịch quốc gia mang tầm quốc tế; đưa Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai trở thành thành trung tâm logistics lớn của cả nước.

Thứ năm, phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng số, tạo nền tảng cho chuyển đổi số, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số, xây dựng chính quyền điện tử gắn với cải cách hành chính, tinh giản bộ máy. Phát triển công nghiệp là trụ cột, tập trung chế biến sâu các sản phẩm của tỉnh. Chuyển dịch mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi, gắn với thị trường để nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho khu vực nông thôn.

3. Những mốc son trên chặng đường 30 năm  tái lập, đổi mới và phát triển

(1). Ngày 01/10/1991, tỉnh Lào Cai được tái lập theo Nghị quyết kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII chia tách tỉnh Hoàng Liên Sơn thành hai tỉnh Yên Bái và Lào Cai, mở ra giai đoạn mới cho sự phát triển của tỉnh Lào Cai.

(2). Ngày 31/12/1991, Bộ Xây dựng phê duyệt chính thức phương án quy hoạch đô thị thị xã tỉnh lỵ Lào Cai với quy mô 6.000 ha tại vị trí cũ, đặt nền móng cho sự phát triển của thành phố trẻ nơi địa đầu Tổ quốc.

(3). Ngày 18/5/1993, mở lại Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu cùng với Lễ cắt băng thông cầu Hồ Kiều sau 14 năm gián đoạn, mở ra một giai đoạn mới trong giao thương giữa hai tỉnh Lào Cai và Vân Nam (Trung Quốc).

(4). Ngày 02/9/1993, Lễ thông tàu đường sắt Hà Nội - Lào Cai, chính thức khởi động lại tuyến vận tải quan trọng bậc nhất, kết nối Lào Cai với thủ đô Hà Nội.

(5). Ngày 19/5/1994, Báo Lào Cai trở thành Báo đảng địa phương đầu tiên của cả nước xuất bản tờ báo dành riêng cho đồng bào các dân tộc, tờ báo được in và phát hành đến tất cả các bản làng vùng cao của tỉnh.

(6). Năm 2000, cột mốc đánh dấu giai đoạn khởi đầu thực hiện các chương trình công tác trọng tâm, đề án, nghị quyết chuyên đề hướng về cơ sở của tỉnh, ưu tiên dành 70% nguồn lực đầu tư cho vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.

(7). Ngày 01/10/2001, Lễ khởi công xây dựng Khu đô thị mới Lào Cai - Cam Đường với quy mô 2.350 ha, dành toàn bộ không gian đô thị cũ cho dịch vụ thương mại, đặt nền móng cho việc hình thành khu hành chính mới Lào Cai - Cam Đường.

(8). Năm 2001, chặng đường khởi đầu thực hiện mô hình trường nội trú, bán trú dân nuôi – bước đột phá sáng tạo của Lào Cai trong việc huy động học sinh ra lớp, tăng tỷ lệ chuyên cần, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao.

(9). Năm 2001, Lào Cai gia nhập “Câu lạc bộ 1.000 tỷ”, mốc quan trọng đánh dấu chặng đường phát triển mới sau 100 năm phát triển tỉnh Lào Cai.

(10). Ngày 01/12/2007, Lào Cai long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập tỉnh Lào Cai và vinh dự đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh.

(11). Ngày 30/12/2007, Lào Cai trở thành tỉnh đầu tiên trong 7 tỉnh biên giới phía Bắc hoàn thành phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới Việt - Trung với 127 mốc (gồm 5 cụm mốc ba, 26 cụm mốc đôi và 60 mốc đơn).

(12). Tháng 9/2010, thành phố Lào Cai được tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đề cử và vinh danh, nhận Cúp “Thành phố hữu nghị với Trung Quốc” do Hội Hữu nghị Trung Quốc trao tặng tại thành phố Thượng Hải.

(13). Năm 2010, Lào Cai là tỉnh đầu tiên trong cả nước xây dựng mô hình khung chính quyền điện tử tỉnh Lào Cai để ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý, chỉ đạo điều hành và đẩy mạnh cải cách hành chính công.

(14). Năm 2011, Lào Cai đứng đầu cả cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), từ năm 2006 đến 2020, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Lào Cai luôn được xếp ở thứ hạng cao của cả nước.

(15). Năm 2012, Đảng bộ tỉnh triển khai thực hiện thí điểm mô hình “Ban tuyên vận xã, phường, thị trấn, Tổ tuyên vận thôn, bản, tổ dân phố” trên địa bàn tỉnh Lào Cai tại 35 xã và 1 phường.

(16). Ngày 13/01/2012, Lào Cai hoàn thành phủ sóng qua vệ tinh Vinasat 1 tới 100% địa bàn toàn tỉnh, khắc phục tình trạng vùng cao, vùng xa, vùng lõm của tỉnh Lào Cai không được phủ sóng phát thanh – truyền hình.

(17). Ngày 09/02/2012, tỉnh Lào Cai thành lập Ban Quản lý các dự án ODA nhằm phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong quản lý, vận hành các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh một cách hiệu quả.

(18). Năm 2013, lãnh đạo tỉnh Lào Cai và lãnh đạo Bộ Y tế tổ chức Lễ cắt băng khánh thành Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai quy mô 500 giường bệnh.

(19). Năm 2013, Lào Cai hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, tiếp tục duy trì trì chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

(20). Năm 2013, Lào Cai là tỉnh đầu tiên trong cả nước công bố năng lực cạnh tranh cấp huyện (DCI) nhằm đánh giá năng lực điều hành kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh tại các huyện, thị xã, thành phố và sở, ban, ngành của tỉnh Lào Cai.

(21). Ngày 21/9/2014, thời điểm đánh dấu Lễ thông tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đây là dự án cao tốc có quy mô lớn nhất, dài nhất và hiện đại nhất Việt Nam với tổng mức đầu tư 1,46 tỷ USD, kết nối Việt Nam với thị trường Tây Nam (Trung Quốc) và khu vực ASEAN.

(22). Ngày 15/5/2015, tại thành phố Lào Cai diễn ra Cuộc hội đàm cấp cao giữa Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn.

(23). Ngày 02/02/2016 tổ chức Lễ khánh thành và đi vào hoạt động Cáp treo Phansipan do Tập đoàn Sungroup đầu tư, cáp treo đạt 3 kỷ lục thế giới tại thời điểm khánh thành (cáp treo dài nhất thế giới, chênh lệch độ cao giữa ga đi và ga đến lớn nhất, cáp treo an toàn nhất thế giới).

(24). Ngày 11/9/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 767/NQ-UBTVQH14 về việc thành lập thị xã Sa Pa và các phường, xã thuộc thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Đây cũng là thời điểm cán mốc 5,1 triệu lượt khách đến với Lào Cai.

(25). Năm 2020, Lào Cai dẫn đầu khu vực Tây Bắc với 54 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. 100% xã, thôn có đường đến trung tâm được rải nhựa hoặc cứng hoá bằng bê tông.

(26). Ngày 14/10/2020, Lào Cai khánh thành và đưa vào hoạt động Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Lào Cai, đáp ứng yêu cầu cho người dân, rút ngắn khoảng cách giữa cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy cải cách hành chính, công khai, minh bạch, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành.

(27). Năm 2020, thời điểm đánh dấu chặng đường Lào Cai thu hút các nhà đầu tư chiến lược (8 Tập đoàn lớn của Việt Nam: Sungroup, Bitexco, Alphanam, T&T, TNG, GELEXIMCO, FLC, TH True Milk và Công ty Cổ phần sản xuất XNK Phú Hưng, Công ty Cổ phần KOSY...) với trị giá đăng ký đầu tư giai đoạn 2020 - 2030 đạt mức 125.000 tỷ đồng (tương đương 5,3 tỷ đô la Mỹ).

(28). Năm 2020, Lào Cai cán mốc thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 9.500 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế xếp thứ 2 trong các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc.

(29). Năm 2021, Lào Cai hoàn thành xuất bản 32 tập Văn kiện Đảng bộ tỉnh toàn tập, trở thành tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành xuất bản văn kiện Đảng bộ toàn tập. Đây là tài liệu có giá trị lịch sử, khoa học và thực tiễn sâu sắc.

(30). Kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Lào Cai (01/10/1991-01/10/2021), dấu mốc quan trọng đánh dấu chặng đường tròn 30 năm tái lập, đổi mới và phát triển với những thành tựu ngoạn mục trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.

                                                                             Nguồn: BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY LÀO CAI

Trích báo LCĐT: https://baolaocai.vn/



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1