Kỳ 1: Thành lập Ban cán sự Đảng Lào Cai, tiền thân của Đảng bộ tỉnh Lào Cai ngày nay
LCĐT
- Qua 75 năm được tôi luyện trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, Đảng bộ tỉnh
Lào Cai đã không ngừng lớn mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; làm tốt
vai trò lãnh đạo Nhân dân các dân tộc trong tỉnh trong phát triển kinh tế
- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Lào Cai trở thành tỉnh phát
triển của khu vực Tây Bắc.
Nhân
dân các dân tộc tỉnh Lào Cai một lòng theo Đảng.
1. Thành lập Ban cán sự Đảng Lào Cai
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được
thành lập, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng nước ta, chấm dứt
thời kì khủng hoảng về đường lối kéo dài kể từ khi thực dân Pháp xâm lược. Sau
khi ra đời, Đảng ta đã đề ra đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc theo lập
trường vô sản và khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng
Việt Nam.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, tình hình
chính trị - xã hội ở Lào Cai diễn biến hết sức phức tạp. Theo hiệp ước đồng
minh, quân đội Tưởng Giới Thạch vào miền Bắc làm nhiệm vụ giải giáp quân đội
Nhật. Trong khi chưa giành được chính quyền cách mạng cấp tỉnh thì Nhân dân Lào
Cai lại phải đối phó ngay với quân đội Tưởng Giới Thạch và bè lũ Việt Nam Quốc
dân Đảng phản động. Trong vòng một năm chiếm đóng ở Lào Cai (từ tháng 11/1945
đến tháng 11/1946), bọn Quốc dân Đảng đã phá hoại thành quả của Nhân dân vừa
mới giành được, khủng bố những người theo xu hướng Việt Minh, ngoài ra, chúng
còn thu nhiều loại thuế, bắt nhân dân nộp lương thực, thực phẩm để nuôi quân;
tung tiền giả ra trao đổi mua bán làm rối loạn thị trường,...
Do sự phát triển của phong trào cách mạng ở
Lào Cai, nhiều tổ chức yêu nước theo xu hướng Việt Minh đã được hình thành,
trước tình hình đó cần phải có tổ chức đảng đứng ra lãnh đạo các phong trào ở
địa phương. Với chủ trương hòa để tiến của Trung ương, trung tuần tháng
10/1945, Xứ ủy Bắc Kỳ và Kỳ bộ Việt Minh Bắc Kỳ cử một đoàn cán bộ lên Lào Cai,
với nhiệm vụ tranh thủ lúc Tưởng Giới Thạch chưa lập chính quyền tay sai, xúc
tiến nhanh việc tổ chức chính quyền và các đoàn thể quần chúng gây dựng cơ sở
cách mạng. Đoàn lên mang theo thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh (18/10/1945).
Trong thư Người thông báo cho đồng bào Lào Cai biết Cách mạng tháng Tám năm
1945 đã thành công trong cả nước và Người thăm hỏi, động viên Nhân dân các dân
tộc Lào Cai cùng nhau hăng hái đứng lên phấn đấu để củng cố nền độc lập của
nước nhà.
Đầu tháng 9/1946, Xứ ủy quyết định thành lập
Ban cán sự Đảng tỉnh Lào Cai gồm ba đồng chí, đồng chí Ngô Minh Loan làm Trưởng
ban (có lúc gọi là Bí thư) đồng chí Lê Thanh và Đào Đình Bảng làm ủy viên. Sự
kiện Ban cán sự Đảng tỉnh Lào Cai được thành lập đã đánh dấu bước ngoặt quan
trọng trong lịch sử Cách mạng của Nhân dân Lào Cai. Từ đây Lào Cai đã có tổ
chức Đảng lãnh đạo, là động lực to lớn thúc đẩy quần chúng đứng lên đấu tranh
giải phóng quê hương.
2. Giải phóng Lào Cai lần thứ nhất
(11/1946)
Ngày 4/10/1946, Ban cán sự Đảng đã tổ chức
cuộc họp với chỉ huy các đơn vị bộ đội chủ lực để bàn kế hoạch chi tiết về
chiến dịch giải phóng Lào Cai. Ngày 26/10/1946, các cánh quân chủ lực của ta
bắt đầu tiến công đánh bọn Quốc dân Đảng ở Phố Lu (Bảo Thắng), tham gia cùng
với lực lượng vũ trang cách mạng còn có quân của các thổ ty, sau 3 ngày đêm
chiến đấu quyết liệt, quân ta đã làm chủ khu vực Phố Lu, địch đã phải rút chạy
lên Cam Đường và Phố Mới (thị xã Lào Cai). Ngày 28/10/1946, thị trấn Phố Lu
được giải phóng. Sau khi đánh thắng địch ở huyện Bảo Thắng, ta quyết định tiến
quân lên giải phóng thị xã Lào Cai và vùng ven với kế hoạch chia làm hai bước.
Bước một, đánh các trọng điểm của địch ở Cam Đường và Phố Mới; bước hai, giải
phóng hoàn toàn thị xã Lào Cai. Cũng trong giai đoạn này, Nhân dân các dân tộc
Lào Cai và thiếu nhi Sa Pa đã được Bác Hồ gửi thư thăm hỏi, động viên, bức
thư ngày 18/10/1945 Bác Hồ đã viết “Thư gửi đồng bào tỉnh Lào Cai”;
ngày 19/11/1946 Người đã viết “Gửi nhi đồng Xã Pa, Lào Cai”.
Ngày 8/11/1946 bộ đội ta tiến vào giải phóng
Sa Pa, ngày 12/11/1946 sau khi giải phóng Cam Đường, quân ta chia làm ba mũi
đánh vào thị xã Lào Cai. Mũi thứ nhất, tiến đánh hướng Vạn Hoà - Phố Mới; mũi
hai, từ Cam Đường đánh lên; mũi thứ ba, từ Bản Lầu (Mường Khương) đánh vào thị
xã Lào Cai. Lúc này lực lượng thổ ty cũng tích cực tham gia cùng ta tấn công
địch. Trước sức mạnh của ta, bọn Quốc dân Đảng hoảng loạn rút chạy sang Trung
Quốc qua cầu Hồ Kiều và theo đường biên giới thuộc huyện Bát Xát. Dọc đường rút
chạy chúng bị quân ta truy kích gây thiệt hại nặng nề. Ngày 12/11/1946
là ngày đi vào lịch sử tỉnh Lào Cai như một mốc son quan trọng, ngày giải phóng
Lào Cai lần thứ nhất, giải phóng cho Nhân dân các dân tộc Lào Cai thoát
khỏi sự đàn áp của bọn Quốc dân Đảng phản động. Cuối tháng 11/1946, chính
quyền Cách mạng tỉnh Lào Cai được tái lập theo chế độ quân quản. Ngay sau khi
ra đời, Ủy ban quân quản đã đứng ra giải quyết những vấn đề lớn, cấp bách về
chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương.
3. Thành lập Đảng bộ tỉnh Lào Cai (5/3/1947)
Với bản chất phản động, hiếu chiến, thực dân
Pháp ngang nhiên xóa bỏ Hiệp định sơ bộ ngày 6/3 và Tạm ước ngày 14/9, ngày
càng đi sâu vào con đường mở rộng chiến tranh xâm lược. Đêm 19/12/1946 cả nước
bước vào cuộc kháng chiến theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn phức tạp,
lực lượng lãnh đạo lại rất mỏng, tỉnh Lào Cai thời điểm cuối năm 1946 mới có 50
cán bộ và 25 đảng viên ở 2 chi bộ (gồm 13 đảng viên chính thức, 12 đảng viên dự
bị). Hầu hết cán bộ, đảng viên được Xứ ủy, Khu ủy điều động từ nơi khác đến
đang ở độ tuổi từ 18-29, ít am hiểu phong tục, tập quán, tiếng nói các dân tộc
địa phương, chưa có kinh nghiệm công tác ở vùng dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, ta
cũng có thuận lợi cơ bản và tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên đều có tinh thần
cách mạng, không sợ khó khăn, gian khổ.
Tháng 1/1947, Khu uỷ quyết định thành lập
Tỉnh uỷ lâm thời Lào Cai thay cho Ban cán sự Đảng để đảm đương nhiệm vụ lãnh
đạo cách mạng trong giai đoạn mới, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lâm thời gồm 3
đồng chí: đồng chí Lê Thanh là Bí thư, đồng chí Đặng Châu Tuệ, Lý Bạch Luân là
Tỉnh uỷ viên. Ngày 5/3/1947, Hội nghị toàn thể đảng viên tỉnh Lào
Cai được khai mạc tại Sở Cẩm (Sở cảnh sát) gần cầu Cốc Lếu thuộc tiểu khu Lào
Cai, thị xã Lào Cai do ta giải phóng tiếp quản dùng làm trụ sở của Tỉnh bộ Việt
Minh. Hội nghị đã tiến hành bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chính
thức gồm 7 đồng chí gồm các đồng chí: Lê Thanh, Đặng Châu Tuệ, Lý Bạch Luân,
Tuấn Sinh, Xuân (Kính), Nguyễn Chúc, Cao Tử Kiến (tức Thành); đồng chí Lê
Thanh làm Bí thư.
Về công tác phát triển đảng các cơ quan của
tỉnh trong tháng 2, tháng 3/1947, toàn Đảng bộ Lào Cai có 7 chi bộ đảng gồm chi
bộ Khối chính quyền, chi bộ khối Đảng và mặt trận, chi bộ Cảnh vệ và 4 chi bộ
của Trung đoàn 171 với tổng số 61 đảng viên; trong đó khối dân sự có 33 đảng
viên; Đến tháng 9/1947, Đảng bộ tỉnh Lào Cai phát triển lên 69 đảng viên (chưa
kể số đảng viên của Trung đoàn 171).
Kỳ 2: Quá trình 75 năm xây dựng và trưởng
thành của Đảng bộ tỉnh Lào Cai
Nguồn: BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY LÀO CAI