image banner
Vệ sinh an toàn thực phẩm ở Lào Cai: Còn những nỗi lo
Trong 6 tháng đầu năm 2011, trên địa bàn tỉnh xảy ra gần 10 vụ với 38 người ngộ độc thực phẩm. Đây chỉ là con số mà các ngành chức năng nắm được, còn thực tế bị ngộ độc thực phẩm chắc hẳn còn cao hơn.

Vấn đề mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trên địa bàn tỉnh đáng báo động, cần được các cấp, các ngành và người dân quan tâm hơn nữa.

 Công tác quản lý ATVSTP ở Lào Cai còn gặp nhiều khó khăn

Quản lý gặp nhiều khó khăn

Do là tỉnh biên giới, nên tình trạng thực phẩm nhập lậu như rau, quả, gia cầm, trứng, thủy sản, thịt, nội tạng động vật… chưa qua kiểm dịch diễn ra khá phức tạp. Đặc biệt, các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trọng, thuốc bảo quản thực phẩm, các phụ gia thực phẩm vẫn thẩm lậu qua biên giới và được bày bán công khai, nhất là tại các chợ vùng cao trên địa bàn. Vì vậy, người dân có thể dễ dàng mua được và sử dụng bừa bãi, dẫn đến dư lượng hóa chất trong nông sản, thực phẩm cao, gây mất ATVSTP và nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng.

Theo thống kê của Chi cục VSATTP tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2011, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý gần 2.000 cơ sở vi phạm về ATVSTP, tổ chức thu hồi và tiêu hủy 1.231 kg thực phẩm không đảm bảo VSATTP và gần 600 lít thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, số vụ vi phạm về VSATTP bị phát hiện và xử lý chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm".

Bà Nguyễn Thị Hải Anh, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: Công tác quản lý ATVSTP trên địa bàn hiện chưa đạt hiệu quả như mong muốn, bởi địa bàn quản lý rộng, các cơ sở chế biến, sản xuất, kinh doanh thực phẩm phát triển khá nhanh. Với những sai phạm ngày càng phổ biến và tinh vi, thì hệ thống quản lý ATVSTP còn thiếu về nhân sự, trang - thiết bị chưa được đầu tư đầy đủ để thực hiện tốt công tác bảo đảm ATVSTP. Bên cạnh đó, hiện ở Lào Cai đang có 3 ngành chức năng (nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương và y tế) tham gia quản lý việc đảm bảo VSATTP ở mỗi khâu khác nhau, nên công tác kiểm soát ATVSTP trên địa bàn đang chồng chéo, chính quyền cấp xã, phường chưa vào cuộc mạnh mẽ, mà chủ yếu giao phó việc quản lý VSATTP cho cơ quan chuyên môn, nên công tác quản lý VSATTP còn gặp nhiều khó khăn.

Ý thức của người dân chưa cao

Để đảm bảo chất lượng VSATTP, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, điều tiên quyết vẫn là đề cao ý thức và trách nhiệm của người sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm trong việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về đảm bảo VSATTP, rồi đến ý thức của người tiêu dùng trong việc đảm bảo VSATTP.

Trong 6 tháng đầu năm 2011, qua kiểm tra 5.808 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh, các cơ quan chức năng đã phát hiện 1.735 cơ sở vi phạm (chiếm 30%), thu hồi và tiêu hủy 1.232 kg và 587 lít thực phẩm các loại, chủ yếu là hàng hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc sản phẩm hoặc hàng sử dụng chất bảo quản độc hại. Vì vậy, cũng trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã xảy ra 10 vụ ngộ độc thực phẩm, với 38 người mắc và làm tử vong 3 người, có vụ ngộ độc tập thể làm 25 người mắc.

Nguyên nhân của những vi phạm về VSATTP không chỉ do sự thiếu ý thức của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, mà còn do nhận thức không đầy đủ, chủ quan của người tiêu dùng. Phần lớn người tiêu dùng vẫn thường mua các loại thức ăn không rõ nguồn gốc hoặc chế biến sẵn ngoài đường phố để chuẩn bị bữa ăn cho gia đình mà không chú ý đến chất lượng VSTP. Chính quan niệm dễ dãi trong việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc của người tiêu dùng vô hình chung góp phần làm cho tình trạng mất VSATTP diễn biến phức tạp.

Cần có giải pháp đồng bộ

Muốn làm tốt công tác đảm bảo VSATTP thì cần phải quản lý chặt chẽ các khâu trong chuỗi cung cấp thực phẩm, từ sản xuất, chế biến, đến cung cấp sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Để làm được điều đó, đòi hỏi có sự phối hợp kiểm soát của các cơ quan chức năng như: y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương, sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền cấp cơ sở xã, phường. Trong đó, các cơ quan chuyên môn cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; kết hợp giữa kiểm tra, xử lý và thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm về VSATTP.

Ngoài ra, người tiêu dùng cần chủ động phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước phát hiện và tố cáo các hành vi vi phạm VSATTP. Mỗi người hãy là một giám sát viên về VSATTP.



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1