image banner
Lào Cai khẩn trương phòng chống bệnh lợn tai xanh
Từ đầu tháng 2 đến nay, bệnh tai xanh và bệnh lở mồm long móng ở lợn đã bùng phát ở 4/9 huyện, thành phố trong tỉnh. Các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp đã triển khai nhiều biện pháp dập dịch, tuy nhiên hiện dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây lan rộng.

Ông Đào Duy Kiên, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Lào Cai lo lắng: Chỉ trong vòng hơn một tháng kể từ ngày phát hiện ổ dịch đầu tiên, đến nay toàn tỉnh đã có trên 300 con lợn bị mắc bệnh, phải tiêu hủy khẩn cấp. Các địa phương có dịch bệnh tai xanh và lở mồm long móng là Văn Bàn, Bảo Thắng, Bảo Yên, TP Lào Cai.

 

  Hiện nay, dịch tai xanh vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây lan rộng

Gần đây nhất, ngày 6/3, cơ quan thú ý phát hiện lợn của một gia đình ở thôn Kim Thành, xã Đồng Tuyển (TP Lào Cai) mắc bệnh tai xanh; đàn lợn của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bảo Thắng và đàn lợn của một gia đình người dân thôn Cốc Sâm 3, xã Phong Niên (Bảo Thắng) bị mắc bệnh lở mồm long móng. Cơ quan thú y đã đã áp dụng các biện pháp chống dịch và tiêu hủy toàn bộ số lợn bị nhiễm bệnh.

Chiều 8/3, Chi cục Thú y tỉnh lại nhận thêm thông tin tại xã Xuân Giao (Bảo Thắng), đàn lợn của một số hộ dân có triệu chứng mắc bệnh tai xanh.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, Bảo Thắng là huyện có số ổ dịch lớn nhất tỉnh. Tính đến ngày 8/3, toàn huyện đã có 4 địa phương gồm thị trấn Phố Lu, xã Xuân Giao, xã Phong Niên, xã Phú Nhuận xuất hiện dịch, với tổng số lợn phải tiêu hủy là 221 con lợn (trọng lượng trên 7.000 kg). Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị ông Trạm trưởng Trạm Thú y huyện cung cấp thông tin về công tác dập dịch thì vị này từ chối.

Được biết, ngay sau khi phát hiện dịch bệnh ở các địa phương, Chi cục Thú y tỉnh đã cử cán bộ xuống cơ sở tập trung hướng dẫn bà con các biện pháp điều trị lợn ốm, phun thuốc khử trùng, tiêu độc chuồng trại và tiêu huỷ ngay lợn mắc bệnh, đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện “5 không” (không dấu dịch, không bán chạy lợn ốm, không vứt xác lợn bệnh chết bừa bãi, không vận chuyển lợn bệnh ra khỏi vùng dịch và không mua lợn bệnh, sản phẩm lợn bệnh).

Cùng với việc dập dịch, cơ quan thú y đã tổ chức tiêm phòng vắc xin cho đàn lợn ở 190 thôn bản của các huyện nằm trong vùng dịch, nhưng do thời tiết đang diễn biến hết sức phức tạp nên các ổ dịch vẫn đang bùng phát. Chắc chắn trong thời gian tới, dịch tai xanh và dịch lở mồm long móng trên đàn lợn sẽ vẫn có khả năng lây lan.

Theo đánh giá của ngành thú y, đa số các hộ chăn nuôi đã có ý thức phòng dịch cho đàn lợn rất tốt, nhất là các hộ chăn nuôi lớn theo mô hình trang trại. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ dân chăn nuôi nhỏ lẻ chưa có ý thức phòng, chống dịch bệnh nên chưa chủ động phòng tránh. Ngoài ra, vẫn còn một số tư thương do hám lợi đã mua lợn từ vùng dịch, vận chuyển trái phép vào địa bàn tỉnh tiêu thụ.

Qua thực tế khảo sát ở một số địa phương cho thấy, chính quyền và người dân còn chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch, không triển khai thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống theo quy định, không có sự gắn kết chặt chẽ giữa chính quyền với ngành thú y. Một số địa phương đã buông lỏng công tác tổ chức giám sát dịch bệnh thường xuyên. Hiện tượng giấu dịch, phát hiện dịch chậm còn xảy ra, khi các cơ quan thú y phát hiện được thì dịch bệnh đã lây lan ra diện rộng.

 

 Phun thuốc tiêu độc khử trùng các ổ dịch ở TP Lào Cai

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Ngọc Minh, Chủ tịch UBND xã Đồng Tuyển (TP Lào Cai) cho biết: Nguyên nhân dịch tai xanh bùng phát ở xã là do một số hộ dân trong xã vẫn có thói quen thu gom thức ăn thừa ở các nhà hàng và cửa hàng ăn uống trên địa bàn thành phố về làm thức ăn cho lợn mà không biết rằng đây là nguồn tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh rất lớn. Bên cạnh đó, không ít người chăn nuôi khi thấy gia súc của mình có biểu hiện mắc bệnh thì giấu cơ quan thú y, “bán tống bán tháo” nhằm vớt vát được đồng nào hay đồng nấy.

Bên cạnh đó cũng cần phải nói rằng, khi dịch bệnh xảy ra, việc xử lý các ổ dịch ở nhiều nơi chưa được triệt để, việc lập các chốt kiểm soát gia súc và sản phẩm động vật ra vào vùng dịch ở một số địa phương thực hiện chưa nghiêm túc làm dịch lây lan nhanh. Cụ thể như ở huyện Bảo Thắng, ngày 3/3, sau khi phát hiện hai ổ dịch ở khu vực thị trấn Phố Lu và ở xã Xuân Quang, chính quyền địa phương đã phát hiện một gia đình nông dân ở thôn Gốc Mít, xã Xuân Quang lén lút vận chuyển lợn mắc bệnh ở địa phương khác về bán cho các hộ dân làm lây lan dịch.

 

 Tiêm vắc xin là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh tai xanh cho đàn lợn

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh tai xanh và dịch lở mồm long móng, ngành nông nghiệp đã tham mưu với UBND tỉnh có chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác kiểm soát để ngăn chặn việc nhập lợn và các sản phẩm tươi sống từ lợn ở các tỉnh đang có dịch tai xanh ở lợn vào tỉnh Lào Cai. Đồng thời, thống kê, quản lý đàn gia súc, gia cầm; huy động các tổ chức đoàn thể phối hợp với thú y cơ sở để chủ động giám sát, phát hiện dịch bệnh tới từng hộ chăn nuôi, từng cơ sở buôn bán vận chuyển và các chợ.

Mặt khác, để chủ động phòng chống dịch bệnh tai xanh và các loại dịch bệnh nguy hiểm khác, Chi cục Thú y tỉnh đã chuẩn bị và cung ứng vắc-xin, thuốc khử độc, sát trùng và một số trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh cho các địa phương, đồng thời tổ chức tập huấn, hướng dẫn cán bộ thú y cơ sở và nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đặc biệt việc quản lý đàn gia súc, phát hiện sớm và báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh.

Việc phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm là nhiệm vụ cấp bách, chính quyền các cấp cần tăng cường tuyên truyền về dịch bệnh, hướng dẫn cụ thể các biện pháp phòng chống dịch và các chủ trương, chính sách của Nhà nước để nâng cao nhận thức của người dân; đồng thời cần kịp thời cập nhật thông tin cho mọi người được biết về dịch bệnh trên gia súc, gia cầm để có biện pháp ứng phó hiệu quả nhất.



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1