image banner
Chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa hè
Thời gian qua, công tác phòng, chống dịch bệnh theo mùa trên địa bàn tỉnh luôn được ngành y tế quan tâm. Hiện nay, thời tiết giao mùa diễn biến phức tạp, nhiều dịch bệnh có nguy cơ bùng phát nếu không có biện pháp phòng, chống hiệu quả.

Theo đánh giá của ngành y tế, trong những năm gần đây, vào mùa hè, tại các địa phương trong tỉnh thường xảy ra một số dịch, bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống nhân dân. Năm 2009 và 2010, dịch cúm A (H1N1) phát sinh và lan rộng ở một số trường học; năm 2011, dịch tiêu chảy do lỵ trực trùng bùng phát ở xã Tả Giàng Phình (Sa Pa) khiến 140 người mắc; năm 2012, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, mặc dù không có dịch, bệnh nhóm A, nhưng đã xuất hiện dịch, bệnh mang tính chất địa phương ở các huyện, thành phố. Trong năm 2012, trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 dịch, bệnh khá nghiêm trọng. Cuối tháng 2/2012, tại xã Gia Phú (Bảo Thắng), phát sinh dịch, bệnh tay - chân - miệng, khiến 88 người bị mắc. Bệnh lan rộng ra cả 9/9 huyện, thành phố, đến hết năm 2012, toàn tỉnh có 1.423 trường hợp bị bệnh tay - chân - miệng. Nhiều nhất là ở thành phố Lào Cai (480 ca), Bảo Thắng (263 ca), Sa Pa (230 ca)… Các ca bệnh tập trung chủ yếu ở trẻ 3 tuổi, chưa đi học. Đến đầu tháng 5/2012, tại xã A Mú Sung (Bát Xát) lại xuất hiện dịch tiêu chảy do lỵ trực trùng gây ra. Theo thống kê, có 79 người mắc bệnh và 2 ca bị tử vong do không phát hiện kịp thời. Khi dịch tiêu chảy ở A Mú Sung vừa được khống chế thì đến 23/5, dịch lại bùng phát ở xã Ngải Thầu (Bát Xát) khiến 27 người bị mắc. Ngoài ra, trong năm 2012, trên địa bàn tỉnh còn có 399 ca mắc chứng sốt phát ban; 1.519 ca bị chó, mèo cắn phải tiêm phòng vắc xin dại; 3 ca không tiêm phòng vắc xin dại đã bị tử vong…

 

 Chủ động khám phòng bệnh mùa hè cho trẻ em

Bác sĩ Trịnh Hùng Lâm, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc xin sinh phẩm (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh) cho biết: Năm nay, tuy mới đến thời điểm bắt đầu vào mùa nóng, nhưng thời tiết diễn biến thất thường, vì vậy nhiều dịch bệnh có nguy cơ phát sinh mạnh. Từ đầu năm đến ngày 28/3, ngành y tế ghi nhận được 526 trường hợp bị chó, mèo cắn phải đi tiêm phòng vắc xin dại (119 ca ở Văn Bàn, 106 ca ở Bảo Yên, 8 ca ở Bảo Thắng…) và 59 ca tiêm huyết thanh… Nghiêm trọng hơn, có 3 trường hợp bị chó dại cắn, không đến cơ sở y tế tiêm vắc xin, nên đã tử vong. Ngoài ra, còn có 37 trường hợp ở huyện Bát Xát mắc chứng sốt phát ban, tuy chưa có kết quả xét nghiệm, nhưng nghi mắc rubella; 37 ca mắc bệnh tay - chân - miệng ở Sa Pa, thành phố Lào Cai; 63 trường hợp mắc bệnh quai bị ở xã Bảo Hà (Bảo Yên)…Các bệnh: Tả, sốt xuất huyết, bạch hầu, ho gà, uốn ván gần đây không xuất hiện ở tỉnh, nhưng không thể không đề phòng, vì vẫn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh. Là tỉnh biên giới, hoạt động xuất - nhập khẩu, mua bán gia cầm diễn ra sôi động, nên luôn phải đề phòng dịch cúm A (H5N1), nhất là chủng cúm gia cầm mới H7N9 đang lây lan ở Trung Quốc.

Hiện nay, công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè đang được ngành y tế quan tâm. Tuy nhiên, cùng với các loại dịch bệnh có diễn biến phức tạp thì công tác phòng, chống dịch, bệnh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Bệnh dại đang là một trong những mối lo lớn nhất của ngành y tế. Số lượng người bị chó cắn phải đi tiêm phòng vắc-xin dại và tiêm huyết thanh ngày càng tăng. Vấn đề ngăn chặn bệnh dại trở nên nan giải vì nhiều lý do. Theo Nghị định 05/2007/NĐ-CP ngày 09/1/2007 của Chính phủ, người dân nuôi chó, mèo phải tiêm phòng, phải có chuồng nhốt, có xích; chó ra ngoài đường phải có người dẫn xích và phải đeo rọ mõm… Nhưng với các địa phương trong tỉnh hiện nay, rất ít gia đình nuôi chó, mèo thực hiện đầy đủ những quy định này. Đa số các hộ ở khu vực vùng cao nuôi chó, mèo theo hình thức thả rông nên khó kiểm soát, quản lý. Ngoài ra, vắc xin dại không nằm trong danh mục vắc xin tiêm phòng miễn phí, giá rất đắt (tiêm đủ 5 mũi hết khoảng 1 triệu đồng). Đồng bào vùng cao kinh tế khó khăn, nhiều người bị chó, mèo cắn, biết là nguy hiểm nhưng không có tiền để đến cơ sở y tế tiêm phòng dại. Mặt khác, nhận thức của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số về phòng, chống bệnh dại rất hạn chế. Nhiều người còn chủ quan, lơ là, coi thường tính mạng…

Vào mùa hè, dịch, bệnh hay bùng phát nhất ở vùng cao là tiêu chảy do lỵ trực trùng gây ra. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân ăn, uống không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: Ăn tiết canh; ăn thức ăn ôi thiu, chưa chín kỹ; uống nước lã; dùng nguồn nước không hợp vệ sinh; sống trong môi trường bị ô nhiễm. Đồng bào vùng cao có tập quán thả rông gia súc, làm chuồng trại gia súc gần nhà, đặt bếp ăn ngay trong nhà, không có thói quen sử dụng nhà vệ sinh… dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch tiêu chảy rất cao. Ngoài ra, môi trường sống bị ô nhiễm, ý thức vệ sinh nhà ở, làng bản, vệ sinh thân thể kém... cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh sốt phát ban, bệnh tay - chân - miệng và nhiều dịch bệnh khác phát sinh. Đặc biệt, ở khu vực biên giới, nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động mua bán gia cầm, nếu các ngành chức năng không kiểm soát chặt chẽ, làm tốt khâu kiểm dịch, thì một số dịch bệnh nguy hiểm rất dễ xâm nhiễm vào địa bàn.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: Biện pháp quan trọng nhất hiện nay là cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, hệ thống y tế ở cơ sở cần đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn hiểu được tác hại, sự nguy hiểm của dịch bệnh, nâng cao nhận thức về việc phòng, chống dịch bệnh mùa hè nói riêng và dịch bệnh theo mùa nói chung. Lực lượng cán bộ y tế thôn, bản đóng vai trò rất quan trọng trong công tác này, nên cần phát huy tinh thần, trách nhiệm với việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện các ca bệnh để xử lý triệt để ngay từ đầu, tránh để lây lan ra diện rộng. Ngành y tế từ tuyến tỉnh đến cơ sở, nhất là ở những nơi có ổ dịch cũ, vừa bị thiên tai cần thực hiện tốt kế hoạch phòng, chống dịch bệnh mùa hè. Tăng cường việc chuẩn bị thuốc, vật tư, hóa chất để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, kịp thời phát hiện, kiểm soát, khống chế dịch bệnh, không để ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống nhân dân.



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1