image banner
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Lào Cai đến năm 2020
Theo Quyết định số 2617/QĐ-UBND, ngày 24 tháng 8 năm 2009, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Lào Cai đến năm 2020, với các nội dung như sau:

1. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

1.1. Phát triển kinh tế - xã hội thành phố Lào Cai đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với quan hệ đối ngoại, hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế; Chiến lược phát triển chung, phát triển ngành toàn quốc; chủ trương xây dựng tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội – Hải Phòng; quy hoạch phát triển vùng Trung du miền núi phía Bắc, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và định hướng phát triển ngành tỉnh Lào Cai. Tận dụng tối đa lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên, cảnh quan, lịch sử và văn hoá để phát triển kinh tế với trọng tâm là kinh tế cửa khẩu, thương mại quốc tế, du lịch, công nghiệp... góp phần cải thiện vị thế của thành phố theo hướng trở thành trung tâm giao lưu tổng hợp hàng đầu khu vực, đô thị phát triển đồng bộ, bền vững, ổn định về quốc phòng, an ninh - mạnh về kinh tế - hiện đại về cơ sở hạ tầng - văn minh về xã hội.

1.2. Huy động và sử dụng hiệu quả tối đa nguồn lực bên trong (đầu tư từ ngân sách nhà nước) kết hợp với thu hút mạnh các nguồn lực bên ngoài (vốn thu hút từ các thành phần kinh tế, cộng đồng dân cư,...) để chuyển đổi căn bản phương thức sản xuất kinh doanh từ truyền thống sang phương thức sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và tích luỹ nội bộ, tạo sự thay đổi căn bản trong cơ cấu kinh tế theo hướng:

- Nâng cao tỷ trọng dịch vụ, phát triển mạnh thương mại hàng hóa, buôn bán biên mậu, thương mại dịch vụ, quá cảnh, trung chuyển, hậu cần logistic, du lịch, tài chính, ngân hàng... trong và ngoài khu kinh tế cửa khẩu.

- Định hướng phát triển các ngành công nghiệp nhẹ, chế biến, đóng gói phục vụ xuất nhập khẩu, hình thành các nhóm ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ thương mại, du lịch và phát triển chọn lọc trong giới hạn công nghiệp nặng có công nghệ hiện đại gắn với khai thác, chế biến khoáng sản.

- Duy trì ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá chất lượng - an toàn, khuyến khích mô hình tập trung, gia tăng tỷ lệ chế biến, xây dựng một số sản phẩm chủ lực có tính cạnh tranh, trước hết ưu tiên chiếm lĩnh thị trường nội tiêu.

1.3. Đầu tư phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội quan trọng, trước hết là hệ thống giao thông nối với các đường trục trên tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai, với các đô thị trung tâm vùng Trung du miền núi phía Bắc kết hợp với chỉnh trang và nâng cấp đô thị thành đô thị loại II; xây mới, tu bổ các công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn, khu thương mại - công nghiệp Kim Thành, các cụm công nghiệp, trung tâm dịch vụ, điểm du lịch... của thành phố.

1.4. Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái; không làm tổn hại và suy thoái cảnh quan thiên nhiên, đặc biệt chú trọng bảo vệ môi trường đô thị xanh - sạch - đẹp; chống ô nhiễm môi trường các khu vực đầu nguồn nước, khu đông dân cư, cụm công nghiệp và khai thác, chế biến khoáng sản.

1.5. Đi đôi với phát triển kinh tế - xã hội là đảm bảo quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, giữ vững an ninh chính trị, ổn định trật tự an toàn xã hội. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc, đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Coi trọng việc nâng cao dân trí, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là cán bộ khoa học, kỹ sư thực hành, công nhân kỹ thuật có trình độ, tay nghề ở các lĩnh vực trọng yếu đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

2. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

2.1. Mục tiêu tổng quát

- Xây dựng thành phố Lào Cai trở thành đô thị loại II trước năm 2015, có kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội hiện đại với cơ cấu kinh tế có các ngành dịch vụ và công nghiệp chiếm tỷ trọng trên 95% vào năm 2010, khoảng 96-97% năm 2015 và trên 98% vào năm 2020. Trong tương lai, đô thị Lào Cai không những chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, mà còn trở thành đô thị trung tâm kinh tế tổng hợp của vùng và là “cầu nối” quan trọng trên tuyến Hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng (Việt Nam); văn hóa phát triển lành mạnh, hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc.

- Đảm bảo sự thống nhất về không gian kinh tế giữa các phường nội thành với các xã ngoại thành và tổ chức không gian hợp lý, đảm bảo sự thuận tiện cho sản xuất và sinh hoạt của cộng đồng dân cư thành phố và phụ cận.

- Đảm bảo phát triển bền vững trên cơ sở gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội và đảm bảo môi trường.

- Đảm bảo vị trí chiến lược trọng yếu về quốc phòng, an ninh, chính trị và trật tự xã hội.

- Phấn đấu đưa thành phố Lào Cai trở thành thành phố anh hùng thời kỳ đổi mới trước năm 2012.

2.2. MỤC TIÊU CỤ THỂ

2.2.1. MỤC TIÊU KINH TẾ

- Tốc độ tăng trưởng GDP đến 2010 đạt 13,7%/năm; giai đoạn 2011 - 2015 đạt bình quân 15,5%/năm và giai đoạn 2016 - 2020 đạt bình quân 13,5%/năm;

- Phấn đấu GDP bình quân đầu người (giá gốc 2007) đạt 25,1 triệu đồng/người/năm vào năm 2010, đạt 53,7 triệu đồng/người/năm vào năm 2015 và đạt 80 triệu đồng/người/năm vào năm 2020.

- Đến 2010, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng đạt 56,4%, dịch vụ đạt 38,7% và nông - lâm - thuỷ sản giảm xuống còn 4,9% trong GDP; đến 2015 cơ cấu tương ứng của các ngành đạt 51,1% - 45,1% - 3,8% và đến 2020 đạt 47,3% - 49,7% - 3%.

2.2.2. Mục tiêu xã hội

- Giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị xuống dưới 5% vào năm 2015 và 3% năm 2020. Nâng thời gian làm việc của lao động nông thôn tương ứng lên trên 80% và 85% vào các năm 2015 và 2020. Giảm tỷ lệ hộ nghèo (tiêu chí mới) xuống 3% vào 2010 và xuống dưới 2% vào 2020.

- Bình quân giai đoạn đến 2020 giải quyết mỗi năm từ 2.000 đến 5.000 lao động; Từ năm 2010, tỷ lệ người không có việc làm thường xuyên duy trì dưới 5%, trên 50% số lao động thuộc các ngành phi nông nghiệp được đào tạo và bồi dưỡng nghề tối thiểu là 3 tháng trở lên.

- Đến năm 2010, 98% dân cư được sử dụng điện lưới quốc gia, 95% dân cư được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, cơ bản dân cư đều được chăm sóc sức khoẻ ban đầu, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng dưới 10%; Đến 2015, 100% dân cư được sử dụng điện lưới quốc gia, 97% dân cư được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng dưới 7%; Đến 2020, cơ bản dân cư được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng dưới 5%.

- Củng cố nâng cao thành quả đạt chuẩn phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS, từng bước thực hiện phổ cập THPT. Đến 2010, trên 40% số trường đạt trường chuẩn quốc gia. Đến 2015 và 2020, số trường đạt chuẩn quốc gia tương ứng đạt 50% và 60%.

2.2.3. Mục tiêu bảo vệ môi trường

- Giữ vững và đầu tư củng cố môi trường cảnh quan của thành phố, nâng độ che phủ rừng lên 48% vào năm 2010, 50% năm 2015 và 52-54% năm 2020

- Năm 2010, thu gom và xử lý 75% rác thải, 70%-75% số hộ gia đình ở nông thôn có nhà xí hợp vệ sinh, 70%-75% chuồng trại hợp vệ sinh; Đến 2015, tỷ lệ rác thải được thu gom và xử lý là 80%, 75%-80% số hộ gia đình ở nông thôn có nhà xí hợp vệ sinh, 80% chuồng trại hợp vệ sinh. Đến 2020, 85-90% rác thải thu gom và xử lý, 90-95% số nhà xí và 85% số chuồng trại hợp vệ sinh.

- Giải quyết tốt vấn đề vệ sinh môi trường đô thị, khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, khu vực khai thác khoáng sản..., bảo đảm môi trường sạch cả khu vực đô thị và nông thôn.

- Sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo tồn và tôn tạo các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.

3. QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ

3.1. Dịch vụ

3.1.1. Mục tiêu phát triển

- Phấn đấu toàn thời kỳ 2010-2020 tăng trưởng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai đạt trung bình 22-27%/năm. Năm 2010 tổng giá trị kim ngạch xuất nhập đạt trên 1 tỷ USD, năm 2015 đạt khoảng 2,7-3,3 tỷ USD và năm 2020 đạt khoảng 7,3-10,9 tỷ USD.

- Phấn đấu tổng mức bán lẻ xã hội năm 2010 là 1.200 tỷ đồng, năm 2015 đạt 3.000 tỷ đồng, đến năm 2020 đạt 6.000-6.500 tỷ đồng.

- Khách du lịch: Phấn đấu năm 2010 đón 700 nghìn lượt khách, năm 2015 đón 900 nghìn lượt khách và năm 2020 đón 1,2 triệu lượt khách; Doanh thu từ du lịch tương ứng đạt khoảng 420 tỷ đồng vào năm 2010, khoảng 600-650 tỷ đồng vào năm 2015 và khoảng 950-1.000 tỷ đồng vào năm 2020.

3.1.2. Phương hướng phát triển

- Quan điểm chung phát triển thương mại, dịch vụ thành phố đến năm 2010 là xây dựng thành phố Lào Cai trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ của tỉnh và khu vực. Ngành thương mại của thành phố trở thành một trong những ngành mũi nhọn, hình thành thị trường bán buôn và giao dịch thương mại lớn nhất tại khu vực Tây Bắc và phía Bắc đất nước làm đầu mối quan trọng để xúc tiến thương mại và ký kết các hợp đồng thương mại giữa khu vực Tây Nam - Trung Quốc và khu vực Tây Bắc Bắc Bộ với các tỉnh khác của Việt Nam.

- Quy hoạch các tuyến phố thương mại chuyên kinh doanh từng mặt hàng như: vật liệu xây dựng, điện, điện tử, điện lạnh, may mặc, đồ gỗ... vừa là nơi nghiên cứu thị trường, vừa là nơi cung cấp hàng hoá, phát triển phù hợp với quy hoạch đô thị.

- Khuyến khích mở rộng giao lưu buôn bán với các đối tác trong và ngoài nước, cải thiện môi trường pháp lý và đầu tư, khuyến khích đầu tư kinh doanh thương mại theo hướng văn minh, hiện đại, phù hợp với điều kiện hội nhập, tăng khả năng cạnh tranh của thương mại địa phương, phù hợp với các thông lệ quốc tế.

- Tiếp tục phối hợp luân phiên tổ chức và mở rộng quy mô Hội chợ thương mại quốc tế biên giới Việt – Trung thường niên.

- Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế năng động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xoá đói giảm nghèo và tăng nguồn thu ngoại tệ, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển kinh tế; nâng cao trình độ dân trí, tạo nhiều việc làm, tăng cường sự giao lưu hiểu biết về kinh tế, văn hóa xã hội giữa các dân tộc trong nước và quốc tế.

- Gắn sự phát triển du lịch của thành phố Lào Cai với sự phát triển của ngành du lịch trong vùng và cả nước trên cơ sở khai thác tiềm năng du lịch trên tuyến trục sông Hồng và hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

- Đa dạng hoá các hoạt động du lịch và các sản phẩm du lịch. Phát triển ngành kinh tế du lịch chiếm tỷ trọng trên 15% GDP của thành phố và góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển.

- Ưu tiên phát triển các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, công nghệ thông tin, vận tải, tư vấn, ...

3.1.3. Định hướng tổ chức dịch vụ chủ yếu

- Thương mại

+ Phát triển các loại hình thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ theo hướng thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn.

+ Nâng cấp và xây dựng hoàn chỉnh hệ thống chợ trên địa bàn bao gồm các chợ Cốc Lếu, chợ Phố Mới, chợ Kim Tân, chợ Pom Hán, chợ Chiềng, chợ Tổng Hợp, chợ Làng Nhớn và các chợ thuộc khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu thương mại...

+ Đầu tư xây dựng siêu thị cấp II, cấp III trên địa bàn thành phố, khuyến khích đầu tư, từng bước hình thành các khu thương mại - dịch vụ tại các khu đô thị mới, khu trụ sở hành chính cũ và khu vực ngoại thành. Trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng khu tổ hợp thương mại, siêu thị, vui chơi giải trí tổng hợp trung tâm hiện đại với quy mô lớn tại tiểu khu đô thị số 2 khu đô thị Lào Cai- Cam Đường.

- Kinh tế cửa khẩu

+ Tập trung phát triển các loại hình kinh doanh trong Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, trọng tâm là Khu thương mại - công nghiệp Kim Thành.

+ Thực hiện thống nhất quản lý và cung cấp các dịch vụ tại khu cửa khẩu.

+ Đầu tư kết cấu hạ tầng: Hoàn chỉnh đầu tư kết cấu hạ tầng khu KTCK. Nghiên cứu quy hoạch mở rộng Khu thương mại - công nghiệp Kim Thành; hoàn thiện đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng; triển khai dự án mở rộng ga Lào Cai, xây dựng cảng ICD Lào Cai, nâng cao năng lực xếp dỡ, đảm bảo khả năng xếp dỡ, vận chuyển hàng hoá bằng conteiner phục vụ vận tải hàng hoá xuất nhập khẩu và qúa cảnh.

+ Hoàn thiện môi trường dịch vụ phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh tại cửa khẩu. Cung cấp đầy đủ và có chất lượng các sản phẩm dịch vụ. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động bộ máy quản lý. Đảm bảo trật tự an toàn, xã hội, quản lý tốt trật tư an ninh biên giới.

- Du lịch

+ Xây dựng và hình thành các sản phẩm du lịch của thành phố với nhiều loại hình đa dạng, như du lịch văn hoá, lễ hội, di tích, du lịch sinh thái, du lịch công vụ,...

+ Tiếp tục phát triển các tuyến du lịch quốc tế, liên tỉnh, nội tỉnh với: Hà Khẩu, Châu Hồng Hà, Côn Minh; Phú Thọ, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình; Sa Pa, Bắc Hà...

+ Lập và thực hiện các dự án quy hoạch đầu tư xây dựng các khu vui chơi giải trí, các khu dịch vụ thể thao - văn hoá. Xây dựng và hoàn thiện khu du lịch làng vườn - làng văn hoá (Bắc Cường), công viên trung tâm (Bình Minh), khu vui chơi - giải trí hai bên bờ sông Hồng; du lịch nghỉ cuối tuần tại các thôn vùng cao Tả Phời, Hợp Thành.

- Dịch vụ vận tải, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, y tế và các dịch vụ khác

+ Phát triển đa dạng các phương thức vận tải. Củng cố và tăng nhanh năng lực vận tải, nâng cao chất lượng và độ an toàn trên mọi hoạt động vận tải.

+ Đa dạng hoá các tổ chức tài chính ngân hàng và các hình thức huy động vốn gắn với hiện đại hoá công nghệ để đẩy mạnh thu hút nguồn vốn của các tổ chức kinh tế và dân cư.

+ Tạo môi trường thuận lợi cho phát triển dịch vụ bưu chính, viễn thông, truyền thông, công nghệ thông tin. Từng bước ngầm hoá hệ thống cáp viễn thông, truyền hình cáp trên địa bàn thành phố.

+ Phát triển dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao. Chú trọng và quan tâm đầu tư phát triển các dịch vụ phục vụ nhu cầu đời sống, nhu cầu tiêu dùng của dân cư như giáo dục, đào tạo, y tế, văn hoá, thể thao,vệ sinh môi trường...

3.1.4. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

- Có chính sách thích hợp tạo điều kiện khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ, đa dạng hóa các loại hình kinh doanh và dịch vụ.

- Đẩy mạnh hoạt động trao đổi, triển lãm, hội chợ và các hoạt động khác giữa các doanh nghiệp trong tỉnh với tỉnh Vân Nam, khu vực các tỉnh Tây Nam Trung Quốc.

- Cải cách, đơn giản hoá các thủ tục hành chính gắn với việc hoàn thiện cơ chế chính sách về phát triển du lịch. Gắn việc xây dựng mới các cơ sở kinh doanh du lịch với việc đầu tư bảo vệ, tôn tạo các di tích và danh lam thắng cảnh, đa dạng hoá sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

- Kiện toàn sắp xếp lại bộ máy quản lý nhà nước về du lịch và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch thuộc địa phương, đồng thời hoàn thiện quản lý thống nhất và hiệu quả các hoạt động du lịch - dịch vụ tiến tới hoà nhập một các chủ động.

- Phát huy sức mạnh tổng hợp giữa các thành phần kinh tế thông qua cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư. Khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vào các lĩnh vực dịch vụ có chất lượng cao.

3.2. Công nghiệp - xây dựng

3.2.1. Mục tiêu phát triển

- Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GTSX công nghiệp - xây dựng trên địa bàn thành phố năm 2010 đạt 16%; khoảng 15%-16% giai đoạn 2011 - 2015 và 12,5% giai đoạn 2016 - 2020.

- Giá trị gia tăng (theo giá CĐ năm 1994) của nhóm ngành công nghiệp - xây dựng trên địa bàn thành phố Lào Cai đến năm 2010 đạt 788 tỷ đồng, năm 2015 khoảng 1.620 tỷ đồng và năm 2020 khoảng 2.920 tỷ đồng.

3.2.2. Phương hướng phát triển

- Đầu tư­ công nghệ và kỹ thuật mới cho công nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, khuyến khích phát triển các ngành nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp truyền thống. Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, có thế mạnh, đặc biệt các sản phẩm có thị tr­ường ổn định, thu hút nhiều lao động như: khai thác, chế biến khoáng sản; vật liệu xây dựng, gia công cơ khí, sơ chế, đóng gói hàng phục vụ xuất khẩu, chế biến nông - lâm - thuỷ sản, dệt bao bì, thủ công mỹ nghệ,...

- Đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp trên cơ sở phát huy có hiệu quả các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh của thành phố để tạo đư­ợc bư­ớc chuyển biến căn bản về hiệu quả và tốc độ tăng tr­ưởng theo hư­ớng kết hợp tăng trưởng và phát triển bền vững, tạo việc làm, đặc biệt ở khu vực nông thôn nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động và nâng cao thu nhập ở khu vực này. Trong giai đoạn đầu tập trung đầu t­ư cho công nghiệp qui mô từ trung bình trở lên. Trong giai đoạn sau phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp bổ trợ.

- Khuyến khích phát triển công nghiệp sạch, giảm thiểu tối đa việc gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở công nghiệp hiện có, đảm bảo môi trư­ờng sinh thái, các di tích văn hóa lịch sử. Ngoài các phân ngành công nghiệp khai khoáng quan trọng, chú trọng phát triển các ngành thu hút nhiều lao động tại chỗ, thuận lợi đầu tư.

3.2.3. Định hướng tổ chức sản xuất chủ yếu

- Công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản

+ Khai thác và chế biến Apatite, trong đó ưu tiên nghiên cứu hướng khai thác, chế biến sâu, sử dụng công nghệ mới, tiên tiến khai thác triệt để từng thân quặng; Cùng với việc xây dựng vận hành nhà máy tuyển Làng Hẻo, tiếp tục đầu tư xây dựng nhà máy tuyển quặng mới Bắc Nhạc Sơn (xã Đồng Tuyển) công suất 350 ngàn tấn/năm và sử dụng hết công suất nhà máy tuyển Cam Đường 120 ngàn tấn/năm; Khai thác triệt để phần trữ lượng quặng loại I còn lại ở các khai trường 14, 15, đẩy nhanh tốc độ khai thác ở các khai trường 10, 11, 12, 17 và khai trường Mỏ Cóc; Nghiên cứu mở các khai trường mới ở khu Bắc Nhạc Sơn, khai trường 20, 22, 23. Sau năm 2010 khai thác các khai trường Làng Cáng 3 và Làng Cáng 4 nhằm kết hợp khai thác quặng loại III, cấp nguyên liệu cho nhà máy tuyển Cam Đường.

+ Khai thác và chế biến cao lanh: Tiếp tục khai thác và chế biến cao lanh Sơn Mãn - Vạn Hoà với công suất đạt 1,5 vạn tấn/năm.

+ Khai thác và chế biến Đô-lô-mit thôn Thành Châu - xã Hợp Thành, quặng đồng xã Tả Phời trong giai đoạn đến 2015.

- Công nghiệp chế biến nông sản

+ Sản xuất thực phẩm, đồ uống: Phấn đấu đến năm 2010 nâng công suất sản xuất lên khoảng 5 triệu lít/năm, năm 2015 lên 7 triệu lít/năm và 2020 xem xét mở rộng quy mô sản xuất với công nghệ phù hợp để đảm bảo công suất khoảng 10 triệu lít/năm.

+ Chế biến chè: Tiếp tục thực hiện và ưu tiên mở rộng dự án nhà máy chè tại khu công nghiệp Bắc Duyên Hải.

+ Chế biến sản phẩm chăn nuôi và thức ăn gia súc: Nâng cấp các cơ sở giết mổ gia súc tập trung thành xí nghiệp giết mổ và chế biến thịt sạch sau giết mổ với dây truyền giết mổ, kiểm tra thú y, bảo quản lạnh, quầy bán có thiết bị bảo quản đủ tiêu chuẩn..., chế biến các phụ phẩm sau giết mổ. Tạo điều kiện phục hồi và khuyến khích phát triển các cơ sở chế biến thức ăn gia súc trên địa bàn nhằm phát triển chăn nuôi chất lượng cao.

- Công nghiệp công nghệ cao, chế tạo máy và gia công kim loại

+ Nghiên cứu tiền khả thi để đến trước năm 2015 có thể triển khai phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ, kỹ thuật cao.

+ Định hướng ưu tiên đầu tư xây dựng xưởng sản xuất kết cấu thép và thiết bị phi tiêu chuẩn, cơ sở lắp ráp thiết bị điện tử và đồ điện dân dụng, cơ sở sửa chữa ô tô, máy móc...

- Công nghiệp vật liệu xây dựng:

+ Nâng cao năng lực, hiệu quả, giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường của các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng. Từ 2010 phấn đấu tăng sản lượng, chủng loại nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng với tốc độ cao trên địa bàn thành phố, các huyện và các tỉnh.

+ Tiến hành đa dạng hoá sản phẩm trên cơ sở mở rộng và đầu tư chiều sâu cho sản xuất tấm lợp và các vật liệu xây dựng khác từ composite cốt thực vật.

+ Về khai thác cát, sỏi (trên sông Hồng và một số suối nhỏ), khai thác đá (tại Tả Phời, Bắc Lệnh, Cam Đường): Rà soát, tổ chức khai thác, quản lý cho phù hợp và không làm ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan.

- Phát triển tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp nông thôn

+ Nâng cao năng lực quản lý và điều hành hoạt động của các cơ sở sản xuất TTCN. Khai thác tối đa các thế mạnh về thị trường, nguồn lao động, nguyên liệu, ngành nghề truyền thống, phát triển mạnh tiểu thủ công nghiệp ở khu vực nông thôn, đặc biệt quan tâm các sản phẩm phục vụ xuất khẩu và du lịch, tập trung vào các ngành có thế mạnh như may công nghiệp, may thêu, dệt len, thủ công mỹ nghệ, chế biến nông lâm sản, sản xuất và sửa chữa cơ khí, lắp ráp điện tử...

+ Trong vòng 10 năm tới tập trung quy hoạch lại khu vực hành chính và khu vực sản xuất - khai thác của Công ty Apatit, đồng thời nhanh chóng hoàn thiện xây dựng hạ tầng cơ sở, cơ chế chính sách thu hút đầu tư vào các khu, cụm thương mại, công nghiệp (Kim Thành, Bắc Duyên Hải, Đông Phố Mới), tạo điều kiện thực hiện các dự án xây dựng khu, cụm tiểu thủ công nghiệp tập trung làm vệ tinh.

+ Nghiên cứu và đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng hình thành các cụm công nghiệp, cụm tiểu thủ công nghiệp tại Đồng Tuyển, Vạn Hoà, Bắc Cường, Bình Minh..., làng nghề tại các khu ven đô thị. Phấn đấu đến 2015 toàn bộ các cơ sở sản xuất TTCN được quy hoạch sản xuất tập trung tách rời khỏi các khu dân cư.

3.2.4. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

- Cơ chế chính sách: Khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp. Cải cách các thủ tục hành chính, đáp ứng nhu cầu về mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp.

- Quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu: Tổ chức tốt sản xuất và quản lý vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Đầu tư tập trung để có sản lượng lớn, chất lượng nguyên liệu đồng đều. Đồng thời đưa tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi để tạo ra vùng nguyên liệu có năng suất và chất lượng ngày càng cao, kết hợp với việc thu gom sản phẩm từ các huyện trong tỉnh đáp ứng cho nhu cầu chế biến.

- Về nguồn vốn: Tạo điều kiện tập trung nguồn vốn cho các làng nghề, các doanh nghiệp vừa và nhỏ được vay vốn với lãi suất ưu đãi, tăng cường nguồn vốn trung hạn.

- Về thiết bị công nghệ: Khuyến khích các cơ sở sản xuất đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, thiết bị, hiện đại hoá công nghệ theo phương châm: kết hợp công nghệ thủ công cổ truyền với công nghệ tiên tiến, lựa chọn công nghệ phù hợp để nâng cao chất lượng sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường và tạo ra khối lượng sản phẩm lớn.

- Về nguồn nhân lực: Có chính sách khuyến khích thỏa đáng để phát huy khả năng của đội ngũ cán bộ chuyên môn giỏi đối với những lĩnh vực cần ưu tiên phát triển ở địa phương mà lực lượng tại chỗ còn quá máng. Thực hiện đa dạng hoá các hình thức đào tạo để nâng cao trình độ tay nghề và chuyên môn nghiệp vụ cho đông đảo người lao động. Có chế độ ưu đãi, khuyến khích các nghệ nhân tài hoa tham gia dạy truyền nghề cho lực lượng lao động trẻ.

- Phát triển thị trường: Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở, thành phần kinh tế chủ động tiếp cận, tìm kiếm khai thác mở rộng thị trường nội tỉnh, trong nước và ngoài nước.

- Về môi trường sinh thái: Triển khai xây dựng quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp bền vững cho thành phố thời kỳ 2010-2020. Tập trung giải quyết có hiệu quả những cơ sở gây ô nhiễm đã và đang tồn tại ở một số xã, phường. Khuyến khích các nhà đầu tư loại bỏ dần các công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, áp dụng công nghệ sạch, xây dựng và thực hiện các dự án cải tạo, bảo vệ môi trường.

3.3. Nông - lâm - thuỷ sản

3.3.1. Mục tiêu phát triển

- Tốc độ tăng giá trị gia tăng ngành nông - lâm - thuỷ sản đến 2010 đạt 6%; giai đoạn 2011 - 2015 bình quân đạt 6,5%; giai đoạn 2016 - 2020 bình quân đạt 6%;

- Giá trị sản xuất nông nghiệp/ha/năm đạt 55-60 triệu đồng năm 2010, 80-85 triệu đồng vào năm 2015 và 95-100 triệu đồng vào năm 2020.

3.3.2. Phương hướng phát triển

- Phát triển nền nông nghiệp phù hợp với quy hoạch mở rộng đô thị và khai khoáng quặng Apatite; Chủ trương gắn nông nghiệp với du lịch sinh thái; Từng bước nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng, hiệu quả và tiến dần đến nền nông nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, tạo ra giá trị lớn.

- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tăng khối lượng sản phẩm hàng hóa, nhằm cung cấp rau, hoa quả, thực phẩm..., cho nhu cầu nội tiêu và tiến tới xuất khẩu một phần ra ngoài thành phố.

- Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật..., nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả đất đai.

- Phát triển nông nghiệp trên cơ sở tăng cường các điều kiện về kết cấu hạ tầng: hệ thống thủy lợi, giao thông, cung cấp điện và dịch vụ nông nghiệp.

3.3.3. Định hướng tổ chức sản xuất chủ yếu

- Trồng trọt

+ Quy hoạch vùng trồng rau sạch tập trung ở các xã, phường có điều kiện thuận lợi về đất đai, nguồn nước, nhân lực. Quy hoạch vùng rau an toàn duy trì khoảng 150ha trên địa bàn các xã, phường ven đô và vùng cao thành phố, trong đó tập chung canh tác với quy mô lớn tại Bình Minh, Vạn Hoà, Cam Đường, Thống Nhất, Tả Phời, Hợp Thành...

+ Phát triển vùng chuyên canh hoa khoảng 20ha trên địa bàn thành phố. Quy hoạch các vùng trồng chè tập trung với tổng diện tích khoảng 200ha. Quy hoạch vùng trồng cây công nghiệp tập trung có giá trị kinh tế và một số loài cây ăn quả ôn đới đặc sản, có hiệu quả kinh tế tại một số thôn vùng cao thuộc hai xã Tả Phời, Hợp Thành.

- Chăn nuôi

+ Xây dựng mô hình nuôi bò nhốt thương phẩm ở Vạn Hoà, Hợp Thành, Tả Phời, phấn đấu năm 2015 đạt khoảng 2.000 con và năm 2020 khoảng 2.500 con.

+ Tập trung phát triển đàn lợn thịt và gia cầm tại Cam Đường, Tả Phời, Hợp Thành, Đồng Tuyển, Thống Nhất, Bắc Cường, Nam Cường, Bắc Lệnh, Xuân Tăng; Phấn đấu sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 6.500 tấn vào năm 2010, 8.000 tấn vào năm năm 2015 và 10.000 tấn vào năm 2020.

- Lâm nghiệp

+ Trồng mới khoảng 600 ha rừng tập trung tại Tả Phời, Hợp Thành, Nam Cường, Phố Mới...

+ Trồng khoảng 150-200 ha rừng cảnh quan và cây phân tán tập trung chủ yếu ở phường Bắc Cường, Nam Cường, Bình Minh, Thống Nhất, theo trục đường Trần Hưng Đạo và Quốc Lộ 4E.

+ Cải tạo khoảng 50ha rừng hỗn giao thành rừng cảnh quan.

+ Trồng trên dưới 100ha rừng cảnh quan môi trường du lịch trên đất rừng sản xuất đã giao cho hộ gia đình, cá nhân.

- Thuỷ sản

Phát triển ngành thuỷ sản theo hướng nuôi trồng chuyên canh quy mô vừa trên tổng diện tích 80-100 ha tập trung chủ yếu ở Bình Minh, Xuân Tăng, Cam Đường, Đồng Tuyển, Hợp Thành, Tả Phời...

3.3.4. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

- Thực hiện cơ chế và chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, Nhà nước tạo điều kiện về mặt bằng, thủ tục giao đất, chuyển đổi đất, hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật... Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư, chủ yếu là hình thức đầu tư thông qua dự án của hợp tác xã hoặc doanh nghiệp được cấp thẩm quyền chấp thuận.

- Nghiên cứu chuyển đổi một phần diện tích đất ruộng kém hiệu quả sang trồng rau, hoa, quả, nuôi trồng thủy sản phục vụ nhu cầu của thành phố và của tỉnh. Đặc biệt chú ý tới phát triển rau, quả đảm bảo yêu cầu vệ sinh thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho khu vực đô thị.

- Tổ chức và hình thành các chính sách khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ hình thành và phát triển các ngành nghề tại khu vực nông thôn, tạo điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình, phát triển các vùng sản xuất tập trung quy mô vừa.

- Chú trọng an toàn thực phẩm bắt đầu từ công tác bảo vệ thực vật, vật nuôi, vệ sinh thực phẩm, tránh dùng các loại hóa chất gây độc hại, thực hiện các biện pháp cải tạo đất.

- Khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, làng nông nghiệp ven đô theo hướng sản xuất công nghiệp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thu mua, chế biến và bảo quản.

4. QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN VĂN HOÁ, XÃ HỘI

4.1. Giáo dục - đào tạo

4.1.1. Mục tiêu phát triển

- Đến năm 2010 có 80% số trẻ em ở độ tuổi quy định vào nhà trẻ, 85% số trẻ em trong độ tuổi vào mẫu giáo; tỷ lệ này đạt tương ứng là 85% và 90% vào năm 2015 và 90% và 95% vào năm 2020.

- Giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập THCS; phấn đấu 50% số xã phường đạt chuẩn THPT vào năm 2015 và 90% số xã phường đạt chuẩn phổ cập THPT trước năm 2020.

- Phấn đấu đến năm 2010 có 60% trường tiểu học, 40% trường trung học cơ sở, 30% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia; năm 2015 các chỉ tiêu tương ứng là 75%, 60% và 45%; năm 2020 là 95%, 75% và 60%.

- Đến 2010, có từ 40%-50% dân cư được tham gia học tập, tuyên truyền tại các Trung tâm học tập cộng đồng, điểm văn hoá khu dân cư và 70% dân cư được tuyên truyền về thực hiện nếp sống văn minh đô thị; Năm 2015, có từ 60%-65% dân cư được tham gia học tập, tuyên truyền tại các Trung tâm học tập cộng đồng, điểm văn hoá khu dân cư và 80% dân cư được tuyên truyền về thực hiện nếp sống văn minh đô thị; Năm 2020, có từ 70%-75% dân cư được tham gia học tập, tuyên truyền tại các Trung tâm học tập cộng đồng, điểm văn hoá khu dân cư và 90% dân cư được tuyên truyền về thực hiện nếp sống văn minh đô thị.

4.1.2. Các giải pháp thực hiện

- Tiếp tục thực hiện tốt chủ trương xã hội hoá công tác giáo dục đào tạo bên cạnh nghiên cứu huy động nguồn lực đầu tư trực tiếp và các nguồn tín dụng ưu đãi cho mục tiêu xây dựng các trường chuyên nghiệp, các cơ sở đào tạo nghề... đáp ứng đào tạo nguồn nhân lực cho thành phố, tỉnh và vùng lân cận.

- Từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, mở rộng qui mô và đa dạng hoá các loại hình đào tạo, xây dựng quĩ khuyến học, quĩ hỗ trợ tài năng trẻ.

- Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo ở tất cả các cấp học, bậc học, chất lượng dạy và học ngoại ngữ, tin học, dạy nghề ở các trường phổ thông, dạy nghề cho người lao động. Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thống cách mạng, đạo đức và khả năng thích ứng với thực tiễn, năng lực thực hành; Phát triển cân đối các ngành học, bậc học; Thực hiện từng bước phổ cập trung học phổ thông.

- Quy hoạch và đầu tư xây dựng một số trường trọng điểm chất lượng cao như trường THPT chuyên, trường THPT Lào Cai số 1 và một số trường Tiểu học, THCS.

4.2. Y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân

4.2.1. Mục tiêu phát triển

- Đến năm 2010 có 100% số xã phường đạt chuẩn quốc gia về y tế.

- Phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng xuống còn 12% vào năm 2010, dưới 10% năm 2015 và dưới 7% vào năm 2020.

- Phấn đấu cho mọi người dân đều được tiếp cận và được cung cấp các dịch vụ y tế nhiều hơn, thuận lợi hơn.

4.2.2. Giải pháp thực hiện

- Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, đặc biệt là các phòng khám đa khoa khu vực đủ các điều kiện cần thiết và khả năng thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân với chất lượng các dịch vụ y tế đạt hiệu quả cao.

- Lồng ghép các nguồn vốn đầu tư từ Ngân sách nhà nước, vốn ODA đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa tỉnh quy mô 500 giường bệnh tại Bình Minh; chuyển bệnh viện đa khoa số 1, số 2 hiện nay thành bệnh viện chuyên khoa sâu.

- Khuyến khích đầu tư xây dựng bệnh viện tư nhân và liên doanh, liên kết với nước ngoài trên địa bàn thành phố. Giai đoạn 2010 – 2015 xây dựng và vận hành Bệnh viện liên doanh hữu nghị Hồng Hà với Trung Quốc quy mô 100 giường bệnh và phát triển lên 500 giường bệnh trước năm 2020.

- Xây dựng bệnh viện điều dưỡng, bệnh viện y học cổ truyền, trung tâm dưỡng lão... bên cạnh khuyến khích đầu tư xã hội hóa hệ thống các phòng khám, phòng mạch tư nhân trên địa bàn.

4.3. Lao động, việc làm

4.3.1. Mục tiêu phát triển

- Tăng số lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật lên trên 40% vào năm 2010, trên 50% năm 2015 và trên 60% vào năm 2020.

- Từ năm 2010, tỷ lệ người không có việc làm thường xuyên duy trì dưới 5%. Tạo việc làm có chất lượng, tăng tỉ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn lên trên 80% năm 2010 và trên 90% năm 2020.

- Đến 2015, cơ bản đào tạo chuyển đổi việc làm và sắp xếp lao động cho các khu vực quy hoạch thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất và các khu vực nông thôn bị đô thị hoá trên địa bàn thành phố.

- Từng bước nâng cao chất lượng chung của lao động thành phố trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại gắn với kinh tế cửa khẩu; đồng thời có hướng phát triển sâu đào tạo cán bộ quản lý, kỹ sư thực hành công nhân lành nghề phục vụ phát triển kinh tế theo hướng bền vững.

4.3.2. Giải pháp thực hiện

- Tạo môi trường, cơ chế và các điều kiện hạ tầng thuận lợi cho việc phát triển các ngành nghề sử dụng nhiều lao động.

- Tiếp tục duy trì các lớp đại học, cao đẳng tại chức, hình thành các lớp đào tạo tại chỗ theo yêu cầu hệ đại học dài hạn. Trước 2012 nâng cấp lên cao đẳng các trường Cao đẳng kinh tế – kỹ thuật và Cao đẳng nghề. Đến 2015, thành lập Đại học cộng đồng, Đại học Sư phạm, Cao đẳng y dược, Cao đẳng công nghiệp...

- Tăng cường các hoạt động tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ trực tiếp để giải quyết việc làm cho những người đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, người không có việc làm, người thiếu việc làm và những đối tượng chính sách.

- Đào tạo nghề phù hợp yêu cầu của mỗi ngành, mỗi nghề. Có chính sách hỗ trợ học phí, kinh phí đào tạo học nghề.

- Sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực đã qua đào tạo. Nâng cao tỉ lệ phù hợp giữa việc làm và chuyên môn được đào tạo của người lao động.

- Phát huy có hiệu quả quỹ hỗ trợ giải quyết việc làm của thành phố để đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm và xuất khẩu lao động. Mở rộng các nguồn vốn cho vay phát triển sản xuất tạo việc làm tại chỗ.

- Đẩy mạnh thực hiện chủ trương xét tuyển lao động là người địa phương vào các cơ quan hành chính sự nghiệp, các doanh nghiệp của Trung ương và địa phương.

4.4. Văn hoá, thông tin, thể dục - thể thao và các lĩnh vực xã hội khác

- Phấn đấu đến năm 2010 có trên 85% số hộ gia đình, 75% tổ dân phố, 50% thôn, 90% cơ quan, trường học đạt tiêu chuẩn văn hoá; năm 2015 các chỉ tiêu tương ứng là 90%, 80%, 60%, 100%; năm 2020 là 95%, 85-90%, 70-75% và 100%.

- Phát triển tại mỗi xã phường ít nhất 1 trung tâm văn hoá để các tầng lớp nhân dân tham gia các hoạt động văn hoá thể thao; Đầu tư xây dựng thư viện thành phố; Khu, nhà triển lãm; Hệ thống hiệu sách, nhà sách...

- Nghiên cứu ban hành quy hoạch bảo tồn và phát triển các điểm di tích, lễ hội truyền thống kết hợp tốt giữa văn hoá, du lịch và kinh tế; Trùng tu khu di tích Đền Thượng gắn với tổ chức Lễ hội đền Thượng hàng năm.

- Xây dựng chương trình đầu tư khôi phục và bảo tồn vốn văn hoá cổ, văn hoá dân gian có giá trị văn hoá dưới các hình thức nghệ thuật của các dân tộc sinh sống trên địa bàn thành phố. Xây dựng các khu dân cư văn minh trên địa bàn toàn thành phố.

- Phấn đấu đến hết 2010 cơ bản các thôn, tổ hoặc nhóm thôn, tổ dân cư có điểm sinh hoạt văn hoá cộng đồng chung.

- Đến 2012 cơ bản hoàn thành lắp đặt và hiện đại hoá mạng lưới truyền thanh công cộng không dây trên toàn địa bàn.

- Nguồn lực dành cho phát triển văn hoá thông tin cơ bản kết hợp giữa việc xã hội hoá trong đầu tư xây dựng các công trình sinh hoạt cá biệt cho cộng đồng dân cư, còn lại cơ bản được nghiên cứu đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia và ngân sách.

4.4.2. Thể dục thể thao

- Đến năm 2010, trên địa bàn thành phố có 30% dân số tập luyện thể dục thể thao thường xuyên và trên 35% vào những năm tiếp theo.

- Phấn đấu đến 2015, mỗi phường có ít nhất một khu tập luyện thể thao, các câu lạc bộ thể dục thể thao như bóng đá, bóng bàn, cầu lông, tenis, thể hình, thể dục thẩm mỹ, xe đạp thể thao...; Đối với các thôn, bản vùng cao có một điểm tập luyện thể dục thể thao tập trung kết hợp với khu sinh hoạt văn hoá cộng đồng.

- Đầu tư xây dựng Khu liên hợp văn hoá- thể thao tại khu đô thị mới bao gồm nhà thi đấu đa năng, khu thể thao dưới nước và các khu phụ trợ khác; cải tạo và hoàn thiện khu văn hoá thể thao quốc tế tại khu kinh tế cửa khẩu (nhà văn hoá, nhà thi đấu, sân vận động, bể bơi...). Đồng thời hoàn chỉnh hệ thống cơ sở vật chất phục vụ tập luyện, thi đấu có tính chất chuyên nghiệp để đủ điều kiện hàng năm đăng cai các giải đấu TDTT của khu vực và các đại hội TDTT khác.

- Đầu tư hình thành và phát triển theo hướng thành tích cao một số đội tuyển thuộc các môn thể thao mà thành phố có thế mạnh và có điều kiện hình thành như: Boxing, Tewoondo, điền kinh, cầu lông, bóng đá, quần vợt...

- Đẩy mạnh phong trào tập luyện, rèn luyện thể dục thể thao đối với toàn cộng đồng, trong đó nhấn mạnh xây dựng phong trào thể thao từ tổ dân phố, nhà trường, cơ quan đơn vị.

- Lập kế hoạch bảo tồn và phát huy các môn thể thao truyền thống dân tộc thiểu số như vật, vâ, kéo co, bắn nỏ, ném còn, đẩy gậy... trong kế hoạch bảo tồn các giá trị, bản sắc văn hoá dân gian.

4.4.3. Giảm nghèo bền vững

- Đến năm 2020 cơ bản thành phố không còn hộ nghèo, khoảng cách giữa nhóm hộ giàu nhất và nhóm hộ nghèo nhất không quá 10 lần.

- Đẩy mạnh và phát triển sản xuất ở những xã, phường còn khó khăn, tạo thêm công ăn việc làm, có chính sách hỗ trợ thích đáng để các hộ nghèo có thể vươn lên làm ăn bằng chính sức lao động của mình.

- Làm tốt công tác tín dụng cho nông dân vay vốn, đặc biệt là cho vay trực tiếp đến hộ nghèo, hộ chính sách xã hội.

- Đối với hai xã khó khăn Tả Phời, Hợp Thành tiếp tục các chương trình, đề án, chính sách đặc thù về đầu tư CSHT (ưu tiên vận động ODA để đầu tư hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, cấp điện, cấp nước và vệ sinh môi trường vùng cao), hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ nâng cao nhận thức, xoá bỏ các tập tục lạc hậu trong sinh hoạt và trong sản xuất.

4.4.4. Các lĩnh vực xã hội khác

- Thực hiện đầy đủ các chính sách xã hội. Xã hội hoá mạnh mẽ công tác chăm sóc các gia đình chính sách, người có công, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ vì người nghèo, qũy nhân đạo...

- Xây dựng và thực hiện chương trình xuất khẩu lao động. Sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn tập trung đầu tư cho công tác giải quyết việc làm trên địa bàn. Triển khai lồng ghép và thực hiện có hiệu quả các chương trình giảm nghèo, tích cực hỗ trợ phát triển sản xuất.

- Tích cực khai thác có hiệu quả tiềm năng về đất đai để góp phần ổn định đời sống nhân dân và tăng nguồn thu cho ngân sách. Đẩy nhanh tiến độ giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân. Triển khai có hiệu quả đề án sắp xếp dân cư, giải quyết việc làm.

- Đầu tư thích đáng cho việc tạo lập các mô hình giải quyết các tệ nạn xã hội từ cộng đồng tới hộ gia đình. Xây dựng nếp sống đô thị có văn hóa, văn minh phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc.

- Trọng tâm đến 2015, xây dựng xong Trung tâm Chữa bệnh giáo dục và lao động xã hội thành phố với quy mô trên 60ha bao gồm cơ sở hạ tầng đồng bộ, khoa học gắn với các mô hình cai nghiện ma tuý hiệu quả kết hợp với lao động sản xuất nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; Cơ bản duy trì vận hành và xây dựng tại mỗi xã phường nhà cai nghiện ma tuý đáp ứng được các yêu cầu để nâng cao hiệu quả hoạt động.

5. KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

5.1. Khoa học - Công nghệ

5.1.1. Mục tiêu phát triển

- Phấn đấu đến 2020, thành phố có đội ngũ cán bộ KHCN có trình độ cao, đủ năng lực sáng tạo, nắm bắt được các xu hướng phát triển trong nước và thế giới vận dụng vào tổ chức, triển khai nghiên cứu và ứng dụng đạt kết quả cao.

- Xây dựng được một số trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất các giống cây, con chất lượng cao phục vụ nền nông nghiệp hiện đại, lĩnh vực xử lý môi trường, lĩnh vực sản xuất CN-TTCN, lĩnh vực quản lý cửa khẩu, dịch vụ du lịch....

5.1.2. Giải pháp thực hiện

- Khuyến khích áp dụng công nghệ hiện đại phát triển một số ngành sản xuất kinh doanh dịch vụ những sản phẩm truyền thống có lợi thế so sánh, có thị trường trong nước và khả năng xuất khẩu ổn định. Phát triển các dịch vụ kỹ thuật như đo lường, thẩm định công nghệ, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đăng ký sản phẩm, chống làm hàng giả.

- Sử dụng phổ biến các công nghệ, thiết bị, hệ thống điện tử, tin học mới, qui mô thương mại hoá toàn cầu trong lãnh đạo, quản lí, đào tạo chuyên gia, công nhân lành nghề, giáo dục phổ thông, nâng cao dân trí và giao lưu văn hoá.

- Ứng dụng khoa học kỹ thuật chuyên sâu vào cải cách hành chính và quản lý nhà nước, trọng tâm là các thủ tục liên quan đến người dân và doanh nghiệp.

- Từng bước hiện đại hoá các ứng dụng khoa học tiên tiến tại cửa khẩu quốc tế. Phấn đấu đến năm 2020, tự động hoá hệ thống kiểm soát, giám sát xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, kiểm đếm hàng hoá theo cơ chế kiểm tra hải quan một lần.

- Nghiên cứu lập bản đồ số hệ thống quản lý tài nguyên, đất đai, đô thị, dân cư; các hệ thống cảnh báo thiên tai, lũ lụt, an toàn giao thông...

- Đầu tư chiều sâu, thay dần công nghệ cũ bằng công nghệ mới tiên tiến hiện đại vào các ngành, các cơ sở sản xuất quan trọng, trong đó chú trọng tới công nghệ phục vụ khai thác, chế biến quặng Apatite, quặng đồng; sản xuất vật liệu xây dựng...

5.2. Bảo vệ môi trường

5.2.1. Mục tiêu nhiệm vụ

- Đến năm 2010, 75% rác thải ở khu vực đô thị được thu gom và xử lý đúng quy cách; trên 70% hộ gia đình ở nông thôn có nhà xí hợp vệ sinh và trên 65% số chuồng trại hợp vệ sinh.

- Đến năm 2015, 80% rác thải ở khu vực đô thị được thu gom và xử lý đúng quy cách; trên 75-80% hộ gia đình ở nông thôn có nhà xí hợp vệ sinh và trên 70% số chuồng trại hợp vệ sinh.

- Đến năm 2020, 85-90% rác thải rắn ở khu vực đô thị và 65-70% chất thải rắn ở khu vực nông thôn được thu gom, xử lý; 100% chất thải công nghiệp độc hại và chất thải y tế được xử lý. Ở nông thôn 90-95% số hộ gia đình có nhà xí hợp vệ sinh và 85% số chuồng trại hợp vệ sinh.

5.2.2. Giải pháp thực hiện

- Rà soát thực hiện quy hoạch xây dựng đồng bộ các công trình ngầm như hệ thống thoát nước thải đô thị, phát triển mạng lưới điện, nước, viễn thông các đô thị mới và các khu công nghiệp đáp ứng những nhu cầu phát triển của đô thị hiện đại.

- Nhanh chóng triển khai xây dựng các điểm thu gom chất thải, rác thải và khu xử lý rác tập trung với công suất trên 200 tấn/ngày đêm, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý rác kết hợp xây dựng nhà máy sản xuất phân vi sinh từ rác, phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp. Đồng thời nghiên cứu thiết kế và xây dựng các nhà máy xử lý nước thải chung của thành phố ngay trong giai đoạn 2010-2015 tại khu vực Kim Tân, Bình Minh, Bắc Lệnh...

- Thực hiện quá trình "công nghiệp hóa sạch". Thể chế hóa việc đưa yếu tố môi trường vào quy trình quy hoạch, kế hoạch hóa sự phát triển ở mọi cấp; lồng ghép quy hoạch môi trường vào quy hoạch phát triển các ngành kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh và thành phố. Đồng thời thiết lập các hệ thống tự giám sát về môi trường và báo cáo về tải trọng ô nhiễm của các doanh nghiệp.

- Hợp tác với Trung Quốc để cùng trong quản lý sử dụng nguồn nước sông Hồng, sông Nậm Thi, xử lý nước thải trước khi xả ra sông suối.

- Thực hiện tốt quy chế quản lý xây dựng trong thành phố, sắp xếp các chợ, các lò giết mổ gia súc, đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đầu tư thành lập Trung tâm nghiên cứu kiểm định và đánh giá tác động môi trường phục vụ nhu cầu kiểm định thực phẩm, dược phẩm, hàng tươi sống, nguồn nước, dịch bệnh...

- Ứng dụng công nghệ sinh học trong phát triển giống cây trồng vật nuôi có năng suất chất lượng cao, bảo tồn nguồn gen. Phát triển sản xuất và sử dụng phân hữu cơ phục vụ phát triển nền nông nghiệp sinh thái. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo quản, chế biến nông, lâm sản.

7. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG

- Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật cơ bản đảm bảo sự liên thông và đồng bộ phát huy tốt kết cấu hạ tầng kỹ thuật quy mô lớn của tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

7.1. Hệ thống giao thông

7.1.1. Định hướng phát triển

- Hệ thống giao thông thành phố Lào Cai phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của vùng Trung du miền núi phía Bắc, hành lang kinh tế dọc tuyến trục sông Hồng, các quy hoạch cấp tỉnh trong từng giai đoạn. Trong đó đặc biệt chú trọng phát triển các hệ thống giao thông huyết mạch với giao thông liên kết khu vực, các khu đô thị mới, các cụm - khu công nghiệp, các trung tâm văn hoá, thể thao, du lịch...

- Phát triển giao thông nông thôn gắn với quy hoạch xây dựng các điểm dân cư, các điểm dịch vụ, công nghiệp làm cho bộ mặt nông thôn đổi mới, phục vụ sự phát triển kinh tế, văn hoá, y tế, an ninh, quốc phòng... Quan tâm ưu tiên phát triển giao thông vùng cao, vùng sâu, một số xã giao thông còn khó khăn.

- Với hình thái đô thị kéo dài, giao thông đô thị theo chiều dọc giữ vai trò chủ đạo, cần tổ chức một số trục dọc đô thị với quy mô mặt cắt ngang lớn.

- Với đặc thù của đô thị vùng cao do vậy cần tận dụng tối đa, sử dụng triệt để các cao độ khác nhau trong xây dựng hệ thống giao thông để vừa đảm bảo kỹ thuật, an toàn, vừa tránh san tạo nhiều, lại có được cảnh quan đa dạng, phong phú. Mặt khác thành phố Lào Cai là đô thị có đường sắt xuyên thông, các nút giao cắt chính giữa đường sắt với đường đô thị cần phải tổ chức phù hợp, hết sức hạn chế số nút giao thông cùng cao độ.

7.1.2. Định hướng tổ chức không gian

- Đường sắt

+ Cải tạo, nâng cấp, mở rộng bán kính cong và nâng cao tải trọng cầu đường sắt, nâng cao năng lực vận tải, hiệu quả khai thác và tốc độ chạy tàu tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai. Nâng cấp, mở rộng ga Lào Cai thành ga đường sắt đầu mối mang tính chức năng vùng. Giai đoạn 2016 – 2020 nghiên cứu xây dựng mới đường sắt cao tốc (đoạn thành phố Lào Cai) thuộc hai hành lang một vành đai kinh tế Việt – Trung.

+ Cải tạo tuyến đường sắt Phố Lu - Cam Đường phục vụ công nghiệp khai thác, chế biến Apatite và tuyến từ Cam Đường - Xuân Giao - Tằng Loáng đảm đương tốt hơn việc chuyên chở quặng, hàng hoá và hành khách khi có nhu cầu.

+ Cải tạo chuyển tuyến đường sắt vận tải quặng Cam Đường - Đồng Hồ ra ngoài khu trung tâm đô thị.

- Đường bộ

Quốc lộ, tỉnh lộ

+ Trước 2015, xây mới xong Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai phía hữu ngạn sông Hồng ( bao gồm 19 km đoạn cuối từ Bình Minh đến cầu đường bộ biên giới Kim Thành), đáp ứng yêu cầu vận tải chủ lực cho tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

+ Trước 2015, xây mới Đường Trần Hưng Đạo kéo dài đi sân bay Lào Cai khoảng 5,6km (đoạn thành phố Lào Cai). Cơ bản hoàn thiện cải tạo Đường D2 từ Kim Tân đến Cầu Bến Đền 22km, Đường D1 từ Kim Tân đến Bình Minh 11km, Quốc lộ 4D đoạn từ Cốc San đến Ngã ba Công ty vận tải 10km.

+ Đến 2015, đầu tư nâng cấp tỉnh lộ Phố Mới - Phong Hải nối ga Lào Cai, khu công nghiệp Đông Phố Mới với quốc lộ 70; Cải tạo nắn tuyến đường bộ chuyên dụng vận tải quặng từ Bát Xát đi vòng qua phía Tây, qua Tả Phời - Hợp Thành về Tằng Loáng không qua đô thị; Xây mới cầu Giang Đông, cầu nối đường D1 với đường Ngô Quyền kéo dài qua ngòi Đum.

Đường nội thị

+ Đến 2020, cơ bản hoàn thiện nâng cấp các tuyến đường Khu đô thị mới (B1 ... B9) - 16km, đường B10 - 3km, đường M9 - 0,5km, đường vào khu văn hoá thể thao - 1,2km; các tuyến đường khu vực Phường Bình Minh (BM1 ... BM26) - 23km; các tuyến đường khu vực Phường Xuân Tăng (XT1 ... XT28) - 17km, Pom Hán, Bắc Lệnh.

+ Trước 2015, xây mới đường nội bộ các tiểu khu đô thị mới: Tiểu khu 6 - 5km; Tiểu khu 7 - 3,4km; Tiểu khu 8 - 4km; Tiểu khu 9 - 7km; Tiểu khu 13 - 5km.

+ Từ 2010, tiến hành sửa chữa, nâng cấp các đường nội thị khu vực phía Bắc (khu KTCK Lào Cai) khoảng 100 tuyến đường, trong đó tập trung vào chỉnh trang hạ tầng chiếu sáng, thoát nước, mặt đường, cây xanh, vỉa hè, lối lên xuống.

Đường nông thôn, vùng cao

+ Trước 2015 hoàn thiện việc nâng cấp đường: Đồng Hồ - Phân Lân 10km; Cửa Cải - Chính Cường 8km; Cuống - Phìn Hồ - Phìn Hồ Thầu 12km; Pèng - Xéo Tả - Làng Mới - Đá Đinh 17km, Phìn Hồ - Ú Sì Sung 4km...

+ Từng bước kiên cố hoá khoảng 100 tuyến đường liên thôn, nội thôn và xây mới khoảng 100 ngầm, cầu nhỏ vượt suối, ngòi tại các xã Tả Phời, Hợp Thành, Cam Đường, Đồng Tuyển, Vạn Hoà.

Nhà ga - Bến xe, điểm đỗ xe

+ Khu vực phía Bắc thành phố: Củng cố, nâng cấp bến xe Phố Mới, quy hoạch thêm bến xe khu vực Duyên Hải giáp với khu Kim Thành và Bắc Duyên Hải.

+ Khu vực phía Nam: Đầu tư xây dựng bến xe phía Nam vị trí ở khu vực phường Bình Minh, Xuân Tăng.

+ Đến 2015, các khu vực các trung tâm kinh tế, thương mại, du lịch, văn hoá như Lào Cai, Cốc Lếu, Kim Tân, Bắc Cường, Nam Cường, Bình Minh, Pom Hán, Bắc Lệnh tổ chức hệ thống điểm đỗ xe, qui hoạch trên 10 điểm đỗ xe, tổng diện tích trên 5-10 ha.

+ Xây dựng các tuyến xe bus, xe điện nội thành phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, công nhân, công chức dọc theo đường Nguyễn Huệ, Hoàng Liên, Trần Hưng Đạo, Hoàng Quốc Việt...

- Đường thuỷ

+ Chỉnh trị tuyến sông Hồng để khai thác vận tải thuỷ cho tàu thuyền trọng tải trên 100 tấn vận chuyển apatit và các loại hàng hoá khác.

+ Xây dựng các bến cảng sông ở Kim Tân, Giang Đông, Làng Giàng, quy mô 4 bậc âu thuyền, dài 300-500 m, diện tích khoảng 2-5 ha/bến, đảm bảo vận hành khai thác xà lan trên 150 tấn.

7.1.3. Giải pháp thực hiện

- Đa dạng hoá các nguồn vốn, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển giao thông thành phố. Tranh thủ tối đa nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương và của tỉnh, tích cực vận động vốn ODA, chủ động khai thác tiềm năng đóng góp của nhân dân. Thực hiện giải pháp đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng (BOT, BT...).

- Hàng năm căn cứ thực tế tăng thêm kinh phí từ ngân sách để xây dựng, duy tu, bảo dưỡng đường giao thông nông thôn, liên thôn. Tiếp tục nghiên cứu cho phép thành phố và cấp xã, phường lập quỹ giao thông từ các nguồn thu qua ngân sách, lệ phí đất đai, thu đóng góp từ các chủ phương tiện, doanh nghiệp, nhân dân...

- Rà soát và lập quy hoạch chung xây dựng đô thị thành phố Lào Cai trên cơ sở quy hoạch cụm đô thị Lào Cai – Cam Đường và nhu cầu phát triển đạt được mục tiêu trở thành đô thị loại II trước năm 2015; Hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý về quản lý đô thị, hạ tầng đô thị và hạ tầng nông thôn.

7.2. Cấp điện

- Phát triển mạng lưới cấp điện được đấu nối với lưới điện Quốc gia với nguồn điện ổn định, kết hợp nâng cấp cải tạo các trạm biến áp, tiến hành xây dựng hệ thống điện mới tại các cụm, điểm công nghiệp, khu đô thị mới, các làng nghề, khu kinh tế cửa khẩu. Đảm bảo tiêu chuẩn cấp điện tính đến năm 2010 cho dân cư nội thành là 350 KWh/người/năm và dân cư ngoại thành là 200 KWh/người/năm. Điện năng phục vụ công cộng chiếm 20-40% tổng điện năng sinh hoạt.

- Hoàn thiện và từng bước tiêu chuẩn hoá lưới điện theo các tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của thành phố. Phát triển hệ thống chiếu sáng đô thị (gồm cả chiếu sáng đường phố và trang trí đô thị), khu du lịch, khu công nghiệp, thương mại...; Cải tạo, nâng cấp để toàn đô thị dùng 1 cấp điện áp trung áp là 22 KV thay cho các điện áp 6 KV và 10 KV hiện có.

- Từng bước ngầm hoá hệ thống trục chính cấp điện đô thị.

- Mạng lưới cấp điện

+ Lưới 35 KV: Củng cố các tuyến 35 KV hiện có và cải tạo tuyến 35 KV mạch kép hiện nối giữa Lào Cai và Cam Đường cũ cho hợp lý.

+ Lưới điện 22 KV: Tuyến 1 và 2 tạo thành mạch vòng cấp điện cho khu vực phía bờ tả sông Hồng, tuyến 1 cấp cho các phụ tải công nghiệp, tuyến 2 cấp điện cho dân dụng của phường Lào Cai, Phố Mới và xã Vạn Hoà; Tuyến 3 và 4 lên phía Bắc, tạo thành mạch vòng cấp điện cho các phường Kim Tân, Cốc Lếu, và Duyên Hải; Tuyến 5 và 6 cấp điện cho cụm TTCN Đồng Tuyển và xã Đồng Tuyển; Ba tuyến 7, 8 và 9 cấp điện khu trung tâm đô thị mới; Tuyến 10 cấp điện cho các xã Hợp Thành và Tả Phời; Tuyến 11 và 12 cấp điện cho khu vực Cam Đường, Pom Hán, Bắc Lệnh.

7.3. Cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải

7.3.1. Cấp nước

- Phát triển mô hình cấp nước tập trung, trước hết là cấp nước cho các đô thị, khu đô thị mới, khu dân cư tập trung, các cụm công nghiệp, làng nghề. Xây dựng các khu vực cấp nước tập trung theo địa bàn xã và cụm dân cư.

- Phấn đấu đến năm 2010 có 70% dân số của thành phố được sử dụng nước máy, trên 80% dân số nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh, đến năm 2020 tỷ lệ này đạt trên 85%. Tiêu chuẩn nước công nghiệp năm 2010 đạt 25 m3/ha, năm 2020 là 30 m3/ha.

- Các dự án trọng điểm về cấp nước

+ Sau 2010, xây dựng nhà máy nước Ná Méo - Bình Minh công suất 12.000m3/ ngày đêm; Nâng công suất nhà máy nước Lào Cai lên trên 15.000m3/ ngày đêm, nhà máy nước Cốc San lên 12.000m3/ ngày đêm; Hoàn chỉnh mạng lưới cấp nước cho các khu hành chính và dân cư đô thị mới Lào Cai - Cam Đường gồm trên 30 vòng khép kín, 50 nút mạng, trên 100.000m ống D100-D400.

+ Sau 2015 đầu tư nhà máy nước Cam Đường công suất 10.000 đến 20.000 m3/ngày đêm, lấy từ nguồn nước suối làng Vạch.

+ Xây dựng 1 đài xử lý nước có dung tích W=300m3, đặt tại đồi Apatite. Mạng lưới thiết kế đảm bảo cấp nước nhanh và tiện lợi, đường ống Æ100mm - Æ250mm tạo thành các vòng khép kín bao trùm hết các điểm dùng nước. Tổng chiều dài mạng lưới trên 65.000m, áp lực tại điểm xa nhất đủ cấp cho nhà 3 tầng.

7.3.2. Thoát nước, xử lý nước thải

- Giai đoạn đến 2015 thu gom xử lý 70% lượng nước thải trong khu vực, đến 2020 thu gom xử lý tương ứng khoảng 80% nước thải thành phố.

- Khu vực phía Bắc thành phố gồm 2 bộ phận

+ Địa bàn các phường Duyên Hải, Cốc Lếu, Kim Tân, Bắc Cường: xây dựng trạm xử lý nước thải tại Kim Tân có công suất đến 2020 trên 8.000 m3/ ngày đêm.

+ Địa bàn các phường Lào Cai và Phố Mới: xây dựng trạm xử lý nước thải có công suất đến 2020 là 3.000 m3/ ngày đêm.

- Khu vực phía Nam thành phố gồm 2 bộ phận

+ Địa bàn các phường Nam Cường, Pom Hán, Bắc Lệnh và Bình Minh: xây dựng trạm xử lý nước thải công suất đến 2010 là 2.000 m3/ ngày đêm, công suất đến 2020 là 4.500 m3/ ngày đêm.

+ Địa bàn thuộc hai phường Xuân Tăng và Thống Nhất nằm xa khu trung tâm và ngăn cách bởi các đồi và suối, việc thu gom nước thải xử lý bằng hệ thống bể tự hoại và xả ra cống chung với nước mưa.

- Xử lý nước thải công nghiệp, bệnh viện

+ Quy định cụ thể và kiểm soát chặt chẽ để các nhà máy, xí nghiệp có nhiệm vụ xử lý cục bộ nước thải công nghiệp đạt tiêu chuẩn vệ sinh (TCVN 1945-1995).

+ Yêu cầu xử lý cục bộ và khử trùng đạt tiêu chuẩn vệ sinh theo giới hạn A theo quy định hiện hành trước khi xả ra môi trường ngay trong các bệnh viện 500 giường, các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, phòng khám

7.3.3. Xử lý rác thải

- Trước năm 2010, ban hành quy hoạch chung và nghiên cứu bố trí vốn từ ngân sách đảm bảo tới năm 2015 đầu tư đồng bộ các điểm tập kết rác thải, chất thải rắn và các điểm vệ sinh công cộng trên toàn địa bàn thành phố.

- Đẩy nhanh tiến độ xã hội hoá xử lý rác thải để tăng tính cạnh tranh và chất lượng dịch vụ. Tổ chức phân loại rác thải đã thu gom nhằm xác định loại rác tái chế, xử lý chôn lấp hoặc xử lý tập trung công nghệ cao:

+ Khu vực phía Bắc thành phố: Đến 2010, khởi công xây dựng khu xử lý rác tại thôn Tòng Mòn (xã Đồng Tuyển) bằng nguồn vốn ODA. Giai đoạn đến 2012, xử lý bằng cách chôn lấp hợp vệ sinh; giai đoạn sau 2012, vận hành nhà máy chế biến rác công nghệ cao Tòng Mòn công suất 100 tấn/ngày đêm, sản phẩm tạo ra mùn hữu cơ và được chế biến thành phân bón vi sinh hữu cơ tổng hợp.

+ Khu vực phía Nam thành phố: Giai đoạn đến 2012, xây dựng khu xử lý rác tập trung bằng phương pháp chôn lấp vệ sinh tại khe núi thuộc xã Hợp Thành. Giai đoạn sau 2012 đưa về xử lý tại nhà máy chế biến rác Tòng Mòn.

8. PHƯƠNG HƯỚNG TỔ CHỨC KHÔNG GIAN KINH TẾ- XÃ HỘI

8.1. Quan điểm phát triển không gian của thành phố

- Khai thác triệt để nguồn tài nguyên đất đai, đặc biệt là đất đai có khả năng xây dựng, tạo lập đô thị theo hướng văn minh, hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc.

- Phát triển không gian đô thị trên cơ sở tận dụng cơ sở vật chất hiện có gắn với việc hình thành và bố trí các khu dân cư văn minh đảm bảo các dịch vụ xã hội công cộng đủ chất lượng.

- Từng bước mở rộng không gian thành phố phù hợp với tiến độ thực hiện các quy hoạch phát triển không gian đô thị và các công trình hạ tầng lớn tạo điều kiện thuận lợi cho quản lý kinh tế và quản lý nhà nước theo lãnh thổ.

8.2. Định hướng phát triển các khu vực chức năng

- Khu vực trung tâm hành chính của tỉnh Lào Cai: Bao gồm các phường Bắc Cường, Nam Cường, Bắc Lệnh, Bình Minh; và quy hoạch mở rộng đến một phần Xuân Tăng, Thống Nhất.

- Khu vực trung tâm hành chính của thành phố Lào Cai: Bao gồm các phường Kim Tân, Cốc Lếu, Duyên Hải.

- Khu kinh tế thương mại cửa khẩu: Đồng Tuyển (trọng điểm là Khu thương mại - công nghiệp Kim Thành); Lào Cai (trọng điểm là là Khu cửa khẩu quốc tế Lào Cai); Duyên Hải, Cốc Lếu, Kim Tân (trọng điểm là khu hành chính cũ, chợ Cốc Lếu, Gốc Mít); Phố Mới (trọng điểm là khu Ga quốc tế Lào Cai).

- Khu công nghiệp bổ trợ: Duyên Hải (Cụm Công nghiệp, cụm TTCN Bắc Duyên Hải); Kim Tân (Cụm Công nghiệp, cụm TTCN Đông Phố Mới); các cụm TTCN khác (Sơn Mãn – Vạn Hoà, Làng Đen - Đồng Tuyển...).

- Khu vực công nghiệp mỏ: Bao gồm phường Pom Hán, các xã Tả Phời, Hợp Thành, Vạn Hoà, Đồng Tuyển với chức năng khai thác, chế biến khoáng sản Apatite, cao lanh, sản xuất vật liệu xây dựng và khai thác, chế biến đồng.

- Khu văn hoá, thể thao, vui chơi giải trí: Tập trung trọng điểm ở Bình Minh, Bắc Cường, Kim Tân, Duyên Hải, Đồng Tuyển.

- Khu vực nông thôn: Khu vực nông thôn của thành phố bao gồm các xã Hợp Thành, Tả Phời, Đồng Tuyển, Cam Đường và Đông Nam xã Vạn Hoà. Hướng bố trí cơ cấu kinh tế của khu vực này là kinh tế nông lâm nghiệp kết hợp với kinh tế du lịch và phát triển tiểu thủ công nghiệp.

8.3. Bố cục kiến trúc đô thị

- Khu dân cư: Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan đặc biệt lưu ý đến việc tạo bộ mặt kiến trúc dọc 2 bên bờ sông Hồng và kiến trúc dọc các trục đường đô thị, kết hợp tổ chức các không gian xanh, không gian mở hướng vào trung tâm đô thị và các khu vực xây dựng khác, đảm bảo chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng và mỹ quan chung đô thị, đảm bảo yêu cầu về tầng cao, mật độ xây dựng. Hạn chế tối đa việc san lấp đồi, hồ, ao, để xây dựng nhà ở, khai thác tối đa diện tích ao, hồ tạo cảnh quan, kết hợp tiêu thoát nước đô thị.

- Khu trung tâm

+ Khu trung tâm có các công trình xây dựng với quy mô lớn như: cơ quan hành chính, bảo tàng, khách sạn, siêu thị..., có quảng trường trung tâm, quảng trường đa chức năng, vừa là nơi sinh hoạt lớn về chính trị, văn hoá, xã hội, vừa tạo không gian kiến trúc tiêu biểu cho đô thị. Khi thiết kế và xây dựng công trình phải đảm bảo khoảng lùi và tầng cao, mật độ xây dựng và các quy định chung.

+ Các công trình văn hoá, các trường chuyên nghiệp, cơ sở giáo dục, thể dục thể thao bố trí kết hợp và gắn với hệ thống các trung tâm dịch vụ công cộng.

+ Các khu trung tâm tập trung đông người như trung tâm thể dục thể thao, thương mại, dịch vụ, văn hoá phải tổ chức các bãi đỗ xe tập trung và có quy mô phù hợp với chức năng của các trung tâm đó.

- Khu công viên, cây xanh, thể dục, thể thao.

+ Các công trình trong công viên chủ yếu là dịch vụ, vui chơi, giải trí, quy mô công trình nhỏ, thấp tầng và có hình thức kiến trúc dân gian truyền thống.

+ Mạng lưới cây xanh được gắn kết thành một hệ thống liên tục. Tận dụng đất ven hồ, ao, sông, suối để tăng cường cây xanh.

+ Chọn loại cây để tạo tính riêng biệt và phù hợp với thổ nhưỡng cho từng khu vực đô thị.

8.4. Dự kiến mở rộng không gian thành phố

- Về phía Đông Bắc đến thôn NaMo, xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng.

- Về phía Tây Nam đến hết địa phận xã Cốc San, huyện Bát Xát.

- Về phía Bắc đến khu vực thị trấn Bát Xát nối liền vào khu vực khu kinh tế cửa khẩu liên hoàn với khu thương mại – công nghiệp Kim Thành.

- Về phía Nam đến cầu Bến Đền, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng.

9 . CÁC CHƯƠNG TR Ì NH PHÁT TRIỂN

9.1. Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng và chỉnh trang đô thị

9.1.1. Mục tiêu

Tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư. Tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho nhân dân và giao lưu hàng hoá trên địa bàn thành phố và với bên ngoài. Nâng cao đời sống nhân dân về nhà ở, cung cấp điện, nước sạch, vệ sinh môi trường và các dịch vụ khác.

9.1.2. Các dự án ưu tiên đầu tư

- Các dự án xây dựng đô thị khu đô thị mới Lào Cai - Cam Đường, đặc biệt là tại các phường Bình Minh, Thống Nhất, Xuân Tăng.

- Dự án kè, hạ tầng 2 bên bờ sông Hồng và tả ngạn sông Nậm Thi; Xây dựng cầu Giang Đông qua sông Hồng.

- Dự án xây dựng, nâng cấp các nhà máy nước Cốc San, Kim Tân, Cam Đường.

- Dự án xử lý rác thải, nước thải trên địa bàn.

- Dự án cải tạo, nâng cấp và kiên cố hoá các cầu, cống thoát nước, đường khu dân cư; hệ thống đèn chiếu sáng đường phố và chiếu sáng đô thị tại các khu đô thị.

- Xây dựng hệ thống cầu cảng trên sông Hồng: cảng Kim Tân, cảng Giang Đông, cảng Làng Giàng.

9.2. Chương trình phát triển dịch vụ

9.2.1. Mục tiêu

Đẩy mạnh trao đổi hàng hoá, xuất nhập khẩu tại khu vực kinh tế cửa khẩu, trên toàn địa bàn thành phố và vùng lân cận, đa dạng hoá các loại hình dịch vụ, phục vụ tốt các ngành sản xuất và đời sống nhân dân, thu hút nhiều khách du lịch.

9.2.2. Các dự án ưu tiên đầu tư

- Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai.

- Khu thương mại - công nghiệp Kim Thành.

- Chương trình phát triển các trung tâm thương mại, các chợ trên địa bàn.

9.3. Chương trình phát triển công nghiệp - TTCN

9.3.1.Mục tiêu

Thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố. Phát triển các ngành công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp tận dụng được nguồn nguyên liệu và lao động địa phương.

9.3.2. Các dự án ưu tiên đầu tư:

- Dự án mở rộng mỏ Apatite: Xây dựng 2 nhà máy tuyển quặng tại Làng Hẻo (Tả Phời) 120 ngàn tấn/năm và Bắc Nhạc Sơn (Đồng Tuyển) 350 ngàn tấn/năm.

- Dự án xây dựng hoàn chỉnh, nâng cấp kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp Bắc Duyên Hải và Đông Phố Mới.

- Dự án xây dựng các cụm TTCN tập trung.

9.4. Chương trình phát triển nguồn nhân lực và các lĩnh vực văn hoá - xã hội

9.4.1. Mục tiêu

Nâng cao trình độ dân trí và sức khoẻ cho nhân dân. Nâng cao đời sống văn hoá, xây dựng nếp sống văn minh. Xây dựng lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu phát triển mới của thành phố.

9.4.2. Các dự án ưu tiên đầu tư

- Chương trình cải tạo, nâng cấp trường học, xây dựng Đại học Cộng Đồng, Đại học Sư phạm, Cao đẳng nghề, Cao đẳng công nghiệp.

- Dự án nâng cấp các trạm y tế xã, phường, hoàn chỉnh xây dựng bệnh viện 500 giường, bệnh viện liên doanh hữu nghị Hồng Hà; Xây dựng bệnh viện điều dưỡng, bệnh viện y học cổ truyền, viện dưỡng lão.

- Dự án đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho lao động đô thị, nông thôn.

- Dự án xây dựng mở rộng Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội thành phố.

- Dự án xây dựng các khu liên hợp thể thao, khu công viên trung tâm, khu nhà thi đấu đa năng, sân vận động.

9.5. Chương trình phát triển nông, lâm nghiệp

9.5.1.Mục tiêu

Chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân và các ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu.

9.5.2. Các dự án ưu tiên đầu tư

- Dự án phát triển các vùng trồng rau an toàn, hoa hàng hoá tập trung.

- Dự án các vùng cây ăn quả tại các xã Đồng Tuyển, Vạn Hòa, Tả Phời, Hợp Thành.

- Dự án chế biến chè chất lượng cao.

- Dự án chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung.

9.6. Chương trình rà soát bổ sung quy hoạch các khu hành chính

Rà soát quy hoạch lại và lập dự án đầu tư nâng cấp, xây dựng bổ sung các cơ sở thuộc UBND các phường, trạm y tế, phòng khám đa khoa, nhà cai nghiện, nhà văn hoá và các cụm văn hoá tại các phường đảm bảo đạt chuẩn quốc gia vào năm 2015.

9.7. Chương trình quy hoạch sắp xếp dân cư.

- Sắp xếp dân cư để mở rộng quy hoạch và phát triển đô thị.

- Sắp xếp dân cư từ các phường phía Bắc về khu đô thị mới Lào Cai – Cam Đường.

- Sắp xếp dân cư ra khỏi các khu vực sạt lở, nguy hiểm.

(Chi tiết có Danh mục các chương trình, dự án ưu tiên nghiên cứu đầu tư trên địa bàn thành phố Lào Cai đến năm 2020 kèm theo)

10. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH

10.1. Về vốn đầu tư

- Vốn ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương và tỉnh) dành chủ yếu cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Ngân sách thành phố ưu tiên cho đầu tư giải quyết các vấn đề cấp bách, chỉnh trang đô thị,…

Giải pháp: Tiếp tục tạo thêm nguồn vốn từ quỹ đất, thực hiện cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất để thu hút các nguồn vốn vào xây dựng kết cấu hạ tầng, các khu đô thị mới, khu công nghiệp...; Sử dụng quỹ đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết cho phát triển công nghiệp. Rà soát, thu hồi các khu đất không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích.

- Vốn ngoài nhà nước: Tăng cường thu hút, vận động các nguồn vốn từ nhân dân, các doanh nghiệp cho phát triển kinh doanh, dự án dân doanh nhỏ và vừa, xã hội hoá đầu tư phát triển các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa thể thao...; Huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước đầu tư trực tiếp vào các dự án lớn, các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao hoặc sử dụng nhiều lao động.

Giải pháp: Đa dạng hoá các hình thức công cụ huy động vốn như Huy động tiết kiệm, phát hành kỳ phiếu, trái phiếu... Có mức lãi suất thích hợp và bảo hiểm tiền gửi. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển trực tiếp.

- Vốn ưu đãi nước ngoài: Huy động ODA đầu tư cho các công trình hạ tầng đô thị lớn thuộc các lĩnh vực giao thông, môi trường, cấp, thoát, xử lý nước thải, rác thải… trong đú quan tâm đến các nhà tài trợ lớn cho Việt Nam như WB, ADB, JICA, AFD,….; tranh thủ các dự án NGO để đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân, người nghèo.

Giải pháp: Xây dựng danh mục các dự án và lộ trình vận động rừ ràng trờn cơ sở bám sát các chương trình, dự án của các tổ chức tài chính quốc tế, các nhà tài trợ.

10.2. Về phát triển nguồn nhân lực

Xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực của thành phố. Lập kế hoạch, hỗ trợ tích cực và mở rộng hơn nữa việc đào tạo mới và đào tạo lại đội ngũ doanh nhân, quản trị doanh nghiệp. Có chính sách thoả đáng nhằm thu hút cán bộ kinh tế, khoa học kỹ thuật, các chuyên gia giỏi, công nhân lành nghề, các nghệ nhân. Mở rộng hợp tác, liên kết với các cơ sở đào tạo có uy tín trong và ngoài tỉnh để đào tạo lao động kỹ thuật lành nghề. Khuyến khích các doanh nghiệp góp vốn và trang bị phương tiện để nâng cao chất lượng đào tạo hoặc liên kết đào tạo. Xây dựng các cơ sở đào tạo phù hợp với điều kiện và yêu cầu thực tế. Đẩy mạnh công tác xã hội hoá về giáo dục – đào tạo, huy động mọi nguồn lực trong xã hội để phát triển giáo dục – đào tạo.

10.3. Phát triển khoa học - công nghệ và bảo vệ môi trường

Khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn tập trung đầu tư cải tiến công nghệ sản xuất. Đầu tư phát triển khoa học và công nghệ, tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa. Đào tạo lại đội ngũ cán bộ khoa học trong các lĩnh vực công nghệ, quản trị, kinh doanh, bảo vệ môi trường. Liên kết với các viện nghiên cứu, các trường đại học, hỗ trợ kinh phí cho các công trình nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp.

10.4. Nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước

Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách; trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện và giỏm sát việc thực hiện bộ thủ tục hành chính áp dụng cấp thành phố, xã , phường; tăng cường chỉ đạo, điều hành thực hiện quy hoạch, kế hoạch.

10.5. Lao động, việc làm và các chính sách xã hội

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về đào tạo, lao động, việc làm, các chính sách, biện pháp trợ giúp phát triển kinh tế và tiếp cận các dịch vụ xã hội cho người nghèo. Nghiên cứu, xây dựng, ban hành các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển mạng lưới dạy nghề cho người lao động, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo và đào tạo nghề. Thực hiện tốt các chính sách xã hội như: chăm sóc người có công, bảo trợ xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội v.v... theo hướng xã hội hoá.

10.6. Phát triển kinh tế đối ngoại

Mở rộng hợp tác, liên kết kinh tế với các vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, các vùng kinh tế trọng điểm; mở rộng hợp tác với huyện Hà Khẩu, châu Hồng Hà (Trung Quốc). Xây dựng thành phố Lào Cai thành Trung tâm kinh tế quốc tế mở. Hợp tác trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; phối hợp trong quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, cung cấp dịch vụ, nguồn nguyên liệu và thị trường. Hợp tác về trao đổi thông tin và xúc tiến thương mại, tổ chức hội chợ và triển lãm. Khai thông thị trường, nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm, đảm bảo tính chủ động với tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế. Tạo môi trường thông thoáng để thu hút các nguồn đầu tư, viện trợ nước ngoài. Duy trì, mở rộng các thị trường xuất khẩu Trung Quốc, chủ động tìm kiếm thị trường quốc tế mới.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1