image banner
Quy hoạch chi tiết Khu dân cư tổ 40B phường Pom Hán, thành phố Lào Cai
Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu dân cư tổ 40B phường Pom Hán, thành phố Lào Cai.

 ỦY BAN NHÂN DÂN

TỈNH LÀO CAI

–––––––––––––––

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

––––––––––––––––––––––––

Số: 1081/QĐ-UBND

Lào Cai, ngày 29 tháng 04 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500

Khu dân cư tổ 40B phường Pom Hán, thành phố Lào Cai

–––––––––––––––

CHỦ TỊCH UBND TỈNH LÀO CAI

 

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ban hành ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Xây dựng ban hành ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ.CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;

Căn cứ Nghị định số 08/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ ban hành về quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Thông tư số 07/2008/TT-BXD ngày 7/4/2008 của Bộ xây dựng về việc hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Quyết định số 3927/QĐ-UBND ngày 29/12/2006 của UBND tỉnh Lào Cai về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng phường Pom Hán, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai;

Căn cứ Quyết định số 279/2003/QĐ-UB ngày 1/7/2003 của UBND tỉnh Lào Cai về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 Khu nhà dân cư tổ 40B, phường Pom Hán, thị xã Lào Cai;

Căn cứ Quyết định số 2014/QĐ-UBND ngày 23/7/2008 của UBND tỉnh Lào Cai về việc phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 tổ 40B, phường Om Hán, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai;

Xét Tờ trình số 91/TTr-SXD ngày 14/4/2009 của Giám đốc Sở Xây dựng Lào Cai về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu dân cư tổ 40B phường Pom Hán, thành phố Lào Cai

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu dân cư tổ 40B phường Pom Hán, bao gồm các nội dung sau:

1. Ranh giới và phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch:

- Phía Bắc giáp với phố Hoàng Sào dài 500m;

- Phía Tây giáp phố Hoàng Văn Thụ dài 185m;

- Phía Nam giáp QL 4E dài 400m;

- Phía Đông giáp tuyến đường sắt từ ga Cam Đường vào Bãi than và kho xăng của Công ty TNHH một thành viên Apatit Việt Nam.

2. Lý do và sự cần thiết lập quy hoạch.

Quy hoạch chi tiết Khu dân cư tổ 40B, phường Pom Hán, thành phố Lào Cai được UBND tỉnh phê duyệt năm 2003 (trước đây là phường Pom Hán thuộc thị xã Cam Đường, từ năm 2005 chuyển đổi phường Pom Hán thuộc thành phố Lào Cai). Do quy mô dân số trong khu vực tăng lên và diện tích khu vực cũng bị thay đổi cho nên cần phải điều chỉnh lại quy hoạch chi tiết cho phù hợp với quy hoạch chung của thành phố.

Khu vực tổ 40B, phường Pom Hán là khu vực trũng thấp nhất phường Pom Hán và các phường lân cận, nên toàn bộ lượng nước mặt thoát đổ về khu vực này gây ra úng ngập, mất vệ sinh. Vì vậy mục tiêu chính là giải quyết thoát nước cho cả khu vực bằng hồ điều tiết, thoát nước qua khu đường sắt ra sông Hồng, khắc phục tình trạng ô nhiễm hiện tại.

Điều chỉnh sắp xếp quỹ đất còn lại cho hợp lý để tăng cường công tác quản lý và sử dụng đất đai.

2. Mục tiêu và yêu cầu quy hoạch xây dựng.

- Quy hoạch xây dựng hồ điều hòa thuộc khu vực đất trũng thấp để điều tiết giải quyết thoát nước hợp lý từ các khu vực cao đổ về.

- Cải tạo khai thác vùng lõi đất trũng thấp, ô nhiễm hiện tại thành khu ở khang trang, sử dụng hợp lý quỹ đất tránh lãng phí, xóa bỏ hình ảnh mất vệ sinh phù hợp với quy hoạch mở rộng của thành phố.

- Tổ chức sắp xếp, bố trí tái định cư tại chỗ (trên cơ sở giữ những lô nhà ở hợp lý hiện có, hạn chế giải tỏa di chuyển), tái định cư cho cán bộ công nhân viên chức mỏ Apatít và xây dựng các công trình công cộng, dịch vụ…

- Xác định các chỉ tiêu kinh tế- kỹ thuật chủ yếu về sử dụng đất, hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, các yêu cầu về không gian, kiến trúc và những yêu cầu khác đối với khu vực thiết kế.

- Đề xuất các giải pháp quy hoạch sử dụng đất, không gian kiến trúc cảnh quan và các giải pháp quy hoạch mạng lưới hạ tầng kỹ thuật phù hợp cho quản lý, mang lại hiệu quả cao nhất về kinh tế- xã hội và môi trường.

- Phân đợt đầu tư xây dựng; xác định phân chia nguồn vốn đầu tư (vốn ngân sách Nhà nước, vốn nhân dân đóng góp) để xây dựng cơ sở hạ tầng.

- Tạo tiền đề thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hàng năm theo kế hoạch xây dựng cơ bản được thuận lợi.

4. Nội dung quy hoạch xây dựng.

4.1. Quy mô quy hoạch xây dựng.

a. Quy mô sử dụng đất: Tổng diện tích đất trong phạm vi lập quy hoạch 12ha.

b. Quy mô dân số quy hoạch: Dự kiến khoảng 2.500 người.

4.2. Quy hoạch sử dụng đất.

Dựa trên chỉ tiêu sử dụng đất của các đối tượng và giải pháp bố trí không gian kiến trúc cảnh quan, khai thác sử dụng hợp lý toàn bộ quỹ đất hiện có trong khu vực, không để lãng phí, bất hợp lý đất xây dựng đô thị. Giữ nguyên các vị trí lô ở đã ổn định công trình công cộng hiện có, quy hoạch mới trên cơ sở tận dụng các sở sở đã có, hạn chế đền bù giải phóng mặt bằng để phương án đề ra mang tính khả thi, dự kiến cơ cấu các loại đất được bố trí như sau:

- Đất ở hiện trạng (nhà chia lô): 32.211 m2.

- Đất ở hiện trạng (nhà vườn): 12.985 m2.

- Đất ở quy hoạch mới: 18.249 m2.

- Đất công trình thương mại, dịch vụ: 6.908 m2.

- Đất xây dựng công trình cơ quan: 2.647 m2.

- Đất công trình giáo dục: 2.100 m2.

- Đất công trình vườn hoa cây xanh, hạ tầng kỹ thuật: 1.872 m2.

- Đất xây dựng hồ điều tiết: 8.262 m2.

- Đất xây dựng công trình giao thông: 34.766 m2.

4.3. Tổ chức không gian kiến trúc và cảnh quan.

a. Cơ cấu tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan.

Ngoài chức năng là khu ở, khu dân cư tổ 40B còn có chức năng nữa là điều tiết thoát nước cuối nguồn cho cả khu vực bằng hồ điều tiết. Hồ điều tiết được quy hoạch ở khu vực thấp nhất trong khu ở nằm ở phía đông bắc khu ở nối liền với cống thoát nước qua đường sắt ra Sông Hồng.

Trong khu dân cư, đã có các công trình công cộng nằm ở các vị trí sau:

- Chợ trung tâm nằm ở phía nam giáp ngã ba đường Hoàng Văn Thụ với đường Giàn Than.

- Nhà tập luyện thi đấu thể thao mỏ Apatít ở phía Tây giáp đường Hoàng Sào và Sân Vận động.

- Nhà trẻ Hoa Lan II nằm ở vị trí Tây Bắc giáp ngã ba đường Hoàng Sào.

- Câu lạc bộ người cao tuổi nằm giữa nhà thi đấu và nhà trẻ Hoa Lan II.

- Bãi than khu Đầu máy và Trạm xăng dầu khu mỏ nằm dọc đường Giàn Than ở phía Đông.

Các khu dân cư ổn định phía Nam giáp đường Hoàng Văn Thụ, phía Bắc giáp đường Hoàng Sào dạng nhà ở chia lô giữ nguyên để không gây xáo trộn, không phải đền bù giải phóng mặt bằng.

Khu nhà ở phía Đông là dân cư tập trung dạng nhà vườn cũng được giữ nguyên. Mặt bằng bố cục tự do, đi lại không thuận tiện, thoát nước khó nên quy hoạch lại mạng đường ngõ nội bộ để đi lại và giải quyết thoát nước hợp lý theo các tuyến ngõ quy hoạch mới, nhưng không ảnh hưởng tới vị trí nhà dân hiện có, không phải đề bù giải phóng mặt bằng.

Trong cơ cấu điều chỉnh quy hoạch chi tiết bố trí mới Nhà sinh hoạt văn hóa là công trình cần thiết trong khu vực, vị trí nhà văn hóa nằm giữa trung tâm khu ở.

Quy hoạch các lô nhà ở tái định cư 100 m2/hộ, có một mặt chính nhìn ra các trục đường quy hoạch mới, đi lại thuận tiện. Số hộ hiện có nhà ở xây dựng tủy tiện được bố trí tái định cư tại chỗ ngăn nắp theo quy hoạch mới, tiết kiệm đất đai xây dựng, giúp cho quy hoạch mạng lưới thoát nước thuận tiện hợp lý, và làm tăng giá trị đất đai xây dựng.

Quỹ đất phía sau dãy ở đã có đường Hoàng Sào ở phía Tây hồ điều tiết hạn hẹp chiều sâu (10m ÷ 15m), nên bố trí lô nhà ở dạng liền kề với chiều sâu: 10 ÷ 15m, chiều rộng: 7 ÷ 10m, làm phong phú thêm kiểu nhà ở trong khu vự.

Trong khu cũng bố trí vườn hoa nhỏ, bãi đỗ xe công cộng, điểm thu gom rác ở các vị trí thích hợp là các hạng mục cần thiết trong khu ở tập trung.

Phía Tây hồ điều tiết giành lại quỹ đất rộng 1282 m2 làm khu cây xanh có đường dạo bao quanh xung quanh hồ tạo cảnh quan đẹp trong khu ở. Phía Bắc hồ làm hàng rào xác định gianh giới chống lấn chiếm, che đi phần đuôi dãy nhà ở hiện có giáp đường Hoàng Sào.

Tổ chức mạng lưới giao thông mới gắn kết phù hợp với các tuyến đường nội bộ đã có làm xương sống phát triển không gian vùng lõi khu ở lên phía Bắc là vị trí hồ điều tiết.

b. Định hướng không gian kiến trúc cảnh quan.

Để có một đô thị đẹp, ngoài việc tổ chức định hướng không gian hợp lý, khai thác địa hình phong cảnh thiên nhiên miền núi sinh động, cần định hướng về kiến trúc phù hợp với không gian đã định hướng.

- Về chỉ giới đường đỏ:

+ Công trình công cộng có khoảng lùi 5m.

+ Công trình nhà chia lô có khoảng lùi 0,9m.

+ Công trình nhà vườn có khoảng lùi 3m.

+ Trong một dãy phố các công trình có cùng một khoảng lùi như nhau đối với dãy nhà dân.

- Về quy mô tầng cao, chiều cao nhà:

+ Các công trình xây dựng có chiều cao: ≤ 3 tầng.

+ Chiều cao tầng: ≤ 3,6m/tầng.

+ Đỉnh cao nhất của nhà (đỉnh mái) ≤ 14m.

+ Trong một dãy phố các công trình có cốt nền tầng 1 và chiều cao tầng như nhau.

- Về hình thức mái: Sử dụng mái dốc để tạo dáng công trình, đồng thời có tác dụng chống dột, chống nóng phù hợp khí hậu nhiệt đới nóng ẩm. Khuyến khích sử dụng hình thức mái có sự đồng điệu về hình thức mái và mầu sắc, vật liệu mái.

- Về hình thức mặt đứng: Tạo sự đồng điệu về đường nét, mầu sắc không gây xung đột lớn.

4.4. Quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

4.4.1. Quy hoạch san nền, tiêu thủy:

San nền bám sát theo độ cao địa hình để tạo độ dốc thoát nước từ các tuyến cống bám theo các trục đường từ các hướng về hồ điều tiết. Cao độ nền xây dựng khống chế ở cốt + 83.5. Đường bờ hồ điều tiết và cây xanh ven hồ khống chế ở cốt + 83.0m.

Hiện tại khu lõi phía Tây Nam hồ có cao độ tự nhiên từ: + 81.5m ÷ + 83.0m cần phải được đắp nên cao độ +83.5m. Khu vực hồ điều tiết có cao độ từ: +80.0 ÷+81.5m sẽ nạo vét tạo đáy hồ ở cốt: +80.0m, tạo mực nước hồ sở cốt +82.0m, chiều sâu nước hồ trung bình là 2,4m.

Khu vực dân cư đã ổn định giữ nguyên địa hình ở cao độ từ: +86.0 ÷ +83.5m.

Phương án San nền tạo được độ dốc 2% ÷ 5%, tạo thuận tiện cho thoát nước từ các hướng về hồ.

4.4.2. Quy hoạch Giao thông:

Các tuyến giao thông quy hoạch mới gắn kết nối tiếp với các tuyến đã có ở phía Nam, tạo thành mạng lưới giao thông hợp lý, hoàn chỉnh.

Giao thông đối ngoại là 2 trục đường chính:

- Đường Hoàng Sào ở phía Bắc từ sân vận động đi chợ Làng Chiềng ra đường Trần Hưng Đạo.

- Đường Hoàng Văn Thụ từ phía Nam Sân vận động đi Bến Đền.

Giao thông trong nội bộ gồm các tuyến:

- Các tuyến đã có:

+ Tuyến Na Ít song song với đường Hoàng Văn Thụ, phía Tây nối với đường Hoàng Sào, đoạn qua giữa nối với đường quy hoạch mới T2. Phía đông nối với phố Tân Tiến.

+ Tuyến Tân Tiến đầu Nam gặp đường Hoàng Văn Thụ, phía Bắc nối với tuyến quy hoạch mới T1.

+ Tuyến nối vuông góc và giao nhau với 2 trục đường Hoàng Văn Thụ và đường Na Ít tại đoạn giữa.

Các tuyến quy hoạch mới:

+ Tuyến chính trung tâm T2 chạy song song với đường Na Ít. Đầu phía Tây gặp Hoàng Sào tại sau nhà trẻ Hoa Lan II. Đầu phía đông nối với T7 tại phía tây chợ Trung tâm.

+ Tuyến T5 nối với 3 đường Na Ít- T2-T3.

+ Tuyến T3 chạy song song với T2 giáp khu cây xanh ven hồ, đầu phía Tây nối với T8, đầu phía Đông nối với T7.

+ Tuyến T4 đi qua phía sau Nhà luyện tập thể thao và CLB người cao tuổi, hướng vuôn góc và giao nhau với 2 đường Na Ít và T2.

+ Tuyến T1 chạy song song với T2 và Na Ít, đầy Tây nối T4, đầu Đông nối T5.

+ Tuyến T6 là tuyến nhánh chạy qua nhà sinh hoạt văn hóa, đầu điểm giao nhau với T7 tại góc chợ, điểm cuối bẻ vuông góc gặp T2.

+ Tuyến T7 nối tiếp với đường Tân Tiến hiện có lên phía Bắc gặp T3 và đường dạo ven hồ.

+ Tuyến T8 chạy song song và nằm phía Nam dãy dân cư đường Hoàng Sào, phía Đông gặp đường dạo ven hồ (T9).

+ Tuyến T9 là đường dạo ven hồ, bao chu vi hồ và gặp đường Giàn Than ở phía Bắc.

+ Tuyến đường Giàn Than (T10) đã có nền đất, nâng cấp mở rộng.

+ Các tuyến ngõ trong khu nhà ở có sân vườn khu phía đông giáp đường Giàn Than với phương trâm quy hoạch định hướng để nhân dân tự làm, tùy theo điều kiện từng tuyến. Hướng tuyến linh hoạt để không phải đền bù giải tỏa.

4.4.3. Quy hoạch thoát nước và vệ sinh môi trường:

a. Quy hoạch thoát nước thải:

Hệ thống thoát nước cho khu vực được thiết kế hệ thống thoát nước chung (hệ thống thoát nước mưa và hệ thống thoát nước thải sinh hoạt) được bố trí dọc 2 bên vỉa hè các tuyến đường, nhằm giải quyết tốt 2 nhiệm vụ thoát nước từ nơi khác đổ về, thoát nước nội bộ khu dân cư:

- Mạng lưới thoát nước là cống hộp bê tông có nắp đan, dọc theo mạng lưới thoát nước bố trí các hố ga có miệng thu dạng xi phông thu nước mưa và nước thải sinh hoạt khu dân cư được làm sạch cục bộ bằng các bể tự hoại tiêu chuẩn trong mỗi hộ gia đình, được thu gòm lại cho thoát ra hệ thống nước thải của khu dân cư, dẫn vào hồ điều hòa và làm sạch cục bộ bằng vi sinh vật, sau đó qua cửa xả cuối hồ đấu nối vào cống tròn D1500 qua đường sắt đã có.

- Hệ thống thoát nước được thiết kế theo 2 tuyến ống thoát chính:

+ Tuyến số 1 cống tròn D1000 từ hố ga cống hộp qua đường Hoàng Sào giáp góc sân vận động đến cửa xả "CX1" hồ điều tiết.

+ Tuyến cống D750 thu nước từ đường Hoàng Văn Thụ đổ vào tuyến số 2 cống tròn D1000 từ hố ga trên đường phố Tân Tiến, giáp góc phía bắc Chợ Cam Đường hiện tại đến cửa xả "CX2" hồ điều tiết.

- Rãnh dọc được bố trí hai bên đường, rãnh biên được cấu tạo tấm đan bê tông rời bỏ vỉa, độ dốc rãnh từ 0,3% ÷2,0%, giếng thu nước kết hợp với giếng thăm, giếng được bố trí tại các vị trí sau: chỗ tụ thủy của rãnh, bố trí tại những vị trí đường cống chuyển hướng, thay đổi độ dốc, đường cống thay đổi tiết diện, bố trí theo cấu tạo bình thường 50m, bố trí một giếng thăm.

- Khoảng cách giữa các giếng thăm thu thường lấy từ: 30-80m. Giếng có tiết diện hình vuông, cửa giếng cấu tạo cửa ngang, có nắp đan bằng Gang nằm dưới lòng đường.

b. Phương án xử lý rác thải:

- Bố trí công nhân chuyên trách công tác thu gom rác, quét dọn vệ sinh hàng ngày trong toàn bộ khu ở, đồng thời làm nhiệm vụ phân loại rác ngay tại nguồn phát sinh, tạo điều kiện cho công tác xử lý sau này.

- Bố trí các thùng chứa rác tại các khu vực sản xuất và nơi tập trung đông người để hạn chế khả năng phát tán rác ra xung quanh.

- Công ty môi trường đô thị Lào Cai tiến hành vận chuyển rác thải từ trong khu ở đi chôn lấp tại các bãi rác.

- Xây dựng nội quy kỷ luật nghiêm túc về công tác vệ sinh môi trường làm cho mọi người chấp hành nghiêm chỉnh.

4.4.4. Quy hoạch cấp nước:

a. Nhu cầu dùng nước.

Theo tính toán dân số đến năm 2020 là 2500 người. Tiêu chuẩn dùng nước bình quân 150 lít/người/ng/đêm. Nhu cầu dùng nước của khu dân cư được tính toán 756m3/ng/đêm.

b. Nguồn nước:

- Khu tổ 40B nằm ở phía Nam Thành phố Lào Cai, vì vậy sử dụng thuận lợi mạng lưới cấp nước của thành phố, không phải xây dựng nhà máy nước mới, áp lực đủ cung cấp cho công trình ≤ 5 tầng.

- Nước cấp cho khu vực này lấy điểm khởi thủy từ đường ống cấp nước Φ 100 dọc đường Hoàng Văn Thụ đã được thiết kế theo quy hoạch hệ thống cấp nước của thành phố.

c. Mạng lưới cấp nước:

Điểm đấu nối lấy từ ngã ha chợ (ngã ba phố Hoàng Văn Thụ- phố Tân Tiến). Để đảm bảo lưu lượng cần thiết, quy hoạch đường cấp chính Φ 90 chạy dọc bên lề trái đường T7 dài 157m đến đoạn gặp T3. Tại đây phân làm 4 tuyến nhánh:

- Tuyến nhánh 1 chạy dọc lề trái đường T3, từ đó phát triển kéo dài dọc tuyến T8.

- Tuyến nhánh 2 chạy dọc hai bên đường T2, phân nhánh vào đường T6.

- Tuyến nhánh 3 chạy dọc 2 bên tuyến T5.

- Tuyến nhánh 4 dọc hai bên trường T1 đến hết dãy dân cư quy hoạch mới.

d. Hệ thống cứu hỏa:

Được bố trí chung với mạng lưới cấp nước sinh hoạt, lưu lượng tính cho một đám cháy là 15lít/s. Dọc theo tuyến đường ống trên mạng lưới có bố trí các hố van điều chỉnh giảm áp, van xả kiệt, van xả khí.

6.4.5. Quy hoạch cấp điện:

a. Nhu cầu sử dụng điện.

Tổng công suất tính toán toàn khu Stt = 179,5 KVA ta chọn lấy 1 Máy biến áp loại 180KVA-(22) 6/0,4KV.

b. Nguồn điện:

Hiện nay ĐDK (22) 6KV từ khu vực Sân vận động đi qua khu vực tổ 40B tới tổ 43 phường Pom Hán, rất thuận tiện cho việc đấu nối nhánh rẽ. Do đó đặt Trạm biến áp 180KV-(22)6/0,4KV mới đấu nối từ trục đường (22)6KV nói trên, sở khu vực ngã tư gần khu quy hoạch đất cây xanh ven hồ mới xây.

c. Mạng lưới cấp điện:

- Đường dây nhánh rẽ (22)6KV điểm đấu nối tại cột số 23 thuộc tuyến đường dây (22)6KV, từ sân vận động tới tổ 43 phường Pom Hán.

- Đường dây trục chính 0,4KV chia làm 2 lộ (có kết hợp làm đường điện chiếu sáng đường phố đi chung cột với ĐDK0,4KV).

+ Lộ 1: Từ trạm biến áp chạy dọc đường quốc lộ mới quy hoạch từ vị trí cột A1 đến cột A15.

+ Lộ 2: Từ trạm biến áp chạy dọc đường quốc lộ mới quy hoạch từ vị trí cột A1 đến cột B1.

- Phần chiếu sáng đi chung cột ĐDK0,4KV: Các bộ đèn chiếu sáng đường phố được lắp trên các ngọn cột điện của tuyến ĐDK0,4KV nhờ các bộ chóp đầu cột và các bộ cần đèn.

4.4.6. Quy hoạch xây dựng hồ điều tiết.

Hồ điều tiết có nhiệm vụ thu nước từ các khu vực đổ về và giải quyết thoát nước kịp thời khi mưa lũ. Có 3 cửa thu nước từ hệ thống cống ở phía Bắc, phía Tây và phía Nam khu dân cư đổ về. Cửa xả lũ xả nước kịp thời khu mực nước hồ dân cao hơn cốt thiết kế mặt nước ở cốt: +82,0m. Trong trạng thái bình thường thoát nước hồ bằng cửa tràn cốt +82,0m. Từ cửa tràn và cửa xả lũ có đường sắt ra mương xây phía ngoài đường sắt ra sông Hồng. Ngoài hệ thống thu, thoát nước, cần đầu tư xây dựng kè bao hồ để chống sạt lở bồi lấp làm nông đáy hồ.

6.4.6. Đánh giá tác động môi trường:

a. Các nhân tố tác động ảnh hưởng tới môi trường.

a.1. Các nhân tố tác động ảnh hưởng khi quy hoạch xây dựng.

- Tác động tích cực:

+ Tạo ra khu dân cư có cảnh quan đẹp;

+ Hạn chế và xóa bỏ xây dựng nhà ở và sản xuất mang tính tự phát, lộn xộn, lãng phí đất đai;

+ Hạn chế sói lở bào mòn do thoát nước tự nhiên qua thung lũng dốc gây ra, hạn chế được ô nhiễm môi trường sống do nhiều công trình vệ sinh chưa được các hộ đầu tư.

- Tác động tiêu cực:

+ Ảnh hưởng tới cảnh quan tự nhiên, khi san gạt tạo mặt bằng;

+ Khi mất đi 1 lượng cây xanh hiện có, ảnh hưởng tới khí hậu;

+ Khi dân cư ở với mật độ tập trung theo quy hoạch sinh ra lượng chất thải, nước thải sinh hoạt lớn hơn hiện tại, nên không xử lý tốt sẽ gây ra ô nhiễm nguồn nước tự nhiên.

a.2. Các nhân tố ảnh hưởng khi tién hành thi công xây dựng:

- Tác động tiếng ồn của máy thi công (san ủi chở vật liệu XD_;

- Tác động ảnh hưởng tới môi trường: Khói bụi, mùi xăng đầu mở của máy xe thi công, tập kết vật liệu xây dựng;

- Ảnh hưởng tới giao thông đi lại trong khu vực, nguồn nước, thoát nước qua khu vực, ảnh hưởng của đất đá san gạt tới nhà, ao vườn cây cối hoa mầu các hộ dân lân cận khu vực xây dựng.

a.3. Các nhân tố ảnh hưởng tới môi trường trong quá trình sử dụng:

- Sinh ra lượng rác thải, nước thải lớn khi mật độ ở đông;

- Sinh ra khói bụi, tiếng ồn, tăng nhiệt độ khu vực trong sinh hoạt: đi lại của xe cộ, máy móc thiết bị sử dụng trong quá trình sinh hoạt, kinh doanh.

b. Các biện pháp hạn chế tác động xấu tới môi trường.

b.1. Biện pháp hạn chế ảnh hưởng tới môi trường trong công tác quy hoạch:

- Là công tác tác động ảnh hưởng nhièu tới môi trường. Vì vậy, cần nghiên cứu đưa ra các giải pháp bố trí mặt bằng hợp lý về kiến trúc, cảnh quan khai thác hợp lý địa hình thiên nhiên, hạn chế san gạt lớn, bố trí mật độ công trình hợp lý tạo ra cảnh quan đẹp sử dụng lâu dài không ảnh hưởng tới môi trường. Bố trí trồng cây xanh bóng mát.

- Từ giải pháp bố trí hợp lý không gian kiến trúc cảnh quan đưa ra các giải pháp hạ tầng kỹ thuật, đồng bộ về san nền tiêu thủy, giao thông, cấp nước, thoát nước, cấp điện phù hợp với điều kiện tự nhiên, đảm bảo kỹ thuật trong vận hành sử dụng.

b.2. Biện pháp hạn chế ảnh hưởng tới môi trường trong thi công:

Khu vực xây dựng tiếp giáp với trục đường đi vào bãi xử lý rác và khai trường. Vì vậy khi thi công cần có các biện pháp hạn chế ảnh hưởng tới giao thông đi lại, an toàn cho xe cộ người qua lại, hẹn chế khói bụi tiếng ồn lớn, không để đất lấn ra đường, rơi vãi nhà dân, vườn tược lân cận. Cần có biện pháp thi công để không ảnh hưởng tới thoát nước chung khu vực:

- Làm biển báo hiệu, cử người trực hướng dẫn giao thông;

- Kè tạm chống đất trôi lở, có biện pháp phòng ngừa khi thời tiết bất lợi;

- Không để dầu mỡ rơi vãi gây ô nhiễm;

- Đảm bảo tiến độ thi công không để kéo dài;

- Khơi mương rãnh thoát nước tạm thời, xây dựng trước hệ thống thoát nước khi hình thành mặt bằng;

- Thường xuyên bảo dưỡng máy móc, thiết bị để giảm tiếng ồn, không thi công về đêm gây tiếng ồn.

b.3. Biện pháp hạn chế tác động tới môi trường trong quá trình sử dụng:

Kiểm soát tốt nguồn nước thải sinh hoạt:

- Rác thải của từng hộ phải được thu gom vào thùng rác, mang đến đổ rác vào khu chứa rác;

- Khu chứa rác có tường bao quanh, nền bãi rác đổ bê tông có rãnh thoát nước qua cống kién không để ngấm xuống đất, bốc mùi, hôi thối ra môi trường;

- Rác thải cần được đưa đi xử lý trong ngày;

- Bể tự hoại khi dân xây dựng nhà ở để bảo đảm xử lý vệ sinh tự hoại trước khi thoát nước ra cống chung;

- Khu dân cư đề ra nội quy chung về sinh hoạt môi trường như: không vứt rác bừa bãi, sinh hoạt kinh doanh không gây ra tiếng ồn, khói bụi chất thải gây ra mất vệ sinh chung, gây ô nhiễm môi trường sống.

- Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh đô thị, gia đình văn hóa;

- Thường xuyên kiểm tra sửa chữa khi hệ thống nước thải gặp sự cố.

5. Phân kỳ đầu tư.

Công tác triển khai xây dựng Khu dân cư tổ 40B phường Pom Hán được dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2009-2015 và theo kế hoạch vốn hàng năm.

6. Nguồn vốn: Vốn ngân sách tỉnh + vốn đóng góp nhân dân.

Điều 2. Giao cho UBND thành phố Lào Cai chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng và các sở, ban, ngành hoàn tất hồ sơ, công bố quy hoạch theo quy định để các tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan biết thực hiện.

Điều 3. Chánh Văn phòng UUBND tỉnh; Giám đốc Sở Xây dựng; Chủ tịch UBND thành phố Lào Cai; Thủ trưởng các sở, ban, ngành co liên quan và Chủ đầu tư chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Nơi nhận:

- TT.UBND tỉnh;

- Sở Xây dựng (03 bản);

- Các Sở: KH&DDT, TN&MT, Tài chính;

- UBND thành phố Lào Cai (03 bản);

- TT TVGS&QLDA- Sở Xây dựng (3 bản);

- Lưu VT- XDCB.

K/T. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH

 (đã ký)

Phạm Văn Cường

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1