Chi bộ 5: CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 94 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM (14/10/1930 – 14/10/2024)
PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA TỔ CHỨC HỘI VÀ HỘI VIÊN NÔNG DÂN
TRONG GIAI ĐOẠN MỚI
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng nông dân và coi phát triển nông nghiệp là một tất yếu khách quan, là cơ sở để phát triển các ngành công nghiệp khác. Người từng nói: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”, đồng thời Người khẳng định: “Nông dân là một lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất trung thành của giai cấp công nhân. Muốn kháng chiến kiến quốc thành công, muốn độc lập thống nhất thật sự ắt phải dựa vào lực lượng của nông dân. Đồng bào nông dân sẵn có lực lượng to lớn, sẵn có lòng nồng nàn yêu nước, sẵn có chí khí kiên quyết đấu tranh và hy sinh”.
Thực tế lịch sử chiến tranh cách mạng Việt Nam đã chứng minh giai cấp nông dân đóng vai trò rất lớn trong thắng vĩ đại của dân tộc ta, đánh đuổi quân xâm lược, giành lại độc lập tự do. Trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Hội Nông dân và giai cấp nông dân tiếp tục khẳng định sứ mệnh, vai trò, vị thế đặc biệt quan trọng của mình.
Trở lại lịch sử, ngày 01/3/1988, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Quyết định số 42-QĐ/TW về việc đổi tên Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam thành Hội Nông dân Việt Nam. Tại phiên họp ngày l7/1/1991, Bộ Chính trị đã đồng ý lấy ngày 14/10/1930 làm Ngày Kỷ niệm thành lập Hội Nông dân Việt Nam. Từ năm 1988 đến nay, Hội Nông dân Việt Nam đã trải qua 8 kỳ Đại hội. Mỗi kỳ Đại hội là một mốc lịch sử quan trọng khẳng định vị trí, vai trò to lớn của giai cấp nông dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Qua mỗi chặng đường lịch sử, công tác Hội và phong trào nông dân không ngừng phát triển, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, thực hiện vai trò nòng cốt trong quá trình đổi mới đất nước; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của hội viên nông dân; tăng cường liên minh với giai cấp công nhân và đội ngũ trí thức, làm nền tảng cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc; mở rộng hợp tác quốc tế góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Qua thực tiễn cho thấy, nhiều phong trào do Hội Nông dân phát động, tổ chức đạt hiệu quả thiết thực tiêu biểu như: Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng; phong trào nông dân thi đua xây dựng gia đình văn hóa, tham gia xây dựng làng xã văn hóa; phong trào nông dân thi đua tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh…. Từ các phong trào thi đua yêu nước đó đã xuất hiện nhiều gương nông dân điển hình tiên tiến làm kinh tế giỏi, giúp nhau xoá đói, giảm nghèo khắc phục hậu quả thiên tai; nhiều nông dân tự nguyện nhường đất để xây dựng trường học, làm đường giao thông tự nguyện góp công góp của làm việc thiện; có người vượt khó say mê tìm tòi những thành công trong chế tạo máy nông cụ sản xuất,...
Trải qua 94 năm xây dựng và phát triển, giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam không ngừng lớn mạnh, đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy tinh thần yêu nước, đức tính lao động cần cù, sáng tạo, giai cấp nông dân đã đoàn kết một lòng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên của cách mạng Việt Nam, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức; khai thác tiềm năng về vốn đất đai lao động việc làm; tiếp thu các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ; nâng cao hiệu quả đầu tư; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phát triển ngành nghề; phá thế độc canh, tự cấp, tự túc; tiếp cận thị trường... đã làm thay đổi đáng kể kinh tế nông nghiệp, bộ mặt nông thôn và đời sống nông dân nước ta. Đời sống vật chất, tinh thần của nông dân được cải thiện rõ rệt. Vị thế chính trị của giai cấp nông dân nước ta ngày càng được nâng cao, khẳng định là chủ thể xây dựng một nền nông nghiệp phát triển bền vững, nông thôn mới văn minh, hiện đại.
Kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát huy truyền thống vẻ vang của Hội Nông dân và giai cấp nông dân Việt Nam, Hội Nông dân thành phố Lào Cai đã và đang tiếp tục bám sát các chủ trương của Đảng, sự lãnh đạo của cấp uỷ thành phố và Hội Nông dân tỉnh để lãnh đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao và đạt được thành tựu trên tất cả các mặt.
Tính đến tháng 10/2024, toàn thành phố có 17 Hội Nông dân xã, phường, 224 chi hội với 8.627 hội viên. Dưới sự quan tâm chỉ đạo sát sao của của Hội Nông dân tỉnh, Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố, Hội Nông dân thành phố đã thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong công tác phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và chức năng đại diện của tổ chức Hội, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người nông dân. Hội đã có nhiều đổi mới, đa dạng trong tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên tích cực thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương; tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Đổi mới hình thức, phương thức hoạt động, tổ chức các phong trào thi đua có hiệu quả, thiết thực sát với chức năng, nhiệm vụ của Hội và của địa phương, đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế của thành phố và xây dựng Đảng bộ, chính quyền thành phố ngày một vững mạnh.

Hội Nông dân thành phố hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo phát triển kinh tế
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và phát triển, nhất là trong giai đoạn hiện nay, Hội Nông dân thành phố cũng gặp nhiều khó khăn, thách thứ như: Tình trạng phục hồi kinh tế chậm sau đại dịch Covid 19; các tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu tới tất cả các lĩnh vực, trong đó có sản xuất nông nghiệp; nhận thức chưa thực sự đầy đủ của một bộ phận nông dân thành phố về vị trí, vai trò của giai cấp nông dân và tổ chức Hội Nông dân; sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ đòi hỏi người nông dân phải thích ứng nhanh nhạy, trong khi lực lượng lao động tại các địa phương lại nhiều người cao tuổi (số lao động trẻ thường có xu hướng đi làm xa, tại các khu công nghiệp ngoài tỉnh); việc ứng dụng công nghệ sản xuất mới trong sản xuất nông nghiệp chưa nhiều;....
Trước các khó khăn, thách thức nêu trên, Hội Nông dân thành phố xác định các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm tiếp tục phát huy vai trò và vị thế của tổ chức hội và hội viên Hội Nông dân thành phố, đó là:
Thứ nhất, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt sâu sắc các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước và các cơ chế đặc thù của tỉnh, thành phố đối với các vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tham mưu cho cấp uỷ thành phố các giải pháp trong việc tiếp tục nâng cao nhận thức của cấp uỷ, chính quyền các cấp về vai trò và vị thế của tổ chức hội và hội viên Hội Nông dân, coi đây là một trong các lực lượng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
Thứ hai, tiếp tục làm tốt công tác xây dựng tổ chức hội. Trong đó xác định trọng tâm là các nhiệm vụ về tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, hội viên; tăng cường xây dựng, củng cố tổ chức Hội và phát triển hội viên, quan tâm vận động và thu hút hội viên, thường xuyên củng cố Ban chấp hành, Ban thường vụ Hội, duy trì quy chế làm việc; tích cực bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ, hội viên; thực hiện đảm bảo công tác kiểm tra, giám sát, thi đua, khen thưởng của tổ chức Hội.
Thứ ba, xây dựng giai cấp nông dân phát triển toàn diện thông qua các phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững nhằm khơi dậy ý chí quyết tâm làm giàu của nông dân; tập trung các nguồn lực hỗ trợ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, bồi dưỡng những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi có uy tín làm nòng cốt để xây dựng mô hình nhằm phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn. Phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội trong xây dựng nông thôn mới, tham gia xây dựng đô thị văn minh gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
Thứ tư, đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Huy động các nguồn lực tạo vốn vay cho hội viên, nông dân phát triển sản xuất; triển khai, xây dựng dự án cho vay và quản lý tốt nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân hiện có. Phối hợp dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, kỹ năng sản xuất theo hướng công nghệ cao, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa nông sản cho nông dân. Vận động, hỗ trợ hộ sản xuất giỏi đi đầu trong sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị nông sản hàng hóa, dịch vụ khép kín đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, phấn đấu mỗi xã phường có một sản phẩm tiêu biểu, có thương hiệu. Đẩy mạnh hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý giúp nông dân nắm chắc, hiểu đúng các quy định của pháp luật để tham gia liên doanh, liên kết, hợp tác có hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
Thứ năm, tăng cường các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế theo đường lối đối ngoại Nhân dân của Đảng: Nâng cao nhận thức, kiến thức của cán bộ Hội về chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, hội nhập quốc tế và công tác đối ngoại của Hội; phối hợp tuyên truyền, vận động nông dân đoàn kết quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, ổn định an ninh biên giới.
Thứ sáu, phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội trong xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam. Trong đó tập trung các nội dung: (1) Thực tốt các nội dung Quyết định 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành kèm theo bản "Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”. Chủ động tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền trong việc xây dựng các chủ trương, chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu cán bộ có đủ năng lực tham gia vào cơ quan lãnh đạo, quản lý Nhà nước và Hội đồng Nhân dân các cấp thể hiện vai trò đại diện của giai cấp nông dân; giới thiệu cán bộ, hội viên ưu tú cho Đảng bồi dưỡng, kết nạp. (2) Tham gia giám sát, phản biện xã hội và góp phần hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; giám sát, phản biện đối với việc thực hiện các chính sách liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của hội viên; giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở... (3) Thực hiện tốt vai trò là đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nông dân, trong đó đặc biệt chú trọng đổi mới tuyên truyền, đa dạng hóa thông tin, giúp nông dân nắm chắc, hiểu sâu về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; kịp thời nắm bắt tình hình khó khăn, bức xúc trong nông nghiệp, nông dân; tích cực đối thoại với nông dân....
Với tinh thần “Đoàn kết, đổi mới, hội nhập, phát triển”, Hội Nông dân thành phố đang tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của tổ chức Hội và nông dân thành phố đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển thành phố Lào Cai ngày càng văn minh, giàu đẹp sớm trở thành đô thị loại I./.