Quy
hoạch, xây dựng hạ tầng đô thị, nhằm đáp ứng tốt nhu cầu phát triển, tạo nền
tảng để đến năm 2025, thành phố Lào Cai trở thành đô thị loại I.
Quy
hoạch, xây dựng hạ tầng đô thị, nhằm đáp ứng tốt nhu cầu phát triển, tạo nền
tảng để đến năm 2025, thành phố Lào Cai trở thành đô thị loại I.
Ngày mới tái lập, không gian đô thị thị xã Lào Cai được gói
gọn trong phạm vi 3 xã: Đồng Tuyển, Vạn Hoà, Bắc Cường và 5 phường: Lào Cai,
Duyên Hải, Cốc Lếu, Kim Tân, Phố Mới. Thị xã Lào Cai là thị xã tỉnh lỵ, trung
tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của tỉnh, được quy hoạch thành 4 trung tâm hành
chính: Kim Tân là khu chính, nơi tập trung các cơ quan đầu não của tỉnh và
ngành quan trọng; Cốc Lếu là nơi xây dựng các công trình phục vụ cho hoạt động
thương mại, du lịch, dịch vụ… và các cơ quan của thị xã Lào Cai; Lào Cai (Phố
Tèo) là nơi xây dựng những công trình phục vụ hoạt động của cửa khẩu quốc tế,
quốc gia; Phố Mới là nơi xây dựng các kho tàng, bến bãi… phục vụ công tác trung
chuyển hàng hoá, khách hàng. Tổng diện tích tự nhiên của thị xã ngày tái lập
(năm 1992) là 5.038 ha.
Do hậu quả của chiến tranh, thị xã Lào Cai là đô thị nghèo
nàn, lạc hậu, hạ tầng kỹ thuật, giao thông kém phát triển; cơ sở kinh tế manh
mún, kiến trúc đô thị sơ sài, thiếu quản lý… Trước yêu cầu phải xây dựng thị xã
Lào Cai thành đô thị phát triển, trở thành “đầu tàu” kéo nền kinh tế - xã hội
của tỉnh phát triển, ngay từ những ngày đầu tái lập, thị xã đã làm tốt công tác
quy hoạch, ưu tiên nguồn lực cho phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao
thông.

Khu đô thị Lào Cai - Cam Đường ngày càng hiện
đại. Ảnh: Ngọc Bằng
Sau 25 năm tái lập, hạ tầng kỹ thuật của thành phố được xây
dựng từng bước đồng bộ, tốc độ đô thị hóa nhanh, chất lượng cuộc sống của người
dân đô thị ngày càng được nâng cao. Thành phố Lào Cai được Chính phủ công nhận
là đô thị loại II và nhiều năm liền được Hiệp hội các đô thị Việt Nam suy tôn
là đô thị xanh - sạch - đẹp. Đặc biệt, không gian đô thị mở rộng lên 22.150 ha,
với 17 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 12 phường, 5 xã. Các khu dân cư mới
được quy hoạch khang trang, hiện đại; những khu vực dân cư cũ được cải tạo,
nâng cấp, kiến trúc đô thị thay đổi rõ nét.
Nhìn vào khối lượng công việc đồ sộ trong suốt 25 năm qua
mới thấy biết bao mồ hôi, công sức của các thế hệ cán bộ, người dân thành phố
đã đổ xuống mảnh đất biên cương này. Quyết tâm cao của các thế hệ lãnh đạo
thành phố trong quy hoạch xây dựng đô thị, cùng sự đồng thuận của nhân dân đã
tạo nên diện mạo đô thị hiện đại.
Ngay sau ngày tái lập, thị xã Lào Cai bắt tay vào khôi phục
cầu Cốc Lếu, cầu Hồ Kiều, xây dựng mới cầu Hồ Kiều II, triển khai xây dựng cầu
Kim Tân; hoàn thành xây các chợ: Cốc Lếu, Phố Mới, Nguyễn Du; thi công hàng
chục tuyến đường, tuyến phố lớn, nhỏ. Bờ sông Hồng, sông Nậm Thi được xây kè
kiên cố, vững chắc chạy qua thị xã Lào Cai, chống xói mòn đất, làm tăng vẻ đẹp
cho thị xã. Nhiều trụ sở các cơ quan hành chính của tỉnh và thị xã được xây
dựng, đảm bảo về chất lượng kỹ thuật và mỹ thuật.
Điểm nhấn trong công tác quy hoạch đô thị thành phố Lào Cai
là chủ trương của tỉnh về việc “dời đô”, mở rộng tỉnh lỵ, nhằm mở đường cho sự
phát triển kinh tế, cũng như giải quyết các vấn đề về dân số, nhà ở, đất đai,
môi trường cho thị xã tỉnh lỵ Lào Cai tương xứng là trung tâm kinh tế, chính
trị, văn hóa, khoa học, kỹ thuật của tỉnh. Khu Đô thị mới Lào Cai - Cam Đường
có tổng diện tích 2.350 ha được quy hoạch với tính chất là khu hành chính,
chính trị của tỉnh, bao gồm các chức năng chính: Công sở, nhà ở, dịch vụ thương
mại, văn hóa, thể thao, công viên cây xanh, sinh thái. Trong đó, cây xanh và độ
cao được tôn trọng tối đa, độ che phủ cây xanh được dự báo có thể lên tới 60%,
tạo cho cụm đô thị vẻ đẹp hài hòa giữa thiên nhiên và những công trình nhân
tạo. Các thiết chế văn hóa, thể thao được quy hoạch thành khu liên hợp
100 ha với đầy đủ các tính năng. Bệnh viện, trường học và các công trình dân sinh
khác được ưu tiên đặc biệt về mặt bằng. Mạng lưới giao thông được thiết kế đồng
bộ tương xứng với cơ sở hạ tầng kỹ thuật, ngoài tuyến giao thông huyết mạch Đại
lộ Trần Hưng Đạo (rộng 58 m, dài 14 km) đạt tiêu chuẩn đường dành cho 4 làn xe,
còn có trên 20 km các tuyến đường ngang rộng từ 25 - 45m.
Điểm mới trong quy hoạch Khu Đô thị Lào Cai - Cam Đường là
xây dựng và sắp xếp lại khối cơ quan hành chính sự nghiệp, cụm công nghiệp
thành cụm công trình. Từ 52 đơn vị hành chính riêng rẽ trước đây, rút gọn xuống
còn 9 toà nhà lớn liên hoàn. Mỗi tòa nhà hành chính cao từ 7 - 9 tầng, được bố
trí từ 7 - 10 cơ quan. Tính ưu việt của khu đô thị mới là dành 40% diện tích để
làm nhà chung cư, nhà ở chia lô cho nhóm có thu nhập thấp; mỗi khu dân cư tập
trung 100 hộ trở lên và phân bố đều trong khu đô thị. Khu Đô thị mới Lào Cai -
Cam Đường thể hiện sự khát vọng của bao thế hệ, là điểm nhấn cho thành phố.
Bên cạnh đó, còn phải kể đến các công trình, kiến trúc, khu
nhà cao cấp, các khu đô thị chất lượng cao liên tục mọc lên sau đó tạo cho
thành phố Lào Cai thực sự mang một sức sống mới với như: Khu Đô thị The Manor
Eco+, Khu Đô thị Phú Hưng, đường An Dương Vương, đường Võ Nguyên Giáp, Khách
sạn Aristo, Khách sạn Mường Thanh, Trung tâm mua sắm và giải trí Đức Huy Plaza...
Cùng với đó, các khu công nghiệp Đông Phố Mới, Bắc Duyên Hải, Khu Công nghiệp
thương mại Kim Thành cũng dần được lấp đầy.
Nhìn lại chặng đường 25 năm tái lập, công tác quy hoạch,
quản lý quy hoạch xây dựng đô thị thành phố Lào Cai đã đạt những thành tựu to
lớn, mang đến sức sống mới cho đô thị vùng biên cương.
Thực hiện chủ trương của tỉnh về mở rộng địa giới hành chính
thành phố Lào Cai và xây dựng thành phố trở thành đô thị loại I vào năm 2025
gắn với xây dựng đô thị thông minh, thời gian tới, thành phố Lào Cai tiếp tục
rà soát, điều chỉnh địa giới hành chính; điều chỉnh quy hoạch chung, bổ sung
các quy hoạch chi tiết theo phân cấp cho phù hợp với thực tế; đề xuất huy động
các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phát triển đô thị; tăng
cường công tác quản lý quy hoạch xây dựng, trật tự đô thị, nâng cao đời sống
văn hóa, tinh thần cho nhân dân, thực hiện nếp sống văn minh đô thị.
Đào Minh Khánh
Theo Báo Lào Cai điện tử