Với các chính sách hỗ trợ phát
triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của trung ương và tỉnh, sản xuất tiểu
thủ công nghiệp của thành phố Lào Cai đã đạt được những kết quả, quy mô và chất
lượng hoạt động của các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp được mở rộng.
Với các chính sách hỗ trợ phát
triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của trung ương và tỉnh, sản xuất tiểu
thủ công nghiệp của thành phố Lào Cai đã đạt được những kết quả, quy mô và chất
lượng hoạt động của các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp được mở rộng.

Cụm công nghiệp Sơn
Mãn - Vạn Hòa đang được đầu tư giai đoạn 2
Trước đây, cơ sở sản xuất đá lạnh của gia đình chị Đặng Thị
Đăng (xã Vạn Hòa) nằm trong khu dân cư, hoạt động sản xuất không chỉ gây tiếng
ồn ảnh hưởng đến các hộ liền kề mà còn khiến việc mở rộng kinh doanh gặp khó
khăn do mặt bằng chật hẹp. Năm 2017, chị Đăng chuyển cơ sở sản xuất vào cụm
công nghiệp Sơn Mãn - Vạn Hòa theo chủ trương của thành phố. Tại đây, chị được
bố trí khu đất rộng gần 500 m2 đáp ứng yêu cầu mở rộng sản xuất.
Cụm công nghiệp Sơn Mãn - Vạn Hòa có diện tích theo quy
hoạch 7,5 ha, UBND thành phố đã triển khai đầu tư giai đoạn 1 được 2,5 ha. Cùng
với cơ sở của chị Đặng Thị Đăng, đến nay đã sắp xếp cho 27 cơ sở vào cụm hoạt
động với các ngành nghề: Chế biến nông, lâm sản; mộc dân dụng; sửa chữa ô tô;
gia công cơ khí; sản xuất vật liệu xây dựng; sản xuất dây đai, dây buộc... tỷ
lệ lấp đầy giai đoạn 1 đạt 50%. Theo ông Cao Bá Quý, Trưởng Phòng Kinh tế thành
phố Lào Cai, những năm qua, sản xuất tiểu thủ công nghiệp của thành phố phát
triển đúng hướng và có những chuyển biến tích cực. Đầu tư cho sản xuất tiểu thủ
công nghiệp được chú trọng, quy mô và chất lượng hoạt động, chất lượng sản phẩm
của các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp được nâng cao, tạo thêm nhiều việc
làm mới cho người dân địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động,
việc làm của thành phố.
Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng đến năm 2017 đạt 43% trong
cơ cấu kinh tế của thành phố. Trên địa bàn có 1.117 cơ sở sản xuất tiểu
thủ công nghiệp với các lĩnh vực, ngành nghề chính là: Sản xuất các sản phẩm cơ
khí, sửa chữa máy móc nông cụ, chế biến nông sản, thực phẩm, chế biến lâm sản,
mộc dân dụng, thủ công mỹ nghệ và khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng. Tổng
giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp năm 2017 đạt 1.050 tỷ đồng, đạt 110,2% kế
hoạch năm, tăng 17,8% so với năm 2016. Các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp
đã tạo việc làm cho khoảng 3.000 lao động, với thu nhập bình quân từ 3 đến 6
triệu đồng/người/tháng.
Để tạo điều kiện phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp
gắn với bảo vệ môi trường, thành phố đã quy hoạch, đầu tư xây dựng và đưa vào
hoạt động 3 cụm công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch 31 ha. Đến nay, UBND
thành phố đã phê duyệt sắp xếp được 146 cơ sở vào các cụm công nghiệp, đầu tư
xây dựng nhà xưởng và hoạt động sản xuất, tạo việc làm cho trên 1.100 lao động.
Ngoài cụm công nghiệp Sơn Mãn - Vạn Hòa, tại cụm công nghiệp Bắc Duyên Hải,
UBND thành phố sắp xếp được 103 cơ sở vào hoạt động với các ngành nghề: Chế
biến lâm sản, mộc dân dụng; sửa chữa, gia công cơ khí; sản xuất giấy, vở học
sinh; sản xuất ống cống bê tông... tỷ lệ lấp đầy tại cụm công nghiệp này đạt
100%. Tại cụm công nghiệp Đông Phố Mới, UBND thành phố đã sắp xếp được 16 cơ sở
vào hoạt động với các ngành nghề: Chế biến lâm sản, mộc dân dụng; sửa chữa, gia
công cơ khí... tỷ lệ lấp đầy đạt 100%.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Phòng Kinh tế thành phố, việc
phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn chưa tương xứng với
lợi thế, tiềm năng. Hầu hết các cơ sở tiểu thủ công nghiệp phát triển nhỏ lẻ,
tự phát, phân tán, trang - thiết bị phục vụ sản xuất lạc hậu, gây ô nhiễm môi
trường trong các khu dân cư. Mặc dù thành phố đã quy hoạch, đầu tư 3 cụm công
nghiệp, nhưng vẫn chưa hoàn chỉnh hạ tầng, chưa đáp ứng được nhu cầu của các cơ
sở về mặt bằng sản xuất; việc quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp mới khó
thực hiện do đầu tư xây dựng hạ tầng từ nguồn ngân sách nhà nước không còn,
tỉnh cũng chưa có cơ chế huy động đầu tư từ tư nhân.
Từ nay đến năm 2020, thành phố Lào Cai tiếp tục mục tiêu đẩy
mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp với định hướng tập trung vào các ngành
nghề sản xuất và chế biến thực phẩm theo hướng kết hợp với làng nghề ẩm thực
truyền thống phục vụ phát triển kinh tế du lịch. Để đáp ứng yêu cầu phát triển
và chủ trương di chuyển các cơ sở tiểu thủ công nghệp ra khỏi khu dân cư, thành
phố sẽ huy động các nguồn lực từ ngân sách và xã hội hóa mở rộng cụm công
nghiệp Sơn Mãn; triển khai xây dựng cụm công nghiệp Thống Nhất 15 ha (quy hoạch
là 30 ha), cụm công nghiệp Đồng Tuyển và cụm công nghiệp Cam Đường
Mạnh Dũng
Theo Báo Lào Cai điện tử