Con đường còn tươi màu đất “vin” vào sườn núi mà kéo
dài tút hút tận rừng xanh; một bên vực sâu, thi thoảng bắt gặp vài tràn ruộng
bậc thang như mâm xôi khổng lồ, một bên là ta luy vẫn hằn rõ vết răng của gầu
máy xúc. Dù sau mấy ngày mưa rả rích khiến một số đoạn đường lầy lội, trơn
trượt, nhưng vẫn không làm vơi niềm vui của 24 hộ người Dao ở xóm Thoóng Vé,
thôn Ú Sì Sung, xã Tả Phời, thành phố Lào Cai.
Con đường còn tươi màu đất “vin” vào sườn núi mà kéo
dài tút hút tận rừng xanh; một bên vực sâu, thi thoảng bắt gặp vài tràn ruộng
bậc thang như mâm xôi khổng lồ, một bên là ta luy vẫn hằn rõ vết răng của gầu
máy xúc. Dù sau mấy ngày mưa rả rích khiến một số đoạn đường lầy lội, trơn
trượt, nhưng vẫn không làm vơi niềm vui của 24 hộ người Dao ở xóm Thoóng Vé,
thôn Ú Sì Sung, xã Tả Phời, thành phố Lào Cai.
Gặp
chúng tôi ở đoạn đường chênh vênh, men theo vòm nhô của quả đồi án ngữ ngay đầu
xóm, anh Lý Láo Lủ, Trưởng thôn Ú Sì Sung hồ hởi bảo: “Mọi người đi xe máy lên
đây chắc vất vả lắm, bây giờ đường đi khá hơn nhiều rồi, nếu trước kia thì chỉ
có cuốc bộ thôi! Thoóng Vé không còn cô lập và xa xôi nữa!”.
Ngày
khánh thành tuyến đường, ngay từ sớm, mọi người đã tập trung về nhà anh Chảo
Ông Phin ở cuối xóm. Trong bếp nhà anh Phin, chảo thịt lợn trên lửa hồng sém
cạnh xèo xèo. Những người đàn ông nhanh tay đảo chảo thịt, nói cười, còn các
chị tất bật dọn bát, đũa. Một vài người vừa đến, góp vui thêm bằng mấy chai
rượu. Mâm cỗ dọn ra ngay dưới nền nhà. Anh Lý Láo Lủ, Trưởng thôn Ú Sì Sung kể
lại: Tôi nhớ mấy năm trước, khi nhận nhiệm vụ làm trưởng thôn, chi bộ đã phân
công tôi vận động bà con mở tuyến đường. Khi cắm tuyến, thấy tuyến đường đi qua
phần lớn diện tích ruộng lúa của nhiều hộ, nên có không ít ý kiến bàn lùi, song
nhờ biết vận dụng linh hoạt các giải pháp, tôi đã thuyết phục được các hộ hiến
đất để mở đường. Con đường chính là biểu tượng sự đoàn kết, đồng lòng của người
dân trong xóm Thoóng Vé. Bây giờ mới là đường đất, vài năm nữa, khi xã đầu tư
vật liệu, nhân dân sẵn sàng bỏ công sức đổ bê tông, chắc chắn việc đi lại thuận
lợi hơn rất nhiều...

Người dân thôn Ú Sì Sung bảo dưỡng, sửa chữa
tuyến đường mới mở.
Chẳng
mấy chốc, không gian ngôi nhà của anh Phin ngập trong tiếng nói cười, tiếng
chúc tụng mừng xóm có con đường mới. Mọi người lại kể chuyện làm đường. Một vài
người bắt đầu nói đến tương lai và dự tính mua sắm xe máy cùng các vật dụng
phục vụ nhu cầu của cuộc sống. Anh Chảo Ông Phin không giấu nổi niềm vui: “Con
đường là mơ ước bấy lâu của bà con đấy! Hôm qua, mình phóng xe máy ra chợ mà cứ
ngỡ trong mơ!”.
Trong
phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều tấm
gương hiến đất làm đường, xây nhà văn hoá, nhưng chuyện người dân xóm Thoóng Vé
đồng lòng hiến phần lớn diện tích đất ruộng để mở mới một con đường thế này thì
tôi mới gặp lần đầu. Tuyến đường dài hơn 1,7 km, có chỗ chiều rộng lên đến 5 m,
tính ra mới thấy người dân đã hiến nhiều đất đến thế nào. Trưởng thôn Lý Láo Lủ
trải lòng: Bây giờ tôi mới thở phào, chứ thời gian bắt đầu vận động nhân dân
vất vả lắm. Nhiều người có suy nghĩ so bì, cho rằng ở nhiều nơi khác, việc mở
đường được Nhà nước hỗ trợ, còn ở đây, bà con phải thực hiện hoàn toàn. Vì thế,
cuộc họp dân lần thứ nhất, thứ hai, rồi thứ ba vẫn không thống nhất được. Tôi
đã thay đổi phương pháp vận động. Trong số các hộ dân có đất nằm trên tuyến
đường đi qua, tôi thấy ông Chảo Kèm Heng vừa là đảng viên, vừa là người cao tuổi
nhất thôn, nên đến nhà vận động ông tiên phong hiến đất. Sau đó, tôi đến từng
nhà giải thích về chủ trương chung của Nhà nước, rồi lấy dẫn chứng cụ thể về
việc hiến đất của nhân dân các địa phương trong thực hiện xây dựng nông thôn
mới. Khi mọi người bắt đầu có sự chuyển biến trong nhận thức thì thôn tiến hành
họp dân lần thứ tư, cuối cùng cũng tìm được tiếng nói chung. Bà con đồng loạt
hiến đất, thôn nhanh chóng tổ chức khởi công. Xã còn huy động được các doanh
nghiệp đóng trên địa bàn hỗ trợ máy xúc để san gạt đất, nên chỉ sau hơn 1 năm
thi công (khởi công tháng 11/2015), tuyến đường đã nên vóc, nên hình. Nếu không
kiên trì và linh hoạt trong cách thức tổ chức, tuyên truyền, vận động, chắc con
đường mãi mãi chỉ là ước ao của người dân địa phương mà thôi!
Là 1
trong số 13 hộ hiến đất mở đường, gia đình ông Chảo Kèm Heng là hộ hiến nhiều
đất nhất, với hơn 600 m2. Mặc dù nhà ở xóm trung tâm thôn Ú Sì Sung, việc mở
con đường vừa đi qua đất ruộng, lại không tác động nhiều đến việc đi lại của
gia đình, nhưng ông Heng vẫn vui vẻ hưởng ứng và là người tiên phong thực hiện.
Năm nay 84 tuổi, dấu vết thời gian hằn sâu trên gương mặt và nước da đã nhuốm
màu nắng gió, nhưng ngày xóm Thoóng Vé khánh thành tuyến đường, ông Heng vẫn đi
bộ, leo dốc cả cây số để đến chung vui. Ông bảo: “Tôi là người cao tuổi nhất
thôn, lại là đảng viên, nên phải gương mẫu thì con cháu mới nghe mình và làm
theo. Với lại, có đường, bà con đi lại thuận lợi hơn và xoá đói, giảm nghèo
được. Đây là điều tốt, mình phải cố gắng làm thôi”. Ngồi ngay cạnh ông Heng là
các anh: Chảo Chằn Chòi, Chảo Ông Diết, Chảo Ông Cáu - những người cũng hiến cả
trăm m2 đất để làm đường. Anh Chòi góp chuyện: Ban đầu có chút chần chừ, nhưng
dần dần, chúng tôi đã hiểu ra lợi ích của việc mở đường. Rồi đây, việc đi lại,
học tập của con em trong xóm và người dân sẽ thuận lợi hơn, mở ra một tương lai
tươi sáng cho xóm Thoóng Vé.
Nhất
định rồi - tôi trộm nghĩ. Cơ hội chỉ mở ra khi chính người dân tự cởi lòng và
biết đặt mình vào trong lợi ích của cộng đồng. Tôi tạm biệt Thoóng Vé khi phía
đỉnh núi, những tia nắng xuân ấm áp vẫn đang nhảy nhót. Trong nhà anh Phin ngập
tràn tiếng nói cười vui vẻ; ngoài sân, lũ trẻ con say sưa với các trò chơi.
Cuộc sống nơi đây thật thanh bình và yên ả!
Tương
lai của xóm Thoóng Vé thực sự bắt đầu từ hôm nay.
Thành Phú
Theo Báo Lào Cai điện
tử