image banner
Thành phố Lào Cai sau 25 năm xây dựng và phát triển
Thành phố Lào Cai, 25 năm một chặng đường xây dựng và phát triển, nay đã có sự đổi thay diệu kỳ nơi mảnh đất biên cương. Chính nhờ có khát vọng, quyết tâm và niềm tin sắt đá, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc thành phố Lào Cai đã vượt qua vô vàn khó khăn thử thách, tái thiết và dựng xây thành phố trở thành một đô thị loại 2 văn minh, hiện đại, nơi cửa ngõ hội nhập năng động, hiệu quả của vùng kinh tế phát triển của khu vực Tây Bắc, xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lao động mà Đảng và Nhà nước trao tặng năm 2015.

Thành phố Lào Cai, 25 năm một chặng đường xây dựng và phát triển, nay đã có sự đổi thay diệu kỳ nơi mảnh đất biên cương. Chính nhờ có khát vọng, quyết tâm và niềm tin sắt đá, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc thành phố Lào Cai đã vượt qua vô vàn khó khăn thử thách, tái thiết và dựng xây thành phố trở thành một đô thị loại 2 văn minh, hiện đại, nơi cửa ngõ hội nhập năng động, hiệu quả của vùng kinh tế phát triển của khu vực Tây Bắc, xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lao động mà Đảng và Nhà nước trao tặng năm 2015.

 

Góc nhìn thành phố từ trên cao

Ngược dòng thời gian, trong những năm đầu mới được tái lập tỉnh (01/10/1991), thị xã Lào Cai là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của tỉnh Lào Cai, với những khó khăn ban đầu về hạ tầng cơ sở, đội ngũ cán bộ, tiềm lực ngân sách của thị xã Lào Cai vẫn phải trông chờ 100% ngân sách Trung ương, hệ thống giao thông đi lại khó khăn, hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao, an ninh trật tự còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, mất ổn định chính trị, thương mại dịch vụ chậm phát triển, quan hệ đối ngoại còn nhiều hạn chế, đời sống của nhân dân còn ở mức thấp. Phát huy truyền thống anh hùng, đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thành phố huy động mọi nguồn lực, tranh thủ tối đa sự quan tâm, giúp đỡ của các địa phương trong và ngoài tỉnh cho xây dựng và phát triển thị xã. Ngày 24/11/2004, Quốc Hội chính thức phê chuẩn công nhận thị xã Lào Cai trở thành thành phố Lào Cai, đây không những là sự ghi nhận, biểu dương của Đảng và Nhà nước đối với sự nỗ lực của thành phố, mà còn là niềm tự hào của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc trong một chặng đường phấn đấu bền bỉ, vượt bậc.

Ngay những ngày đầu mới được thành lập, thành phố đã nhận định được những khó khăn, thách thức trước mặt trong việc duy trì và phát triển thành phố. Đúc kết từ những bài học, kinh nghiệm của các nhiệm kỳ Đại hội trước, bước vào Đại hội Đảng bộ thành phố Lào Cai lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ban chấp hành Đảng bộ thành phố chủ động, tích cực đổi mới trong chỉ đạo và điều hành, cụ thể hóa 05 chương trình trọng tâm toàn khóa, 22 đề án nhằm mục tiêu xây dựng thành phố “Văn minh, lịch sự, thân thiện, kỷ cương”. Với những cách làm hay, sáng tạo, quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc thành phố. Sau 25 năm xây dựng và phát triển, thành phố Lào Cai đã đạt được những kết quả quan trọng, năm 2016 thu ngân sách nhà nước đạt trên 1300 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trên địa bàn hàng năm tăng trên 16,48%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, thương mại dịch vụ chiếm trên 47,6%; công nghiệp - xây dựng chiếm 49,5%; nông - lâm nghiệp chiếm 2,9%; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 100 triệu đồng cuối nhiệm kỳ.

Năm 2011, thực hiện kế hoạch "dời đô" xây dựng khu hành chính của tỉnh về phía Nam thành phố, các cơ quan tỉnh đã chuyển trụ sở làm việc về khu đô thị mới Lào Cai - Cam Đường để dành toàn bộ khu thị xã cũ cho phát triển kinh tế cửa khẩu - dịch vụ và thương mại. Thành phố với khu quảng trường mới và trung tâm hội nghị, các tòa nhà hợp khối, các khu dân cư đã đang dần hiện hữu, vươn tầm trở thành trung hành chính hiện đại, thân thiện với môi trường. Theo chủ trương của Tỉnh ủy, thành phố sẽ tiếp tục được điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính để đảm bảo đáp ứng nhu cầu phát triển, đúng quy định về diện tích, dân số các xã, phường và hội tụ đủ các điều kiện để đạt tiêu chí đô thị loại 1 vào năm 2025. Cùng với đó, phát huy lợi thế của thành phố bên con sông Hồng, thành phố đã ưu tiên nguồn lực xây dựng hạ tầng kỹ thuật hai bên bờ sông Hồng, với hệ thống đèn điện trang trí và từng bước hình thành các khu nhà ở, các siêu thị, trung tâm thương mại, các nhà hàng, khách sạn hiện đại, tạo nên một khu dịch vụ hoàn hảo cho hoạt động du lịch, vui chơi, giải trí và mua sắm. Các tuyến đường giao thông, hành lang, vỉa hè được đầu tư, nâng cấp, từng bước trồng thay thế, bổ sung quy hoạch hệ thống cây xanh, cây cảnh và các vườn hoa, đèn trang trí... với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước và nguồn xã hội hóa các doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Năm 2017, thành công ban đầu của thành phố triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý trật tự đô thị và xây dựng tuyến phố văn minh (thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU, ngày 08/3/2017 của Thành ủy), phấn đấu xây dựng có ít nhất 320 tuyến phố được công nhận là tuyến phố văn minh đô thị, tập trung xây dựng 04 tuyến phố kiểu mẫu từ đó góp phần tạo nên một thành phố “Sáng -xanh - sạch - đẹp”.

 

Thành phố Lào Cai về đêm

Cùng với phát triển hạ tầng, các cụm công nghiệp Bắc Duyên Hải, Đông Phố Mới, Sơn Mãn - Vạn Hòa với diện tích 21,7 ha, hiện có 146 cơ sở SXKD đã đi vào hoạt động ngày càng có hiệu quả, đồng thời tạo ra sức hút mạnh mẽ, tạo lòng tin để các doanh nghiệp xúc tiến, đầu tư, tạo việc làm cho người lao động trên địa bàn thành phố, cùng với các chính sách “Trải thảm đỏ” với phương châm “Doanh nghiệp phát tài, Lào Cai phát triển” đã thu hút các nhà đầu tư trực tiếp vào các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, khu thương mại. Tập trung chú trọng phát triển khu kinh tế như Kim Thành, nhất là khu vực kinh tế cửa khẩu đã được xây dựng môi trường dịch vụ đầy đủ, an toàn, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt Cửa khẩu quốc tế Lào Cai tiếp tục khẳng định được vai trò cầu nối trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, nâng kim ngạch xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai, năm 2016 đạt 2,5 tỷ USD/năm tạo nguồn thu qua cửa khẩu cao, 6 tháng đầu năm 2017 đạt 1,2 tỷ USD.

Trong sản xuất nông - lâm nghiệp và phát triển nông thôn đạt được những kết quả toàn diện, với giải pháp mở rộng diện tích tăng vụ, đưa các giống mới, có năng xuất, hiệu quả cao, thiết thực với nhu cầu thực tế, gắn sản xuất với bao tiêu sản phẩm, đặc biệt mở rộng và phát triển vùng trồng rau, củ quả an toàn, lúa đặc sản (cánh đồng 1 giống), phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung tại các xã, phường vùng ven như Vạn Hòa, Cam Đường, Thống Nhất và Đồng Tuyển, phục vụ cung ứng nhu cầu hàng hóa cho thành phố. Công tác xây dựng nông thôn mới triển khai đồng bộ, tích cực, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước còn có sự đóng góp tích cực của nhân dân trong việc hiến đất, ngày công lao động và hàng chục tỷ đồng để hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đặc biệt hoàn thành tuyến đường bê tông hóa giao thông liên thôn vùng cao Cuống - Phìn Hồ Thầu - Ú Sì Sung xã Tả Phời dài 19,7 km, kết nối 3 thôn vùng cao khó khăn, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần nhân dân vùng nông thôn, vùng cao ngày càng được nâng cao…đến nay 05 xã trên địa bàn đã được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới, các xã đang phấn hoàn thành tiêu chí xây dựng thôn kiểu mẫu.

Xác định rõ được tâm quan trọng của văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, do vậy công tác Giáo dục và Đào tạo được quan tâm thường xuyên, thành phố là đơn vị, lá cờ đầu trong toàn tỉnh và khu vực miền núi phía Bắc về chất lượng giáo dục, việc phát triển mạng lưới trường học đảm bảo phù hợp với quy hoạch và quy mô theo hướng chuẩn quốc gia, giáo dục toàn diện cho học sinh. Bên cạnh đó chất lượng giáo dục và đào tạo nâng cao một cách đồng bộ, toàn diện, năm 2016 thành phố đã tổ chức đánh giá tổng kết 3 năm thí điểm mô hình trường học mới (VNEN) và năm 2017 tiếp tục triển khai mở rộng thêm 4 trường trên địa bàn. Công tác xây dựng trường chuẩn Quốc gia được quan tâm đầu tư, đến nay đã có 45/58 trường đạt chuẩn Quốc gia chiếm tỷ lệ 77,6% góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH - HĐH đất nước và hội nhập. Giáo dục thành phố phấn đấu năm 2020 có trường đạt chuẩn Quốc tế; về công tác y tế 100% xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế. Công tác phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày càng được quan tâm, bên cạnh các bệnh viện lớn tuyến tỉnh, thì thành phố có 02 phòng khám, 01 bệnh viện đa khoa có trang bị đầy đủ phương tiện đồng bộ, hiện đại; 17 trạm y tế xã, phường và trên 56 phòng khám tư nhân với hàng trăm bác sỹ phục vụ tốt nhu cầu khám, điều trị bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân trong, ngoài thành phố và các tỉnh lân cận.

Hoạt động thông tin, tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được duy trì thường xuyên với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, với trên 200 câu lạc bộ văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao và các câu lạc bộ bản sắc sinh hoạt tại 165 nhà, điểm văn hóa xã phường, khu dân cư. Phát huy lợi thế sẵn có, các điểm di tích lịch sử văn hoá: Đền Thượng, Đền Mẫu, Chùa Cam Lộ, Đền Đôi Cô… luôn là những điểm đến của các du khách muôn phương, hàng năm thu hút hàng triệu lượt du khách đến với thành phố Lào Cai. Năm 2017, Lễ hội Đền Thượng chính thức trở thành Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia và các lễ hội truyền thống của các dân tộc được tổ chức hàng năm góp phần đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, hướng tới xây dựng thành phố Lào Cai trở thành trọng điểm du lịch của tỉnh.

Cùng với đó công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tạo môi trường tốt cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Thành phố đã có những giải pháp căn cơ đẩy lùi, không gia tăng tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, giảm các vụ trọng án. Thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn đường biên, mốc giới quốc gia. Công tác Cải cách hành chính thành phố luôn tiền phong đi đầu. Năm 2014, thành phố đã đưa hệ thống giao ban trực tuyến 3 cấp: Tỉnh, Thành phố và xã, phường đi vào hoạt động; rút ngắn, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cắt giảm 30% thời gian giải quyết 16 TTHC thuộc các lĩnh vực kinh tế, tư pháp và TNMT tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong các hoạt động giao dịch. Chất lượng bộ máy ngày càng được tinh gọn, trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ công chức, viên chức ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Công tác đối ngoại được duy trì, tăng cường và mở rộng. Thành phố Lào Cai và huyện Hà Khẩu là địa phương đầu tiên của 2 nước Việt Nam - Trung Quốc thiết lập lại quan hệ ngoại giao, là "Thành phố hợp tác Hữu nghị, hòa bình và phát triển" với chính sách mở cửa đường biên giới, mở rộng nhiều hợp tác kinh tế - xã hội hàng năm, cùng với đó thành phố cũng luôn quan tâm mở rộng quan hệ hợp tác, kết nghĩa với các tỉnh thành trong nước (Gio Linh tỉnh Quảng Trị, quận Hoàn Kiếm - thành phố Hà Nội; quận Hải Châu - thành phố Đà Nẵng; thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái) bước đầu thành phố Lào Cai và các địa phương đã có sự liên kết trong hợp tác, trào đổi kinh nghiệm, giúp đỡ cùng phát triển trên các lĩnh vực.

Thành phố Lào Cai đang có trong tay "Những cơ hội vàng" khi đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cáp treo Fansipan, khu kinh tế cửa khẩu và các dự án quan trọng khác đang đưa vào khai thác sử dụng, sẽ là tiền đề quan trọng để thành phố vững chắc phát triển. Dựa trên những tiềm năng, thế mạnh có thể khẳng định rằng, thành phố Lào Cai có đủ niềm tin và động lực để bước vào một chặng đường mới, tăng tốc nhanh hơn, bền vững hơn, tương lai thực sự trở thành một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, một đô thị kiểu mẫu khu vực Tây Bắc của Tổ quốc./.

Lê Quang Minh - Chủ tịch UBND thành phố Lào Cai



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1