image banner
Những cây cầu bắc qua sông Hồng trên địa bàn thành phố Lào Cai

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Lào Cai đang có 6 cây cầu bắc qua sông Hồng. Những cây cầu này đã và đang đóng một vai trò quan trọng trong việc kết nối giao thông, phát triển kinh tế, thậm chí còn là những biểu tượng trong lòng của người dân Lào Cai.

anh tin bai

1.Cầu Cốc Lếu: Cầu Cốc Lếu được thực dân Pháp xây dựng lần đầu tiên vào năm 1907, đây là cây cầu thứ 2 được người Pháp xây dựng bắc qua sông Hồng (sau cầu Long Biên). Sau đó, chính người Pháp đã phá sập cây cầu này trước khi rút khỏi Lào Cai trong Chiến tranh Đông Dương. Cuối thập niên 1950, với sự giúp đỡ của Liên Xô, Việt Nam đã xây dựng lại cầu Cốc Lếu ở vị trí cũ. Cây cầu này có mặt đường bê tông cho phép xe tải nhẹ đi qua. Tuy nhiên, trong chiến tranh biên giới năm 1979, cầu lại bị phá sập. Một thời gian dài sau đó, giao thông hai bờ sông Hồng tại thị xã Lào Cai phải phụ thuộc vào những chuyến phà. Đến năm 1992, sau khi tái lập thị xã tỉnh lỵ, cây cầu lần thứ ba được xây dựng. Cầu được hoàn thành vào năm 1994, có thiết kế như cây cầu Cốc Lếu thứ hai. Năm 2009, cầu Cốc Lếu lại được khởi công xây mới. Cầu Cốc Lếu hiện tại có thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép dự ứng lực, gồm 2 mố, 4 trụ, dài 250 m, rộng 16 m, đáp ứng bốn làn xe lưu thông. Công trình có tổng mức đầu tư trên 110 tỷ đồng. Cầu Cốc Lếu qua 4 lần xây dựng, vẫn trên vị trí cách đây 115 năm, nối hai bờ sông Hồng.

anh tin bai

Chú thích ảnh

 


2.Cầu Phố Mới: Ngày 12/7/2002, cầu Phố Mới được khánh thành đưa vào sử dụng. Cầu bắc qua sông Hồng nối liền phía Đông và phía Tây thành phố Lào Cai, nằm trên Quốc lộ 4D, cách cầu Cốc Lếu 2,5 km về phía hạ lưu, có chiều dài là 276 m bề rộng mặt cầu là 10,25 m, với tổng giá trị đầu tư xây dựng gần 59 tỷ đồng. Cây cầu có vị trí quan trọng góp phần phát triển kinh tế phía Đông và phía Tây thành phố với Ga Quốc tế Lào Cai và khu công nghiệp Đông Phố Mới, với khu kinh tế cửa khẩu và khu du lịch tâm linh Đền Cấm, Đền Thượng, Đền Mẫu.

anh tin bai

Lễ cắt băng khánh thành cầu đường bộ Kim Thành nối Việt Nam - Trung Quốc.

3.Cầu Kim Thành: Ngày 1/9/2009, cầu đường Kim Thành (thành  phố Lào Cai, Việt Nam) nối Khu khai phát Bắc Sơn (thị trấn Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) đã chính thức thông xe. Cầu đường bộ Kim Thành được thiết kế hiện đại với chiều dài 280m, rộng 21,5m, 5 trụ chính và trụ cầu tạo dáng hình chữ V trông rất vững chắc. Lòng cầu thiết kế đảm bảo 4 làn xe chạy hai chiều. Cầu nằm trên trục đường cao tốc Hà Nội- Lào Cai (Việt Nam) nối liền với đường cao tốc Hà Khẩu- Mông Tự- Côn Minh (Trung Quốc). Cầu hoàn thành trong tổng thời gian 3 năm do các kiến trúc sư, cán bộ kỹ thuật của ngành giao thông vận tải Việt Nam và Trung Quốc cùng phối hợp thiết kế xây dựng. Tổng giá trị đầu tư khoảng hơn 10 triệu USD.

anh tin bai

4.Cầu Giang Đông: Năm 2015, cầu đường bộ Giang Đông được khánh thành. Công trình cầu đường bộ Giang Đông hoàn thành sau gần 21 tháng thi công liên tục. Cầu Giang Đông được thiết kế bê tông cốt thép và bê tông dự ứng lực, đạt tải trọng HL93, chịu được động đất cấp 7, mặt cầu rộng 14 m, kết cấu 6 nhịp cầu, trong đó có 3 nhịp liên tục được thi công bằng công nghệ dầm hộp đúc hẫng cân bằng. Phần đường hai đầu cầu được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị theo quy hoạch được UBND tỉnh Lào Cai phê duyệt. Mặt đường được kết cấu thảm bê tông nhựa trên lớp móng cấp phối đá dăm đảm bảo cường độ yêu cầu.

anh tin bai

5.Cầu Làng Giàng: Năm 2020, cầu Làng Giàng được xây dựng. Cầu Làng Giàng được thiết kế, xây dựng vĩnh cửu, với kết cấu bê-tông cốt thép dự ứng lực, chịu được động đất cấp 7. Tổng chiều dài cầu là 438m, rộng 11m,  gồm bảy nhịp, trong đó có ba nhịp chính được thi công bằng công nghệ  đúc hẫng cân bằng. Đặc biệt, cầu Làng Giàng có nhịp thông thuyền có chiều dài 120m, là cầu có nhịp dài nhất vượt sông Hồng ở Lào Cai hiện nay.

anh tin bai

Phối cảnh cầu Phú Thịnh

6.Cầu Phú Thịnh: Được khởi công từ năm 2022, sau hơn 1 năm thi công, ngày 28/12/2023, cầu Phú Thịnh đã chính thức hợp long. Phương án kiến trúc cầu Phú Thịnh được lấy ý tưởng từ dãy Ngũ Chỉ Sơn (5 ngọn núi, được coi là đệ nhất hùng sơn Tây Bắc thuộc dãy Hoàng Liên Sơn) và đỉnh Fansipan. Kết cấu vòm thép 5 nhịp cầu mô phỏng 5 đỉnh núi, tượng trưng cho dãy núi Ngũ Chỉ Sơn. Cầu được xây dựng bằng bê tông cốt thép, bê tông cốt thép dự ứng lực và thép, chịu được động đất cấp 7. Cây cầu có tổng chiều dài 250,2 m, gồm 5 nhịp, trong đó, các nhịp là dầm liên tục bằng bê tông cốt thép dự ứng lực thi công theo phương pháp đúc hẫng cân bằng và đúc tại chỗ. Công trình có tổng mức đầu tư 450 tỷ đồng và sau khi hoàn thành, sẽ góp phần khai thác hiệu quả quỹ đất phía tả ngạn sông Hồng, mở rộng không gian đô thị dọc sông Hồng theo định hướng của tỉnh Lào Cai.

Kim Hoàn Trung tâm Văn hoá, thể thao – TT thành phố Lào Cai
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1