Đó là đền Thượng, đền Đôi Cô Cam Đường, đền Quan, đền Cấm và đền Ngòi Bo. Trong bài viết trước tôi đã giới thiệu đền Thượng là một trong những đền nổi tiếng trên thượng nguồn sông Hồng được hàng triệu du khách thăm viếng hành năm.
Nay xin giới thiệu đôi nét về 4 ngôi đền còn lại của thành phố Lào Cai đang được rất đông người tới thăm viếng dịp đầu xuân Ất Tỵ 2025, nhất là ngày nghỉ cuối tuần.
Khu vực lễ giỗ 5 vị quan binh nhà Trần trong khuôn viên đền Cấm thành phố Lào Cai.
ĐỀN ĐÔI CÔ CAM ĐƯỜNG
Đền Đôi Cô ở phường Bình Minh, thành phố Lào Cai là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh được rất đông du khách ngoại tỉnh tới thăm viếng.
Đền Đôi Cô tọa lạc ở một vị trí khá đẹp tại phía nam thành Phố Lào Cai.
Phía trước là dòng suối trong xanh dựa lưng vào gò đồi đất lớn, đền Đôi Cô còn được người dân gọi với tên gọi khác đó là đền “Cô Đôi” Cam Đường.
Ngôi đền đã tồn tại cách ngày nay hàng trăm năm được gắn liền với nhiều truyền thuyết xưa kia ở vùng này có 2 người con gái còn rất trẻ tuổi độ đôi mươi quê từ làng Đình Bảng tỉnh Bắc Ninh lên buôn bán vải.
Hai cô gái thường ngủ lại khu làng Chiềng On để buôn bán trao đổi vải lấy các sản phẩm khác đem về xuôi, tình cảm của dân làng với các cô ngày càng gắn bó. Rồi một ngày dân làng Chiềng bỗng phát hiện thấy thi thể hai cô gái trôi dạt từ thượng nguồn dòng suối Cửa Ngòi về làng.
Truyền thuyết kể rằng chính hai cô gái trẻ đó là người thường xuyên vận chuyển hàng hóa vải vóc lên vùng Lào Cai tiếp tế quân sỹ của ta chống giặc ngoại xâm ở vùng biên ải.
Hai cô bị quân giặc phát hiện và đã sát hại dã man rồi ném thi thể xuống suối và đã trôi dạt về làng Chiềng On.
Để tỏ lòng biết ơn 2 cô gái hết lòng vì quân sỹ chống giặc ngoại xâm mà hy sinh, người dân làng Chiềng lập miếu thờ hai cô.
Từ đó, dân làng làm ăn phát đạt, mùa màng bội thu...tiếng lành đồn xa không những người dân địa phương mà cả du khách khắp mọi miền cũng về đây thắp hương tưởng nhớ hai cô gái ở đền Đôi Cô. Ngày lễ chính của đền Đôi Cô tổ chức vào ngày 13 tháng 9 (âm lịch) hàng năm.
ĐỀN VẠN HÒA
Đền Vạn Hòa tọa lạc tại thôn Cánh Chín, xã Vạn Hòa, thành phố Lào Cai, hướng trông ra sông Hồng – dòng sông Mẹ của văn hóa, văn minh Việt Nam, đền Vạn Hòa là nơi ghi dấu chặng đường hành quân của quân đội nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông – Nguyên thế kỷ XIII, khi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn được giao trọng trách thống lĩnh lực lượng phòng ngự biên cương.
Về sự kiện này, Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Đinh Tỵ [1257], tháng 9, xuống chiếu, lệnh tả hữu tướng quân đem quân thủy bộ ra ngăn giữ biên giới, theo sự tiết chế của Quốc Tuấn”. Trong câu chuyện của các bậc lão niên trong vùng, khi “Đức Thánh Trần lên đây dẹp giặc phương Bắc, ngài đã dừng chân nghỉ tại Vạn Hòa một đêm”. Chính tại nơi ấy, vì trân trọng dấu tích của người xưa và để tưởng nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, nhân dân địa phương đã dựng đền, đời nối đời phụng thờ Quốc công tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn.
Hằng năm, tại đền Vạn Hòa diễn ra hai dịp lễ quan trọng: Lễ hội đền Vạn Hòa (ngày 8 tháng Giêng âm lịch) và Lễ tưởng niệm ngày mất của Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (ngày 20 tháng 8 âm lịch).
Đền Vạn Hòa được xếp hạng Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh năm 2017.
Đền Vạn Hòa thành phố Lào Cai ở vị trí đẹp nhìn thẳng ra dòng sông Hồng được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
ĐỀN CẤM
Đền Cấm nằm ở phía sau ga Lào Cai, ngôi đền được tọa lạc dưới chân quả đồi thấp, xung quanh cây trái tốt tươi, trước đền là 3 cây cổ thụ: cây si, cây mít và cây ngọc lan tỏa bóng mát cho đền tạo nên cảnh quan rất lý tưởng.
Ngôi đền được xây dựng và tồn tại cách đây gần 200 năm nay gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam nói chung và đồng bào các dân tộc Lào Cai nói riêng.
Ngôi đền có truyền thuyết gắn liền với công cuộc 3 lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông dưới sự chỉ huy của vua nhà Trần đó là vị tướng quốc Trần Quốc Tuấn - người được phong hiệu “Vạn cổ anh linh Thượng đẳng phúc thần”.
Tương truyền rằng, năm 1257 Trần Quốc Tuấn hành quân lên biên giới chỉ huy quân phòng thủ chống quân xâm lược Mông Cổ (Thế kỷ XIII) có rất nhiều tướng lĩnh đã ngã xuống vùng đất nơi biên cương này.
Đền Cấm được xây dựng để tưởng nhớ 5 binh sĩ nhà Trần (không rõ tên tuổi). Hồi đó khu vực ga Lào Cai ngày nay là một cánh rừng nguyên sinh rậm rạp, trong một lần thị sát và chỉ huy phòng thủ biên giới (khoảng năm 1257), tướng Trần Quốc Tuấn đã chọn địa điểm ngôi Đền Cấm bây giờ làm trạm quân y tuyến 2 trong phòng thủ biên giới.
Sau đó trong các trận chiến đấu, thương binh được đưa về chữa trị dưới cánh rừng này, người dân bản địa lúc đó là người Việt, người Tày và người Giáy cũng đưa người ốm đau vào nhờ quân y chăm sóc giúp.
Rồi có chuyện ly kỳ xảy ra đó là: đêm đêm có một thiếu nữ mặc váy áo màu xanh đến chữa thuốc cho mọi người, thiếu nữ chữa rất giỏi, ai được dùng thuốc đều khỏe mạnh, nhưng thầy thuốc thần kỳ chỉ xuất hiện vào ban đêm còn ban ngày không thấy xuất hiện.
Tìm hiểu bản xứ, người dân cho biết không có con em nhà ai ở vùng này như vậy, sau đó người dân và quan binh đều tin rằng đó là hiển linh của Thánh Mẫu thượng ngàn giúp quan quân và nhân dân giữ nước.
Ngay dưới Phương Đình bên cây mít cổ thụ này là 5 ngôi mộ của những quan binh đã xả thân vì nghĩa lớn. Đền Cấm nằm ở vị trí trung tâm cánh rừng xưa, trước đây là một ngôi miếu nhỏ do quan binh và dân làng cùng nhau tạo tác, sau đó được chính thức khởi công xây dựng thành ngôi đền từ thế kỷ XVI, sau bao thăng trầm vẫn giữ được một số sắc phong và cây mít cổ thụ.
Ngày nay, đền đã được trùng tu khang trang, to đẹp gồm 2 phần là tòa đại bái và hậu cung.
Đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng dân gian không những của người dân thành phố mà cả du khách thập phương, tô đẹp thêm truyền thuyết xưa - truyền thuyết về tình nghĩa quân dân nơi biên giới. Đền Cấm tổ chức lễ hội chính vào ngày thìn tháng bảy (âm lịch) hàng năm, làm lễ giỗ cho 5 vị binh sĩ nhà Trần.
Ngày 27/12/2001 Đền Cấm thành phố Lào Cai được công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia.
Khu mộ phần tập thể của 5 quan binh nhà Trần hy sinh trong chiến đấu được người dân địa phương an táng trong khuôn viên đền Cấm.
ĐỀN QUAN
Đền Quan tọa lạc tại phường Lào Cai, thành phố Lào Cai là nơi ghi dấu cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông – Nguyên thế kỷ XIII.
Tương truyền, vị trí dựng đền chính là nơi đặt trại giám quân của quân đội nhà Trần trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại ấy.
Theo dòng thời gian, với sự đan bện giữa ký ức lịch sử, những suy tưởng mang tính huyền thoại và những khát vọng hiện thế, ngôi đền trở thành nơi thờ vọng Quan Đệ nhị Giám sát – một hình tượng huyền thoại, vị thánh linh thiêng trong thần điện tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ của người Việt.
Theo các bản văn chầu:
“Vốn xưa ông ở thiên đình
Con vua Thượng Đế giáng mình dương gian
Dù ai có lệnh kêu van
Khấn ông Đệ nhị thọ khang yên lành
Thiên tư chính trực thông minh
Giáng đền giáng phủ anh linh muôn phần
Chữ rằng Thánh giáng lưu ân
Đa tài đa lộc thiên xuân thọ trường”.
Tương truyền, ngày 11 tháng 11 âm lịch là ngày chính Tiệc của Ngài. Vào dịp này hằng năm, các thanh đồng, đạo quan, những người mến mộ tín ngưỡng Tam phủ, Tứ phủ cùng nhân dân và du khách muôn nơi lại tìm về những nơi đền, phủ, điện thờ để kính dâng lên Ngài nén tâm hương, cúi mong sự chở che, phù trợ của Ngài.
Đền Quan thành phố Lào Cai được xếp hạng Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh năm 2015.
Cây đa trăm tuổi ở cổng đền Quan thành phố Lào Cai được công nhân là Cây di sản Việt Nam.
ĐỀN NGÒI BO
Đền Ngòi Bo ở xã Thống Nhất, thành phố Lào Cai. Hướng trông ra ngã ba sông nơi giao thủy của suối Ngòi Bo và sông Hồng.
Ngôi đền là nơi thờ phụng Tản Viên Sơn Thánh – một trong Tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt, “là vị thần linh thiêng bậc nhất của trời Nam.
Theo lời kể của các bậc lão niên, những người quê gốc miền xuôi trong thôn khi đến đây và gắn bó với vùng đất này đã dựng miếu, đền thờ phụng Đức Thánh Tản Viên – vị Thánh được tôn thờ ở khắp vùng trung du và châu thổ Bắc Bộ với niềm tin kiên thành vào sự phù hộ, che chở của Ngài.
Sự tin tưởng ấy chính là bệ đỡ, là điểm tựa tinh thần của những người con xa quê trên bước đường tạo dựng cuộc sống ở miền đất mới trên thượng ngồn sông Hồng, đồng thời là sự nhắc nhớ, sự duy trì ký ức về quê hương bản quán, về nguồn cội cha ông.
Lễ hội đền Ngòi Bo diễn ra vào ngày 11 tháng Giêng hằng năm.
Đền Ngòi Bo được xếp hạng Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh năm 2016.
Đền Ngòi Bo ở xã Gia Phú trước kia nay thộc xã Thống Nhất, thành phố Lào Cai được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Phong cảnh sơn thủy hữu tình của đền Bo hấp dẫn du khách tới thăm