Giữa tháng Giêng năm 1947, đúng vào thời điểm Lào Cai mới giành chính quyền từ tay bọn Quốc dân đảng phản động chưa đầy một trăm ngày; lúc mà thực dân Pháp ở Phong Thổ đang rục rịch tiến đánh ta từ phía Tây tỉnh; lúc lực lượng thổ ty, tàn dư cố thủ nhất của chế độ phong kiến và thực dân để lại đang tìm mọi cách bắt liên lạc và sẵn sàng bắt tay với quan thầy nhằm chống lại chính quyền non trẻ, cộng vào đó các tệ nạn xã hội cũ cũng như các toán phỉ vũ trang, bọn đặc vụ Tưởng vừa lén lút, vừa công khai hoạt động làm cho tình hình an ninh, trật tự xã hội ở nơi đây đã phức tạp lại càng phức tạp; giữa lúc cả vùng như chảo nước đương sôi trên bếp lửa thì có một cô gái nhỏ nhắn, dáng dấp của người thị thành đã leo lên chuyến tàu cuối cùng đi ngược từ Phố Lu lên Lào Cai. Người đó là Nguyễn Thị Xuân An, người con gái Hà Nội tham gia kháng chiến và được Khu Việt Bắc điều động tăng cường cho Lào Cai. Chị đã một mình đã lội bộ ròng rã mười lăm ngày từ chiến khu Việt Bắc, qua các tỉnh Thái nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái để đến với thị xã đầu nguồn của con sông Hồng.
Chị An lên nhận công tác ở Lào Cai lúc mà cả tỉnh chỉ có hơn năm mươi cán bộ (trong đó chỉ có mười ba đảng viên chính thức và 12 đảng viên dự bị). Sự có mặt của người đảng viên lớn lên từ phong trào làm cho tỉnh ủy lâm thời lúc đó như “vớ được vàng”. Lập tức chị An được điều động xuống phụ trách thị xã Lào Cai, nơi còn trắng đảng viên, các phong trào mới nhen nhúm, cán bộ được phân công về còn non về kinh nghiệm, ít am hiểu phong tục, tập quán các dân tộc.
Là người lần đầu tiên tới nơi rừng núi xa xôi, chưa nắm được địa hình, địa vật, dân tình, song với chút ít kinh nghiệm làm công tác quần chúng ở Hà Nội, chị An đã vận dụng ngay vào tình hình thực tế của thị xã Lào Cai lúc đó. Thực hiện chủ trương của tỉnh ủy: “… vừa tranh thủ nắm tầng lớp trên, vừa xây dựng cơ sở quần chúng cơ bản”, chị An đã cùng các cán bộ xuống dân, thực hiện ba cùng để gây dựng phong trào. Khó khăn nhất của ta lúc đó là tổ chức chính quyền ở các khu mới hình thành, thiếu cán bộ nòng cốt, mọi việc gần như bắt đầu từ con số không. Trong khi đó bọn Quốc dân đảng phản động trước đây bắt ép mọi người đi theo chúng, làm cho trong dân khó phân biệt được ai tốt, ai xấu, ai theo ta thật lòng, ai lừng chừng, ai phản động. Song với lòng nhiệt thành của người cán bộ cách mạng, chị An đã lăn lộn xuống từng tiểu khu, từng thôn bản, từng gia đình giải thích chủ trương kháng chiến của Đảng, vận động mọi người tham gia các đoàn thể cứu quốc, xây dựng chính quyền...
Sau mấy tháng vận động, gây dựng cơ sở, tình hình của thị xã đã dần ổn định và phát triển theo hướng có lợi cho phong trào. Theo đà trên, chị An đã lựa chọn được 15 quần chúng ưu tú và xin phép tỉnh ủy cho mở lớp bồi dưỡng Sơ giải cộng sản. Đây là một việc làm mới mẻ, táo bạo. Bản thân chị An sinh ra trong một gia đình nghèo, bố mẹ không may mất sớm, chị được gia đình người bác ruột đưa về nuôi nấng, dạy dỗ. Tuy được cưu mang đùm bọc trong vòng tay của gia đình mới, song cũng là cảnh nhà nghèo, nên cả tuổi thơ chị An phải lăn lộn kiếm sống, không được cắp sách tới trường. Tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, chị An hăng hái tham gia phong trào Việt Minh. Công việc, cuộc sống đòi hỏi chị phải vươn lên, song những kiến thức học được ở trường đời, trường cách mạng còn quá mỏng để tự mình tổ chức một lớp lý luận. Vì yêu cầu cấp bách của phong trào, vì đòi hỏi của anh chị em cốt cán chị vẫn quyết tâm mở lớp. Sau mười lăm ngày học tập, trong không khí thân tình, trân trọng lẫn nhau, biết đâu nói đó, chị An đã truyền cho 15 thanh niên trẻ bầu nhiệt huyết cách mạng và những kinh nghiệm xương máu trong công tác quần chúng. Từ lớp học này 15 người đã tỏa ra các khu phố, thôn bản, tạo nên sức sống mới cho các phong trào, như củng cố chính quyền, bình dân học vụ, thanh niên tòng quân, xây dựng tổ chức dân quân du kích, tổ chức hũ gạo kháng chiến…
Tình hình chiến sự ở Lào Cai ngày càng nóng bỏng. Cuối tháng 9/1947, với sự phối hợp của bọn thổ ty phản động, thực dân Pháp mở cuộc tiến công Lào Cai từ phía Tây qua hai mũi, một theo hướng Nậm Xe- Đèo Mây, một theo hướng Bình Lư – Sa Pa. Ta đã chặn địch quyết liệt, song trước lực lượng địch quá mạnh, các trận địa phòng ngự bị tan vỡ, chúng lần lượt chiếm Sa Pa, Bát Xát, đầu tháng 10 chúng tiến công thị xã Lào Cai. Chốt giữ thị xã lúc này chỉ có tiểu đoàn cảnh vệ và dân quân du kích. Hai đơn vị này đã chiến đấu ngoan cường, cầm chân địch được gần nửa tháng, đảm bảo cho nhân dân và các cơ quan của tỉnh sơ tán an toàn.
Sau khi chỉ huy du kích chặn địch trận cuối cùng và rút lui về Phố Lu, chị An được cấp trên điều về chiến khu Việt Bắc học chính trị. Tuy ở xa Lào Cai, nhưng mảnh đất đầu sóng ngọn gió vẫn canh cánh trong lòng chị. Trong chiến dịch Biên giới năm 1950, chị đã xin bằng được cấp trên cho trở lại nơi mình đã từng họat động. Nguyện vọng của chị được chấp thuận, trong đoàn quân tiến về giải phóng Lào Cai ngày đó có mặt chị. Và cũng từ đó cho đến khi tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi miền Bắc, với trách nhiệm Trưởng ban cán sự Đảng của thị xã, chị An đã đồng cam, cộng khổ, cùng với cán bộ, chiến sỹ, đồng bào thị xã Lào Cai đập tan âm mưu xâm chiếm và gây phỉ của thực dân Pháp, giữ vững bình yên cho nhân dân.
Cuối năm 1954, chị An được điều về Hà Nội, được đi học, được Đảng, Nhà nước giao cho nhiều trọng trách quan trọng, như Phó Chánh án, Thẩm phán tòa án nhân dân tối cao… Trong quãng đời họat động cách mạng của mình, chị An có nhiều dấu ấn tốt đẹp, nhưng có lẽ dấu ấn tốt đẹp nhất là chị đã dành cả tuổi trẻ của mình cho công cuộc xây dựng và bảo vệ thị xã biên cương của đất nước.