image banner
Hành trình Lào Cai từ thị tộc nguyên thủy đến đô thị sầm uất
Thành phố Lào Cai, Thành phố duy nhất ở Việt Nam nằm ngay đường biên giới, Thành phố Lào Cai có lịch sử hàng nghìn năm phát triển với nhiều thành tựu rực rỡ, tô đậm mốc son trên bản đồ Việt Nam.

I. Từ điểm quần cư người nguyên thuỷ đến trung tâm quê hương của An Dương Vương.

 

Con người xuất hiện tại Lào Cai từ bao giờ? Đây là câu hỏi lớn, không dễ trả lời đối với các nhà sử học. Vào cuối thập kỷ 70 đầu thập kỷ 80 các nhà khảo cổ học đã liên tiếp phát hiện 3 di tích đồ đá cũ ở Cầu Đen, Đồi Công nghiệp và khu Vĩ Kim. Các công cụ cũ phát hiện tại đây gồm các công cụ mũi nhọn, công cụ rìu lưỡi ngang, lưỡi dọc, một số công cụ gần giống với rìu tay to. Những công cụ này là những công cụ thời kỳ đồ đá cũ, niên đại xấp xỉ 3 vạn năm. Đây là vết tích văn hoá xưa nhất được tìm thấy ở Lào Cai. Người nguyên thuỷ cư trú ở các hang động dần dần ra khai phá vùng gò đồi ven sông Hồng. Điểm Vĩ Kim tìm thấy số lượng công cụ khá tập trung, chứng tỏ ở đây đã xuất hiện các thị tộc nguyên thuỷ sống quây quần bên nhau. Nhờ môi trường sống ven sông đa dạng phong phú động thực vật nên người nguyên thuỷ ở Lào Cai chủ yếu sống bằng phương thức săn bắn hái lượm. Đến thời hậu kỳ đồ đá mới và sơ kỳ thời đại kim khí ở Lào Cai cũng phát hiện một số hiện vật đồ đá mài, rìu, bôn và nhiều mảnh gốm. Nhưng vào thời kỳ đó cư dân rất thưa thớt nên dấu tích khảo cổ học phát hiện còn rất ít.

 

Nhưng thật bất ngờ, vào thời văn hoá Đông Sơn, thủa các vua Hùng dựng nước, các di tích phát hiện được rất nhiều, mật độ dầy đặc. Trên bờ hữu ngạn sông Hồng phát hiện tới 13 điểm di tích Đông Sơn như khu vực sân bay, Pắc Ta, Cốc Lếu, đồi Thuỷ Tinh, dãy đồi ven đường Ngô Quyền (có 5 cụm di tích), trường Dân tộc Nội trú, thôn Phú Thịnh, khu Trại Mới, thôn làng Hẻo. Đặc biệt suốt dọc hữu ngạn sông Hồng từ đồi Thuỷ Tinh đến khu vực sân bay, cứ bình quân 300 m lại phát hiện một di tích.

 

Nghiên cứu các hiện vật văn hoá Đông Sơn được tìm thấy, thị xã Lào Cai thực sự trở thành một trung tâm của một bộ tộc lớn. Ở thời kỳ này, kinh tế phát triển khá mạnh với các ngành luyện kim, chế tác gốm và hái lượm. Trong nghề luyện kim, bên cạnh việc người dân đã sử dụng cuốc đồng, rìu đồng canh tác, họ còn chế tác được các lưỡi cày khá tinh xảo. Trên địa bàn tìm thấy 3 lưỡi cày gồm 2 loại khác nhau: có loại hình tam giác cân, rìu cạnh cong lồi, sống nổi cao, mỏm cày rộng từ 6 cm đến 8 cm, lưỡi cày dài 21,5 cm. Loại cày thứ hai dài hơn là loại lưỡi cày hình tim, lưỡi cày có họng to, nổi cao, có chốt hõm ở khoảng giữa họng, lưỡi cày dài 26 cm, rộng 20 cm. Căn cứ vào hình dáng, kích thước và cấu tạo họng, vết mòn ở công cụ, các nhà khảo cổ học cho rằng đây là những lưỡi cày tiêu biểu với công dụng rẽ đất và lật đất liên tục bằng lực kéo. Như vậy khả năng nền nông nghiệp dùng cày nhờ sức kéo của trâu, bò đã xuất hiện ở Lào Cai khá sớm.

 

Như vậy thời các Vua Hùng dựng nước và thời An Dương Vương, Lào Cai là một trung tâm của một bộ tộc lớn. Nhiều nhà khoa học cho rằng Lào Cai chính là trung tâm của bộ tộc Tây Âu An Dương Vương Thục Phán đứng đầu. Liên Minh Tây Âu với trung tâm ở Lào Cai vốn là một bộ của nước Văn Lang song đã phát triển lên, trở thành một bộ tộc hùng mạnh. Từ Lào Cai, Yên Bái, Thục Phán mới kéo quân về Phong Châu (Phú Thọ) sát nhập với Văn Lang của Hùng Vương, lập nên Nhà nước Âu Lạc đóng đô ở thành Cổ Loa(1). Ngay từ thời bình minh lịch sử dựng nước, Lào Cai đã là một trung tâm kinh tế văn hoá chính trị lớn của toàn vùng. Từ trung tâm này, sự giao lưu kinh tế văn hoá đã phát triển mạnh lên vương quốc Điền (Côn Minh) phía Bắc đến cả Thân độc (Trủ Độ) phía Tây và qua con đường sông Hồng, sự giao lưu giữa Tây Âu của An Dương Vương Thục Phán với trung tâm Văn Lang của Hùng Vương diễn ra mạnh mẽ.

II. Từ cửa ngõ chặn Nguyên Mông đến cửa khẩu lớn thứ ba toàn quốc
 

Trong thời kỳ Bắc Thuộc, vùng đất Lào Cai thuộc châu Ki Mi của phong kiến phương Bắc, thời nhà Tấn nhà Đường, Lào Cai thuộc địa phận châu Đan Đường (Cam Đường). Thời kỳ này, Lào Cai được xác định như vùng cửa ngõ nối liền Giao Chỉ (Bắc Bộ) với các quốc gia vùng Tây Nam Trung Quốc. Giao thông dọc sông Hồng được mở mang trở thành tuyến huyết mạch nối liền vùng Vân Nam với Giao Chỉ (Bắc Bộ). Trong sách Tấn Thư (quyển 57) có ghi lời tấu của Đào Hoàng lên vua Tấn: “Miền Hưng Cổ thuộc Ninh Châu (Vân Nam) ở mạn thượng lưu Giao Chỉ (vùng Lào Cai - Yên Bái), đường thuỷ, đường bộ đều thông, bảo vệ lẫn nhau”. Đầu thế kỷ thứ 9, Giả Đam - viên tể tướng thời Đức Tông (niên hiệu Trinh Nguyên) nhà Đường có ghi: “ An Nam qua Thái Bình Giao Chỉ hơn một trăn dặm đến Phong Châu, lại qua Nam Điền 130 dặm đến huyện Trung Thành Châu, lại đi 200 dặm đến Đa Lợi Châu (vùng Hưng Khánh Trấn Yên), lại đi 300 dặm đến Chu Quý Châu (Văn Bàn), đi tiếp 400 dặm đến Đan Đường Châu (Cam Đường)”. Như vậy ngay từ thời Bắc thuộc, đường giao thông thuỷ bộ nối ngay liền Lào Cai với đồng bằng Bắc Bộ đã phát triển. Từ Lào Cai theo đường thuỷ ngược lên phía Bắc có thể tới được Ích Châu (Côn Minh), Thục (Tứ Xuyên) Trung Quốc. Nếu xuôi đường thuỷ sẽ về Bạch Hạc, đến Tống Bình (Hà Nội). Đường bộ tại Lào Cai đi Tống Bình (Hà Nội) chỉ khoảng nửa tháng. Với điều kiện giao thông và vị trí địa lý thuận lợi như vậy, Lào Cai trở thành một trung tâm chiến lược rất quan trọng cả trong lĩnh vực kinh tế cũng như quân sự. Từ Lào Cai có thể tiến, có thể lui, đường bộ và đường thuỷ đều thông, bảo vệ lẫn nhau. Chính vì vậy, từ thời nhà Tống, phong kiến phương Bắc 8 lần tấn công nước ta thì có tới 6 lần chúng hành quân qua ngả Lào Cai. Người dân Lào Cai cùng cả nước kiên cường chống giặc ngoại xâm. Nổi bật là chiến thắng quân Nguyên, Mông xâm lược.

 

Năm 1253, Hốt Tốt Liệt và Ngột Lương Hợp Thai vượt sông Kim Sa đánh chiếm nước Đại Lý (một quốc gia ở vùng Vân Nam). Đến năm 1256 toàn bộ vùng Vân Nam bị quân Nguyên chia thành phủ huyện và đặt dưới ách cai trị của đế quốc Mông Cổ. Kẻ thù đã áp sát vùng Thuỷ Vĩ - Quy Hoá (Lào Cai), chúng nhiều lần phái quân do thám giả danh lái buôn thâm nhập vào Lào Cai. Quân dân vùng Lào Cai vừa nêu cao cảnh giác vừa cấp báo triều đình chuẩn bị kháng chiến. Tháng 9 năm Đinh Tỵ (tháng 10 năm 1257), vua Trần Thái Tông hạ chiếu cho tả hữu tướng quân đem binh thuỷ bộ lên phòng giữ biên giới. Trần Quốc Tuấn một tướng trẻ mới 26 tuổi đã được cử giữ chức Tiết chế (tổng chỉ huy) đội quân này. Ông ngược sông Thao, cùng đội thuỷ quân lên Thuỷ Vĩ Lào Cai. Đội quân bộ cũng vượt núi, xuyên rừng hành quân lên biên ải. Trước thế giặc mạnh đang ùn ùn kéo quân đến Khai Viễn, Mông Tự, Trần Quốc Tuấn chủ trương tăng cường xây dựng lực lượng dân binh, xây dựng hệ thống báo hiệu, cảnh giới. Hệ thống đài hoả điện từ Lào Cai về Yên Bái, Phú Thọ được xây dựng. Các đội dân binh tăng cường luyện tập chiến thuật đánh du kích theo phương châm Trần Quốc Tuấn đề ra: “Lấy nhàn chờ nhọc, đoạt nhuệ khí của giặc trước, phá giặc tất được”. Nhờ chủ trương đúng đắn, đội quân địa phương và dân binh vùng Quy Hoá trở thành lực lượng thiện chiến, giỏi đánh du kích. Cuối tháng 11, quân Nguyên ồ ạt kéo vào vùng Thuỷ Vĩ (Lào Cai). Quân triều đình vừa chặn đánh giặc vừa rút lui bảo toàn lực lượng. Các đội dân binh thường xuyên phục kích, đánh tập hậu. Vì vậy mãi đến ngày 12 tháng chạp (17/1/1258), Ngột Lương Hợp Thái chỉ huy quân Nguyên mới về Bình Lệ Nguyên (Mê Linh - Vĩnh Phúc ngày nay). Ngày 24 tháng chạp, quân Nguyên - Mông bị quân nhà Trần đánh bại ở Đông Bộ Đầu bèn rút chạy theo đường sông Hồng lên biên giới. Chúng liên tiếp bị dân binh Quy Hoá (có dân binh Lào Cai) chặn đánh quyết liệt. Chúng phải giả dân thường, nhịn đói nhịn khát rút chạy khỏi biên cương. Truyền thống đánh du kích, tập kích, tập hậu giặc Nguyên Mông còn được quân dân Quy Hoá phát huy cả ở các cuộc kháng chiến lần sau.

 

Trong suốt 9 thế kỷ, từ thế kỷ thứ 10 đến cuối thế kỷ 19, vùng đất Lào Cai - vùng biên ải xa xôi của Tổ quốc dần dần được dựng xây phát triển .

Vùng trung tâm bộ tộc Tây Ân – quê hương của An Dương Vương cổ xưa luôn thăng trầm theo lịch sử. Sử liệu thời kỳ này hầu như không có nên khó có thể dựng lại bộ mặt của vùng trung tâm Lào Cai . Nhưng đến thời Lê Trung Hưng, thời nhà Nguyễn có tư liệu lịch sử mới phản ánh sơ lược vùng đất thuộc thị xã Lào Cai. Thời Lê Trung Hưng nhân dân Lào Cai chú trọng xây dựng các đền chùa ( đền Mẫu, đền Thượng...) . Thời nhà Nguyễn, cơ cấu đơn vị hành chính cơ sở (ở Lào Cai cũng như các vùng miền núi khác) mới được phản ánh trong sử liệu. Theo  sách “tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ 19”  viết vào những năm 1810-1813, địa bàn thành phố Lào Cai ngày nay thuộc địa phần của một phần động Sơn Yêu, trại Bảo Thắng , vạn Bảo Thắng , động Hương Sơn, động Cam Đường , động Hoa Quán thuộc châu Thuỷ Vĩ Phủ Quy Hóa, trấn Hưng Hoá. Thị xã Lào Cai thời Nguyễn Gia Long gồm có các đơn vị cơ sở như sau :

 

- Trại Nam Lô thuộc đông Sơn Yêu ( từ km 2 đến vùng Bản Quẩn).

 

- Trại Bảo Thắng  (gồm toàn bộ phường Lào Cai hiện nay và một phần phường Phố Mới)

 

- Vạn Bảo Thắng (vùng ven sông từ Vạn Hoà đến Phố Mới).

 

- Động Cam đường (toàn bộ vùng thị xã Cam Đường cũ)

 

- Trại Làng Pha

 

- Động Hoa Quán (vùng Đồng Tuyển, Duyên Hải)

 

- Động Hương Sơn (vùng Nhạc Sơn, Cốc Lếu, Bắc Cường, Nam Cường)(2)

 

Đến thời Vua Minh Mệnh , nhà vua tiến hành cải cách hành chính trên phạm vi cả nước. Địa bàn thành phố Lào Cai ngày nay vào thời Minh Mệnh thứ 19 (1838) có các đơn vị hành chính như sau:

- Xã Cam Đường

- Trại Phú An

- Trại Làng Pha

- Xã Nam Lô

- Phố Minh Hương (Phố Tèo)

- Phố Bảo Thắng (phường Lào Cai và Phố Mới)

- Vạn Bảo Thắng (Vạn Hoà, Phố Mới)

- Một phần xã Lạc Sơn (vùng Nhạc Sơn Cốc Lếu, Kim  Tân, Bắc Cường)

- Một phần xã Hoa Quán (vùng Đồng Tuyển, Duyên Hải)

Đến Thời Đồng Khánh trong bộ “Đồng Khánh địa dư chí” có ghi các địa danh của thành phố Lào Cai hiện nay thuộc các đơn vị hành chính thời đó như sau :

- Xã Cam Đường

- Xã Làng Pha

- Trại Nam Lô

- Vạn Bảo Thắng

- Phố Bảo Thắng

- Phố Minh Hương

- Một phần xã Lạc Sơn (vùng Nhạc sơn, Cốc Lếu, Kim Tân, Bắc Cường, Nam Cường, Cốc San)

- Một phần xã Đồng Quán (vùng Đồng Tuyển, Duyên Hải, Cốc Lếu).

 

Bên cạnh vấn đề cải cách hệ thống hành chính. Nhà Lê, nhà Nguyễn cũng tăng cường xây dựng cơ sở vật chất ỏ vùng thị xã Lào Cai , cửa quan Bảo Thắng là một cửa khẩu lớn không ngừng được củng cố xây dựng . Thời Lê Trung Hưng cửa quan Bảo Thắng đã thu được hơn 1000 lạng bạc tiền thuế. Chủ yếu là thuế mới xuất cho vùng Vân Nam Trung Quốc. Đến thời nhà Nguyễn, nhờ đẩy mạnh giao lưu buôn bán dọc sông Hồng. Thuế quan qua cửa khẩu  Lào Cai tăng rất nhanh. Thời Tây Sơn,  cửa quan Bảo Thắng thu được 2000 lạng bạc tiền thuế. Nhưng đến năm Gia Long thứ 18 , cửa  quan Bảo Thắng trở thành cửa quan có mức thu thuế 42.100 quan tiền thuế. Nguồn thu của cửa quan Bảo Thắng chỉ đứng sau cửa quan Trình Xá và cửa quan Mễ Sở(3) .

 

Hệ thống thành quách, đình đền được trùng tu xây dựng . Năm 1872, nhằm chống  giặc giã, bảo vệ biên giới, quân dân ở Lào Cai tổ chức tu bổ, củng cố hệ thống thành cổ. Thành đắp bằng đất trộn mật mía, dày 50cm đến 80cm, cao hơn hai mét. Thành cổ chạy dài từ cổng thành ( gần bến đò sang Hà Khẩu) qua phía sau đền Mẫu dọc theo sông Hồng lên đồi đặt đại bản doanh của đơn vị canh phòng ( đồi 217 ngày nay). Các làng Lão Nhai, Tân Bảo, Cam đường , Làng Pha, Nam Lô đều  xây dựng  đình với kiến trúc đẹp. Vùng Lào Cai có nhiều mỏ được khai thác từ thời Hậu Lê. Riêng xã Cam đường có mỏ vàng được khai thác từ thế kỷ 16, mỏ diêm tiêu được khai thác từ thế kỷ 17 đến thời Gia Long mỗi năm nộp thuế bằng 100 cân. Đến năm 1829 mỏ này vị đóng cửa.

Năm 1862, quân cờ trắng kéo đến Lào Cai cùng nhà buôn Hồ Quân Xương  (thương gia Hoa Kiều giàu có) chiếm đóng  Lào Cai. Năm 1868, quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc được lệnh của triều đình nhà Nguyễn tấn công quân cờ Trắng, đánh bại cờ Vàng. Lưu Vĩnh Phúc được triều đình  nhà Nguyễn phong làm “ Bảo Thắng phòng ngự sứ”. Lào Cai trở thành căn cứ của quân Cờ Đen, thành một trung tâm tập hợp lực lượng ở vùng Tây Bắc chống quân Pháp xâm lược. Từ căn cứ là Lào Cai, quân Cờ Đen phối hợp với dân binh các châu Tây Bắc xuôi sông Hồng về chống Pháp ở vùng Hà Nội, lập nhiều chiến công hiển hách. Ngày 22/12/1873 nghĩa quân phục kích ở Cầu Giấy giết đại uý P.Gác-ni ê. Ngày 21/5/1883 nghĩa quân từ Lào Cai kéo về phục kích giết chết tên đại tá Hăng-ri pi-vi-e, lập lên chiến công lẫy lừng. Suốt 17 năm Lưu Vĩnh Phúc đóng quân ở Lào Cai (1868-1885), ông đã xây dựng Lào Cai thành một đô thị sầm uất ở biên giới.

3. Thành lập đô thị Lào Cai

Khu phố Lào Cai bị đội  quân Pháp do viên Đại tá Đờ-mốt-si-ông chỉ huy đánh chiếm ngày 30/3/1886. Ngay sau khi chiếm được khu phố, quân pháp ráo riết xây dựng các đồn binh, căn cứ hậu cần và tìm mọi cách tận thu các nguồn thuế.

Nhận thấy lợi ích thu thuế quá cảnh qua cửa khẩu, thực dân Pháp củng cố hệ thống thuế quan, mở rộng giao lưu buôn bán. Năm 1887 các đội công binh của Pháp đã khảo sát khai thông luồng mạch trên sông Hồng từ Yên Bái lên Lào Cai, mở rộng 2 tuyến đường thuỷ từ Lào Cai ngược sông Hồng lên Mông Tự, ngược sông Nậm Thi vào nội địa Trung Quốc. Đồng thời tuyến đường bộ từ Lào Cai đi Phủ Khai Hoá Vân Nam Trung Quốc cũng được tu bổ. Năm 1888, mặc dù tình hình chiến sự vẫn diễn ra ác liệt, thực dân Pháp liên tiếp bị tấn công ở  nhiều nơi nhưng tình hình buôn bán qua cửa khẩu Lào Cai vẫn nhộn nhịp. Trong cuốn “Chuyên khảo Lào Cai” của một viên sĩ quan Pháp ở Lào Cai có ghi: “tháng 3 năm 1890 ở Lào Cai có 1800 ngựa thồ muối đi các huyện, lỵ thuế thu quan 3.951 Frăng thuế nhập khẩu, và 9.699 Frăng xuất khẩu, thu thuế hàng quá cảnh ở cửa khẩu là 25.161 Frăng hàng từ Vân Nam đi Hồng Kông và 46.302 Frăng thuế quá cảnh hàng từ Hồng Kông đến Vân Nam. “Nhằm mở rộng thương trường cửa khẩu, năm 1898, cầu lớn bằng gạch bắc qua sông Nậm Thi (Cầu Hồ Kiều) được khánh thành. Ngày 8/4/1901 khu chợ Lớn có các dãy hàng quán có mái che được khai trương. Năm 1903 một khu chợ mới xây dựng khang trang ở bên Cốc Lếu cũng hoàn thành. Ngày 1/2/1906 tuyến đường sắt Lào Cai - Hải Phòng hoàn thành dài 390 km nối liền Hải Cảng lớn nhất miền Bắc với cửa khẩu Lào Cai. Nhờ vậy, khối lượng hoàng hoá qua cửa khẩu tăng rất nhanh, có năm doanh thu thuế trên 5.000.000 Frăng (năm triệu). Từ năm 1906 đến 1938, mỗi năm có hàng trăm ngàn tấn hàng hoá xuất qua cửa khẩu.

Trong giai đoạn thực hiện khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1897 - 1914), Lào Cai có tới 285 đơn thăm dò khai thác khoáng sản. Tuy nhiên số mỏ khai thác ở giai đoạn này cũng còn rất hạn chế. Năm 1911, thực dân Pháp mới tổ chức khai thác mỏ đồng ở làng Nhớn (Cam Đường) với đội ngũ 65 công nhân. Nhưng mỏ này chỉ khai thác được vài ba năm lại đóng cửa. Sau đại chiến thế giới lần thứ nhất, thực dân Pháp đẩy mạnh khai thác thuộc địa, ở Lào Cai cũng như một số tỉnh thượng du Bắc Kỳ đã xảy ra “cơn sốt khai mỏ”. Hàng nghìn nhà địa chất, doanh nghiệp lặn lội trong các cánh rừng, tìm kiếm thăm dò tài nguyên khoáng sản. Năm 1912 ở Lào Cai có 78 đơn xin khai mỏ, năm 1929 có 408 đơn và đến năm 1932 có tới 714 đơn xin thăm dò khai mỏ khoáng sản ở Lào Cai(4).

Năm 1920, mỏ phấn chì (graphít) ở ven sông Nậm Thi (thị xã Lào Cai) được khai thác với quy mô lớn, đến năm 1924 sản xuất được 800 tấn. Năm 1925, mỏ được trang bị máy móc mới, quy mô mở rộng, tìm được nhiều vỉa quặng lộ thiên ở khu vực Bản Quẩn. Do đó, năng xuất khai thác mỏ được nâng cao, bình quân mỗi ngày khai thác được 4 tấn quặng. Mỏ đang phát triển thuận lợi, nhưng do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế thế giới (1929 - 1933) nên mỏ phải đóng cửa. Phát hiện vỉa quặng Angtimon và mica ở Mường Khương, Bảo Thắng đã kích thích các chủ thầu tăng cường tìm kiếm khai thác. Mỏ mica ở làng Múc được khai thác ngay trong những năm 1935 - 1938. Mỏ vàng ở Sa Pa Trung được khai thác từ năm 1943 bằng phương pháp thủ công, sản lượng rất thấp.

Mỏ apatít Cam Đường đã được phát hiện năm 1924. Năm 1940 mỏ được khai thác với kỹ thuật của người Pháp và vốn phần lớn đầu tư của người Nhật. Mỏ apatít được xây dựng thành ba khu khai thác gồm làng Mô, Cam Đường, mỏ Cóc. Phương pháp khai thác thủ công, lộ thiên, công nhân sử dụng cuốc chim kết hợp nổ mìn. Thời kỳ đầu quặng khai thác được vận chuyển bằng ô tô lên ga Lào Cai. Về sau, mỏ xây dựng đường dây cáp treo, chuyển quặng qua sông Hồng.

Trong gần bốn năm (1939 - 1942) khai thác với kỹ thuật còn lạc hậu, mỏ apatít Cam Đường đã khai thác được 249.014 tấn quặng và xuất khẩu được 151.908 tấn. Mỏ còn bước đầu xây dựng kết cấu hạ tầng với 8.000 m đường goòng vận chuyển(5), 72 thùng goòng và 19 ghi. Công nhân khai thác mỏ và nông dân nghèo khổ ở các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Hà Đông, Vĩnh Yên, Phúc Yên. Số lượng công nhân khai thác ở thời kỳ này có từ 300 công nhân đến 500 người. Cuối năm 1944, do chiến tranh nên việc khai thác mỏ đã ngừng hoạt động. Hàng trăm công nhân lại trở về với ruộng đồng ở quê hương, một số công nhân ở lại các thôn bản.

Bên cạnh công nghiệp khai khoáng, ở Lào Cai cũng xuất hiện một số cơ Sở Công nghiệp với quy mô nhỏ. Năm 1906 Nhà máy nước Lào Cai được xây dựng. Năm 1920 Nhà máy điện ở Lào Cai được xây dựng nhưng cung cấp điện sinh hoạt cho thị xã Lào Cai là chủ yếu(6). Năm 1927, Xưởng sản xuất đá và nước giải khát cũng được thành lập. Năm 1935, hai cơ sở khai thác đất sét phục vụ công nghiệp sành sứ của hai ông Lưu Thế Tuyết và Vanmose ra đời. ở Sa Pa cũng hình thành một số cơ Sở Công nghiệp: Nhà máy nước, Xưởng dệt thổ cẩm...

Nhìn chung công nghiệp Lào Cai thời Pháp thuộc được hình thành rõ nét nhưng còn nhỏ bé và tập trung vào khai khoáng. Mạng lưới công nghiệp hầu như không có gì, ngoài Xưởng đêpô (Phố Mới) với quy mô nhỏ để sửa chữa toa xe phục vụ cho việc vận chuyển tài nguyên. Thực dân Pháp chú ý thăm dò và khai mỏ nhằm nhanh chóng vơ vét tài nguyên khoáng sản, song chỉ có một vài mỏ (apatít Cam Đường, graphít Nậm Thi) được đầu tư trang bị máy móc còn hầu hết các mỏ khác đều sử dụng nhân lực, bản địa và khai thác bằng phương pháp thủ công.

Với thủ đoạn nhằm thu được nhiều giá trị thặng dư, các nhà tư sản Pháp phương châm chỉ bỏ ra ít vốn để mua sắm các thiết bị máy móc mà chủ yếu thuê nhân công rẻ mạt để thu được nhiều lợi nhuận. Các cơ Sở Công nghiệp dịch vụ khác có quy mô nhỏ, chỉ phục vụ ngay cho bộ máy cai trị của người Pháp.

Bên cạnh phát triển kinh tế, người Pháp tăng cường quản lý, quy hoạch và mở rông khu đô thị Lào Cai. Về bộ máy hành chính, thời kỳ đầu thực dân Pháp lập ra các đạo quan binh, áp dụng chế độ quân sự cai quản các tỉnh vùng thượng du phía Bắc kỳ. Ngày 20/8/1891, toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập 4 đạo quan binh. Lào Cai thuộc đạo quan binh số 3. Đến ngày 30/10/1896, đạo lỵ quan binh số 4 chuyển về Lào Cai. Lào Cai thuộc địa phận đạo quan binh số 4. Đồng thời khu vực thành phố Lào Cai hiện nay trở thành trung tâm đạo quan binh gồm có xã Nam Lô, phố Bảo Thắng, Vạn Bảo Thắng, xã Cam Đường, xã Lạc Sơn (Nhạc Sơn), xã Đồng Quán. Nhằm củng cổ trung tâm đạo lỵ, ngày 22/2/1902, khu phố trung tâm địa lỵ Lào Cai được nâng cấp thành trung tâm đô thị. Trung tâm đô thị Lào Cai thời kỳ đó chủ yếu chỉ bao gồm phố Bảo Thắng (Phường Lào Cai hiện nay) và Cốc Lếu (Phường Cốc Lếu). Như vậy ngày 22/2/1902 trở thành ngày khai sinh ra thị xã Lào Cai (và thành phố Lào Cai).

Đô thị Lào Cai được thành lập mở ra sự phát triển mạnh mẽ về quy hoạch và quản lý. Năm 1904 đến năm 1908, thực dân Pháp tiến hành quy hoạch Lào Cai lần thứ nhất. Lào Cai phát triển mạnh sang khu vực Cốc Lếu. Bên hữu ngạn mới chỉ xây dựng nhà thờ, trại lính, bệnh viện quân sự... nhưng sẽ được bố trí mở rộng các đường phố xuống phía Nam, xây dựng các công sở. Đặc biệt năm 1908 người Pháp tập trung xây dựng khu Phố Mới thành khu ga đầu cầu, có xưởng Đề Pô, có một số cơ sở sản xuất. Năm 1926, người Pháp tiến hành quy hoạch thị xã Lào Cai. Phạm vi thị xã Lào Cai gồm 3 khu vực: khu vực trung tâm ở Lào Cai và Cốc Lếu gồm 4 thôn: Lào Cai, Tân Tèo, Cốc Lếu, Bảo Thắng. Khu vực 2 ở khu Phố Mới và Nam thị xã, khu vực 3 là Núi Đo và các làng lân cận. Trong quy hoạch cũng nhấn mạnh đến việc phải xây dựng cầu bắc qua sông Hồng, xây dựng sân bay, các nhà máy. Sau nhiều năm quy hoạch, xây dựng ngày 12/6/1935 sân bay Lào Cai được khánh thành.

Như vậy, từ địa danh “Phố Cổ” Lào Cai trở thành một đô thị sầm uất ở biên giới có ga đường sắt, có công trình đô thị, sân bay. Những trang sử ngày đầu xây dựng đô thị đều thấm đẫm mồ hôi và nước mắt của người dân Lào Cai.

                                                                                                              
 TS. Trần Hữu Sơn

(1) Diệp Đình Hoa - Phạm Minh Huyền - Lào Cai thời Đông Sơn và vấn đề các vua Hùng, Vua An Dương  (thông báo khảo cổ học năm 1995)

- Phạm Minh Huyền - Một trung tâm văn minh cổ đại đầu nguồn sông Hồng - T/c KCH số 1 - 1997

 

(2) Làng xã Việt Nam - nxb Khoa học Xã hội - Hà Nội năm 1981 - Trang 85

(3) . Nội các Triều Nguyễn - Khâm định Đại Nam Nội điển sự lệ - Tập 4 - nxb Thuận Hoá - Huế năm 1993 - Trang 449

(4) . Báo cáo của công sứ Pháp ở Lào Cai. Trung tâm lưu trữ quốc gia, Hồ Sơ số RST 74424.

(5) . Báo cáo của công sứ Pháp ở Lào Cai, Kho lưu trữ quóc gia I, Hồ sơ số: RST 74424.

(6) . Tư liệu về nhà máy điện Lào Cai, Trung tâm lưu trữ quốc gia I, Hồ sơ ký hiệu RST 79926.

 



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1