Giáo dục địa phương là một trong những môn học của chương trình giáo dục phổ thông 2018, cung cấp kiến thức hữu ích về nơi sinh sống, bồi dưỡng tình yêu quê hương cho học sinh… Tại thành phố Lào Cai, việc giảng dạy Giáo dục địa phương đang được chú trọng và đổi mới nhằm mang đến cho học sinh những trải nghiệm học tập hiệu quả và thiết thực.
Một tiết học Giáo dục địa phương của trường THCS Thống Nhất
Nội dung Giáo dục địa phương được xây dựng dựa trên các chủ đề về lịch sử, văn hóa, kinh tế - xã hội và môi trường của địa phương. Các chủ đề này được lồng ghép vào chương trình giảng dạy của các môn học, như: Lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, ngữ văn… Để giúp học sinh tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả, giáo viên đã áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy đa dạng, như: Thuyết trình kết hợp với hình ảnh, video, bản đồ; tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế như tham quan di tích lịch sử, văn hóa, khu công nghiệp, khu nông nghiệp; sử dụng các trò chơi, hoạt động tập thể…
Nói về việc triển khai dạy và học bộ môn Giáo dục địa phương tại trường, thầy giáo Mai Anh Tài - Hiệu trưởng trường THCS Thống Nhất cho biết: Hiện tại bộ môn Giáo dục địa phương được giảng dạy theo chủ đề như cội nguồn lịch sử vùng đất Lào Cai; âm nhạc truyền thống; dân cư và xã hội… Giáo viên có thể thực hiện đổi mới phương pháp dạy học bằng cách linh hoạt dạy học trên lớp, tại thực địa, tại bảo tàng, tổ chức cho học sinh thảo luận, hùng biện, trình bày ý kiến riêng của mình hoặc tổ chức các hoạt động ngoại khóa khác… Nhà trường tạo mọi điều kiện cho Giáo viên thực hiện hoạt động dạy và học một cách tốt nhất.
Bên cạnh đó, Đoàn trường cũng tiến hành tích hợp nội dung Giáo dục địa phương vào các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, các buổi tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử, hay hành trình về các địa chỉ đỏ trên địa bàn để tổ chức kết nạp đội viên, đoàn viên, các buổi ngoại khóa lồng ghép trong tiết chào cờ đầu tuần… để học sinh có thêm nhiều trải nghiệm, hứng thú hơn với nội dung giáo dục này.
Là người trực tiếp tham gia giảng dạy bộ môn Giáo dục địa phương, cô giáo Trương Thị Thanh Hiền – Giáo viên trường THCS Thống Nhất chia sẻ: “Chúng tôi thường xuyên tổ chức đa dạng các hoạt động trong môn học này theo từng chủ đề nhằm giúp học sinh có thể hiểu thêm về vùng đất và con người Lào Cai, nơi các em đang sinh sống và học tập. Việc đa dạng hóa các phương pháp dạy học nhằm giúp các em học sinh hào hứng trong mỗi tiết học và có thêm tình yêu với quê hương. Tình yêu ấy sẽ được bồi đắp từ những điều bình dị, gần gũi nhất, trong đó có những tiết học trên ghế nhà trường”.
Tại trường Tiểu học Cam Đường, những buổi học Giáo dục địa phương thường lồng ghép với hoạt động trải nghiệm thực tế tại các di tích lịch sử, làng nghề... Các tiết học Giáo dục địa phương học sinh của trường được trực tiếp tham quan và trải nghiệm thực tế tại khu Di tích lịch sử Cam Đường, Đình làng Nhớn. Cô giáo Trần Thuỳ Linh – Giáo viên chủ nhiệm lớp 4C trường Tiểu học Cam Đường cho biết: “Học Giáo dục địa phương không chỉ giúp học sinh hiểu về mảnh đất, con người nơi mình sinh ra và lớn lên mà còn là cách giúp các em nhận thức sâu sắc thêm lịch sử dân tộc, quê hương. Chúng tôi đã bám sát chỉ đạo của cấp trên để lựa chọn những nội dung sát thực tế nhất với địa phương để giảng dạy. Để dạy tốt môn học này, tôi đã nghiên cứu học tập từ các tài liệu về văn hóa, lịch sử địa phương để từ đó vận dụng sáng tạo vào mỗi tiết dạy nhằm tạo hứng thú cho các em học sinh”.

Một tiết học Giáo dục địa phương tại Khu căn cứ Cách mạng Cam Đường của cô giáo Trần Thuỳ Linh
Trong chương trình giảng dạy, cô Linh cũng đã “thực tiễn hóa” bài học bằng các hoạt động vui tươi, đem đến nhiều hứng thú cho học sinh. Em Trần Thị Thu – trường Tiểu học Cam Đường cho biết: “Khi tham gia tiết học Giáo dục địa phương bản thân em thấy rất hào hứng và mong chờ vì môn học này có nhiều chủ đề khác nhau với nhiều hoạt động phong phú. Qua mỗi tiết học, học sinh được sáng tạo, thể hiện sự cảm nhận của mình”.
Giáo dục địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục học sinh lòng yêu quê hương, đất nước. Qua môn học này, các em được tìm hiểu về những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, từ đó hình thành ý thức bảo vệ và phát huy những giá trị này. Dù là môn học nào thì đổi mới trong cách dạy học cũng rất cần thiết, giáo dục học sinh bằng việc trải nghiệm trên chính những “địa chỉ” có từ trong bài học là điều nên làm và hiệu quả nhất.