26/01/2022
Nghệ thuật Thư pháp ngày xuân
Xuân đã gõ cửa phố phường, âm
thanh của bài hát Chúc mừng năm mới làm cho sắc xuân thêm rộn ràng. Nhiều người
rủ nhau đi xin chữ cầu lộc, cầu tài, cầu may mắn. Tại Chợ hoa xuân trên đường
An Dương Vương hay Lễ hội Đền Thượng – Thành phố Lào Cai…hàng năm, hình ảnh
Thầy đồ mặc áo the, khăn xếp chỉnh tề ngồi cho chữ đưa chúng ta trở về với nét phong tục xưa, cái Tết xưa
ấm cúng.
Thầy
đồ Nguyễn Công Thuần
Ông
đồ Ngọc Hải gắn bó máu thịt với mảnh đất và con người Lào Cai từ năm 1993. Niềm
đam mê viết Thư pháp của ông được ươm mầm từ thời trai trẻ nhưng đến năm 2007
ông mới vào thành phố Hồ Chí Minh để theo học bộ môn này và từ đó Nghệ thuật
Thư pháp đã ngấm vào từng hơi thở, như một niềm đam mê khó dứt bỏ. Mặc cho cuộc
sống thị thành xô bồ, gấp gáp, Ông Hải vẫn ngày ngày miệt mài viết và dạy Thư
pháp. Thầy đồ Ngọc Hải là người đầu tiên đưa Nghệ thuật viết Thư pháp Việt và
Thư pháp Hán về thành phố Lào Cai, hiện tại Ông đang là Hội viên Câu Lạc Bộ Thư
pháp Việt UNESCO. Ông chia sẻ: Cũng như nhiều bộ môn nghệ thuật khác, những người
đến với Thư pháp phải hội đủ những yếu tố như
năng khiếu thẩm mỹ, nguồn cảm hứng, siêng học hỏi và đặc biệt phải có nhiều
thời gian khổ công rèn luyện. Nhìn vào bức thư pháp, người ta có thể đọc được
tính cách của người viết: bao dung, ngay thẳng hay thiện ác. Ở tuổi gần 70, Ông
Hải vẫn luôn trăn trở vì giới trẻ giờ đây đang thờ ơ với môn nghệ thuật này,
ông sẵn sàng truyền đạt bằng tâm huyết của mình với bất cứ ai muốn học chữ, từ kỹ
thuật, phương pháp đến cách cảm nhận ý nghĩa sâu xa cả về nét chữ, nét hình và
ngữ nghĩa của từng câu chữ. Xin chữ cũng tùy theo nguyện vọng của từng người.
Người lớn tuổi thường thích các chữ Phúc, Lộc, Thọ, An Khang, Cát Tường, Như Ý…
nhằm cầu mong sự bình yên cho gia đình con cháu. Người đi học thường xin chữ Trí, Tài, Nhẫn...
Người buôn bán, kinh doanh xin chữ Hưng,
Thịnh, Phát, Lộc …mong cho công việc kinh doanh được phát triển, thuận buồm
xuôi gió,..
Thuộc
thế hệ 8x, Thầy đồ Nguyễn Công Thuần, ngay từ nhỏ đã ham học Thư pháp. Tự học
qua những bút tích của ông nội để lại. Ban đầu chỉ là nhìn, rồi bắt chước nét
chữ, sau đó tự học thêm bố cục của một bức thư pháp cũng như tìm hiểu ý nghĩa của
từng từ, từng chữ trong ngôn ngữ Việt. Năm 2005, thầy Thuần đăng ký theo học một
khóa tại trung tâm dạy chữ Hán tại Hà Nội và thầy đồ Thuần cũng là hội viên CLB
Thư pháp Việt Unesco. Năm 2014, thầy Thuần cùng gia đình chuyển từ Hà Nội lên
sinh sống tại Lào Cai. Gần 10 năm nay, thầy đồ Công Thuần luôn có mặt tại Đền
Thượng hay chợ hoa Xuân cho chữ những khách yêu thư pháp, với mong muốn sẽ có một
ngày nghệ thuật thư pháp lên ngôi và trả lại giá trị vốn có của nó trong tâm hồn
người Việt khi tết đến xuân về.
Để
lưu giữ và truyền dạy viết Thư pháp, cứ vào mùa hè, thầy Thuần mở lớp dạy thư
pháp miễn phí cho học sinh vừa rèn luyện nét chữ nết người, vừa giúp các em am
hiểu hơn văn hóa người Việt.Thầy đồ Nguyễn Công Thuần chia sẻ về ước mơ của
mình: Tôi xây dựng lớp Thư pháp ở Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc nhưng do tình
hình dịch bệnh nên bị dán đoạn và phấn đấu xây dựng ở tất cả các trường Tiểu học
một lớp để giữ gìn được nét văn hóa cho phong tục, nét đẹp người Việt.
Tục
xin chữ đầu xuân cùng với sắc đỏ của giấy, mùi thơm của mực làm cho ngày Tết
thêm màu sắc và hương vị. Ngoài cầu may mắn, người ta còn muốn xin đức độ, tài
năng của ông đồ, lấy chữ để răn mình. Bên cạnh những người đi xin chữ cũng có
không ít người mặc trang phục đẹp đến cửa hàng của ông đồ chụp ảnh để lưu lại
những nét xưa. Em Nguyễn Quỳnh Trúc – sinh viên Trường Đại học FPT Hà Nội cho
biết: Hôm nay cháu đi Chợ hoa ngày tết cùng với bạn bè, thấy gian hàng của Thầy
đồ viết chữ Thư pháp đẹp, cháu ghé vào xin chữ. Cháu xin chữ Ơn, về treo ở góc
học tập, để nhắc nhở bản thân luôn luôn phải biết ơn công lao to lớn của cha
mẹ, ông bà, thầy cô…đã sinh thành, dưỡng dục mình có ngày hôm nay.
Nghệ
thuật thư pháp sẽ luôn song hành cùng nhịp sống của con người. Nó góp phần làm
cho chúng ta bớt đi những bận bịu lo toan thường nhật. Trải qua bao thăng trầm lịch
sử, nét đẹp văn hóa ấy vẫn còn được lưu lại nơi thành phố biên cương. Mong
rằng, thế hệ trẻ ngày nay có những phút lắng lòng tìm về với những truyền
thống, nét đẹp văn hóa tinh thần của dân tộc, nối tiếp, giữ gìn nét bút của ông
cha không bị mai một theo thời gian.
Kim Thúy- Trung tâm Văn hóa, TT-TT thành phố Lào Cai