Phỏng vấn ông Nguyễn Văn Thắng – Nguyên Phó Chủ tịch UBND thị xã Lào Cai 1992-1994.
Nhân kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập
thị xã tỉnh Lào Cai, ông Nguyễn Văn Thắng, Nguyên Phó chủ tịch UBND thị xã từ
năm 1992 đến năm 1994 đã có những tâm sự, chia sẻ về những đổi thay của vùng đất
biên cương sau 30 năm xây dựng và phát triển.
Ông
Nguyễn Văn Thắng – Nguyên Phó Chủ tịch UBND thị xã Lào Cai 1992-1994
PV: Thưa
ông, ông có thể kể lại những khó khăn của thị xã tỉnh lỵ Lào Cai trong những ngày đầu tái lập?
Ông
Nguyễn Văn Thắng trả lời: Những ngày đầu tái lập thị xã tỉnh lỵ, thị
xã Lào Cai còn chưa có gì cả. Trụ sở lúc mới thành lập chỉ có 2 nhà cấp 4 lợp
tôn ở ngay nền chợ Cốc Lếu cũ. Điện, nước, trường, y tế chưa có. Toàn bộ vừa
làm vừa xây dựng mới. Tuy nhiên, ngay trong năm đó trường cấp 1, 2 đã được
thành lập, trường Mầm non cũng có, y tế phát triển các trạm y tế. Tất cả đều được
song hành phát triển trong năm đầu tiên, đều hình thành những thứ cơ bản nhất.
Điện bắt đầu có, còn nước máy hơn một năm sau mới bắt đầu có. Khu truyền thanh,
truyền hình lên muộn hơn một chút. Năm 1992, hệ thống dân cư chưa về nhiều. Khu
vực nội thị được gọi là tiểu khu như tiểu khu Lào Cai, Cốc Lếu, Duyên Hải, Kim
Tân, chưa được gọi là phường vì chưa đảm bảo về mặt dân số. Chỉ sau hơn một
năm, tất cả các tiểu khu đã phát triển thành phường vì dân về rất đông. Nhân
dân rất phấn khởi vì được trở về quê hương của mình. Đội ngũ cán bộ được cử lên
thị xã ngày đó còn rất trẻ và có trình độ, thị xã phát triển rất nhanh.
PV: Giữa bộn
bề khó khăn, Lễ công bố tái lập thị xã tỉnh lỵ
ngày 1/9/1992 đã được diễn ra như thế nào, thưa ông?
Ông
Nguyễn Văn Thắng trả lời: Ngày 1/9/1992 được
chọn làm ngày ra mắt thị ủy, Ủy ban lâm thời tại khu vực chợ Cốc Lếu bây giờ.
Buổi lễ được tổ chức trong hội trường bằng cót ép. Các đồng chí lãnh đạo của tỉnh
cũng đến vì đây là một ngày quan trọng, ngày thiêng liêng của một thị xã được hồi
sinh sau chiến tranh biên giới kéo dài. Trong buổi lễ có 18 cán bộ thị xã nhưng
nhân dân biết kéo đến rất đông. Ngày đó, không ai đi mời nhân dân vì hệ thống
thông tin liên lạc còn chưa phát triển. Phát biểu trong buổi lễ ra mắt có các đồng
chí Tráng A Pao (lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai), đồng chí Đào Văn Ngoạn (lúc
đó là bí thư Thị ủy Lào Cai) và đồng chí Trần Đình Sự (lúc đó là chủ tịch UBND
thị xã Lào Cai)… Nhân dân đến và mang theo cờ, có rất nhiều cờ của nhân dân
mang đến. Một buổi lễ ra mắt đơn sơ nhất trong lịch sử của thị xã từ xưa đến giờ,
nhưng trong lòng dân thì rất phấn khởi vì quyết định thị xã được hồi sinh là rất
quan trọng, đúng đắn, nhân dân rất vui sướng khi trở lại quê hương Lào Cai.

Lễ ra
mắt Ban chấp hành Đảng bộ và Ủy ban nhân dân lâm thời thị xã Lào Cai ngày
1/9/1992 (Ảnh Tư liệu)
PV: Là người
chứng kiến thị xã từ ngày đầu tái lập, ông có nhận xét gì về sự phát triển
thành phố Lào Cai ngày nay?
Ông
Nguyễn Văn Thắng trả lời: Đến giờ tôi thấy
thành phố Lào Cai rất hùng cường, thị xã đã phát triển rất nhanh để lên thành
phố. Sau 30 năm thị xã đã có những bước đi rất thần kỳ, không có mấy thị xã miền
biên giới mà sau 30 năm phát triển được như Lào Cai đâu. Tôi đi hết các vùng thị
xã tỉnh lỵ và thị xã biên giới, lúc đầu chúng ta dưới “âm”, khó khăn nhất trong
các thị xã tỉnh lỵ chia tách vì vừa là thị xã biên giới, vừa là vùng cao, vừa bị
bỏ hoang… Nhưng sau 30 năm, thị xã Lào Cai – Thành phố Lào Cai đứng đầu trong
thành phố biên giới phía Bắc của cả nước. Thị xã phát triển cả về Chính trị,
Kinh tế, xây dựng, văn hóa, Giáo dục, du lịch…. Thành phố đã vượt xa với nhiều
thành phố khác. Điều đó chứng tỏ một sức sống lớn của một chủ trương đúng. Đó
là thuận lợi của thiên thời, địa lý, của thành phố Lào Cai. Và điều quan trọng
hơn là sự lãnh đạo tương đối chính xác của Trung ương và đặc biệt của tỉnh và
thành phố tạo nên sự phát triển vượt bậc.
PV: Vâng,
xin cảm ơn ông đã tham gia cuộc phỏng vấn của chúng tôi.